Bệnh viêm nha chu là bệnh viêm nhiễm phổ biến trong miệng thường xảy ra đối với những người ở độ tuổi trung niên trở lên. Đây là căn bệnh nguy hiểm bởi diễn biến thầm lặng của nó và có thể khiến người bệnh rụng răng ở giai đoạn cuối.
Nha chu là gì?
Từ nha chu được nhắc đến nhiều trong các bệnh lý về răng miệng nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của từ này, Nha chu thường bị nhầm lẫn với lợi hoặc nướu, nhưng thực ra không phải vậy, nha chu bao hàm ý rộng hơn.
Nha chu là toàn bộ tổ chức xung quanh răng, có nhiệm vụ chống đỡ và giúp cho răng được vững chắc trong xương hàm. Để có một chiếc răng khỏe phải đảm bảo 3 yếu tố sau: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng khỏe. Trong đó:
- Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô nhạy cảm phía dưới, ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập vào bên trong răng. Đây là bộ phân quan trọng nhất của nha chu, nướu quyết định hàm răng có chắc khỏe hay không.
- Xương ổ răng là cấu trúc nằm dưới răng, giữ cho chân răng vững chắc, nếu vi khuẩn xâm nhập vào khu vực này, nguy cơ rụng răng của người bệnh là rất lớn.
- Dây chằng nha chu là các mô nối liền răng và xương hàm răng bằng các sợ Sharpey. Một đầu sợ gắn chặt vào lớp xi măng răng, một đầu gắn vào xương ổ răng.
Mô nha chu bao gồm nướu răng (lợi) là phần có màu hồng nhạt phía dưới mỗi chân răng. Khi có biểu hiện bị viêm nhiễm, các mô này có xu hướng chuyển sang màu đỏ. Nướu khỏe mạnh sẽ bám chặt vào chân răng, giữ cho răng vững chắc và bảo vệ phần xương ổ răng, dây chằng nằm bên dưới lợi. Các phần nhô ra của nha chu hay còn gọi là các gai lợi nằm phía dưới các răng.
Bệnh viêm nha chu là gì?
Viêm nha chu là tình trạng bệnh của mô nha chu bao gồm viêm lợi và viêm nha chu phá hủy, hay đơn giản là tình trạng nhiễm trùng bắt đầu từ nướu lan dần xuống các cấu trúc bên dưới của mô nha chu. Bệnh tiến triển tới giai đoạn nặng có thể khiến nướu mất bám dính vào răng, xương ổ răng bị tiêu hủy và các túi nha chu hình thành, suy giảm chức năng của răng, ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.
Hơn nửa số người trường thành và tới ba phần tư người trên 35 tuổi có triệu chứng của bệnh nha chu. Số ca nhiễm bệnh ở trẻ em ít hơn so với người lớn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu
Nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm nha chu chính là vi khuẩn. Chúng gây ra tình trạng viêm tấy trên các mô nha chu và có thể khiến bạn bị rụng răng nếu không loại bỏ kịp thời. Một số nguyên nhân làm xuất hiện vi khuẩn gây viêm nha chu như:
- Vệ sinh răng miệng không thường xuyên
- Hút thuốc lá
- Thức ăn thừa vướng vào kẽ răng
- Cấu trúc của răng không khít
- Hệ miễn dịch kém.
- Người có thai dễ bị viêm nha chu hơn người bình thường.
Ngoài ra, thay đổi nội tiết tố cũng có thể dẫn tới sưng lợi, gây tình trạng viêm lợi. Tuy nhiên, tình trạng viêm này kéo dài cũng dẫn tới bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh và làm cho bệnh khó chấm dứt.
Dấu hiệu bệnh viêm nha chu
Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh viêm nha chu chính là lợi răng chuyển từ màu hồng hạt hoặc màu hồng đậm sang màu đỏ sẫm. Có thể sưng lên và căng phồng. Bạn sẽ dễ dàng chảy máu khi đánh răng. khi nhai thức ăn hoặc khi có những tác động trực tiếp lên lợi. Mô liên kết giữa lợi và răng trở lên lỏng lẻo, chức năng bám dính suy giảm làm cho thức ăn thừa dễ dàng bị mắc kẹt lại trong các kẽ răng. Khi răng miệng không được vệ sạch sẽ, thức ăn thừa sẽ khiến cho việc hình thành mảng bám và cao răng (vôi răng) xảy ra nhanh hơn, đây là nơi tập trung mối khối lượng lớn vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ được nuôi dưỡng bằng những thức ăn thừa bám vào mảng bám, cao răng. Chúng chuyển hóa các chất đường, bột trong các mảng bám này thành axit tấn công vào bề mặt của răng. Hiện tượng này sẽ khiến tình trạng viêm nha chu càng ngày càng tồi tệ hơn và có thể dẫn tới rụng răng.
Một cách dễ hiểu nhất, bạn bị mắc bệnh viêm nha chu khi có những dấu hiệu sau:
- Lợi sưng đỏ, dễ chảy máu
- Đau răng, đau lợi
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Đau răng khi nhai thức ăn
- Răng bị lung lay
- Có cao răng tính tụ lại ở gần chân răng.
Bệnh viêm nha chu diễn biến từ mức độ nhẹ tới mức độ nặng. Ở những giai đoạn đầu, bệnh tiến triển lặng lẽ, người nhiễm bệnh sẽ hầu như không xuất hiện những triệu chứng, chỉ tới giai đoạn cuối, khi viêm nha chu gây nên những tổn thương khó có thể được phục hồi được cho răng, lợi, người bệnh mới cảm thấy những triệu chứng rõ rệt.
Người bị viêm nha chu trải qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu: Đây là giai đoạn khi mảng bám và cao răng hình thành, vi khuẩn tích tụ lại ở cổ răng, xung quanh lợi, răng và kẽ răng. Giai đoạn này là khởi đầu của viêm nha chu và người bệnh sẽ không cảm thấy có dấu hiệu bất thường trong miệng của mình.
- Giai đoạn hai: là giai đoạn khi sự viêm nhiễm bắt đầu hình thành. Nướu sưng phồng, dễ dàng chảy máu khi có các tác động từ bên ngoài như chải răng, ăn uống.
- Giai đoạn ba: Giai đoạn tình trạng viêm nhiễm lan tỏa rộng tạo thành các túi nha chu sưng phồng và chứa vi khuẩn và chất mủ.
- Giai đoạn cuối: Giai đoạn khi xương ổ răng và dây chằng bị vi khuẩn phá hủy, lợi răng tụt xuống, răng lung lay và có thể bị rụng.
Khi phát hiện bạn đang có những dấu hiệu của viêm nha chu, hãy tới ngay những cơ sở nha khoa uy tín để được tư vấn và điều trị kịp thời, tránh các trường hợp xấu nhất xảy ra, ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng cũng như toàn cơ thể. Các nha sĩ khuyến cáo nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần dù cho bạn không xuất hiện những triệu chứng của các bệnh về răng miệng.
Viêm nha chu có chữa được không?
Tuy là căn bệnh diễn biến phức tạp nhưng viêm nha chu vẫn có thể điều trị được. Tùy vào từng giai đoạn bác sĩ sẽ có những cách điều trị phù hợp cho bạn. Một khi trong miệng bạn xuất hiện những triệu chứng sau đây, hãy đến những cơ sở nha khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị, vì rất có thể bạn đã mắc bệnh viêm nha chu.
- Nướu từ màu hồng hoặc hồng nhạt chuyển dần sang màu đỏ.
- Lợi sưng phồng, cảm thấy đau khi có sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ trong miệng (uống nước lạnh, nước nóng).
- Răng dễ dàng bị chảy máu khi có các tác động như chải răng, ăn đồ ăn cứng, nóng.
- Xuất hiện các mảng bám và cao răng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Hình thành các túi nha chu có chứa mủ bên trong.
Đối với mỗi giai đoạn của bệnh viêm nha chu, bạn sẽ được áp dụng các biện pháp khác nhau để điều trị triệt để căn bệnh nguy hiểm này, sau đây là một số phương pháp được igygate.vn nghiên cứu và tổng hợp:
Điều trị không phẫu thuật: Đây là biện pháp thường được áp dụng khi người bệnh đang ở những giai đoạn đầu của viêm nha chu. Phương pháp này bao gồm những thao tác làm vệ sinh răng miệng, chỉnh sửa hồi phục hình thái của răng. Có thể cân nhắc nhổ răng nếu viêm nha chu đã phá hủy các cấu trúc xung quanh răng. Cố định răng hoặc phục hình tạm thời nếu cần thiết.
Điều trị phẫu thuật: Biện pháp này được đề nghị khi các biện pháp điều trị thông thường không thành công, thường là vào giai đoạn gần cuối của bệnh viêm nha chu, khi lợi có biểu hiện sưng tấy và đau đớn, răng có biểu hiện lung lay. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật nha chu và yêu cần phải có chuyên khoa nha chu thực hiện.
Điều trị khẩn cấp: Phương pháp này được áp dụng cho người ở giai đoạn cuối của viêm nha chu, khi trong miệng xuất hiện một khối sưng ở vùng lợi, vùng xung quanh có màu đỏ gây ra cảm giác đau đớn. sờ vào thấy phập phồng. Đó chính là những túi nha chu xuất hiện ở giai đoạn cuối của bệnh. Lúc này, các bác sĩ cần áp dụng ngay những phương pháp kịp thời để không xảy ra những biến chứng nguy hiểm.
Điều trị duy trì: Khi đã được điều trị bằng các phương pháp trên hiệu quả, các nha sĩ sẽ áp dụng biện pháp điều trị duy trì cho người bị viêm nha chu để đề phòng bệnh tái phát.
Bệnh viêm nha chu có chữa được không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu bệnh chỉ đang ở giai đoạn đầu, hay cụ thể hơn là trong giai đoạn viêm nướu, bệnh sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và nướu sẽ khôi phục lại như ban đầu.
Nếu bệnh nhân đã xuất hiện những túi nha chu, kết quả điều trị sẽ phụ thuộc vào độ sâu của túi nha chu, mức độ phá hủy tổ chức quanh răng của vi khuẩn. Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự thành công của một quá trình điều trị chính là sự cố gắng và hợp tác của người bệnh. Nếu bệnh nhân không tuân thủ thực hiện những ghi chú của bác sĩ trong thời gian điều trị thì chắc chắn rằng bệnh sẽ khó có thể thuyên giảm.
Phòng tránh viêm nha chu
Vệ sinh răng miệng đúng cách
Nguyên nhân gây viêm nha chu chính là vi khuẩn có chứa trong mảng bám trên răng. Do đó, vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng các là cách phòng tránh tốt nhất. Bạn cần xây dựng cho mình một thói quen đánh răng hợp lý. Ngày đánh răng ít nhất hai lần sau mỗi bữa ăn. Súc miệng ngay sau khi ăn vặt bất cứ thứ gì trong ngày. Nếu súc miệng bằng nước muối sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong việc loại trừ vi khuẩn.
Tuy nhiên, chỉ đánh răng đều đặn không thôi vẫn chưa là cách để phòng viêm nha chu triệt để. Việc đánh răng không đúng cách vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn gây nên các bệnh răng miệng. Do đó, khi chải răng, cần chải kỹ lưỡng từ ngoài vào trong. Khi chải răng cần lưu ý những điểm sau:
- Sử dụng bàn chải mềm và vừa với răng, tránh dùng bàn chải quá to khiến răng, lợi bị tổn thương.
- Khi chải đặt bàn chải 45 độ so với phần viền nướu.
- Chải thứ tự từ 2-3 răng một lần với tác động rung và xoay tròn tại chỗ.
- Di chuyển bàn chải tới các răng kế tiếp và chải các mặt còn lại của răng.
- Chải lưỡi từ trong ra ngoài bằng bàn chải thông thường. Bàn chải thông thường sẽ có mặt đối diện của mặt chải răng sẽ có những gai nhỏ để chải lưỡi. Động tác chải lưỡi cũng vô cùng quan trọng vì nó loại bớt vi khuẩn tạo mùi hôi trong khoang miệng, Đa phần chúng ta khi chải răng đều quên động tác này.
- Súc miệng lại với nước hoặc các dung dịch súc miệng trong 30 giây.
Bạn cần thay đổi thói quen sử dụng tăm của mình bằng cách sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn. Sử dụng tăm nếu không để ý sẽ vô tình gây tổn thương lợi khi ma sát giữa tăm và lợi quá mạnh, tạo điều kiện vi khuẩn tấn công và gây nên bệnh viêm nướu, sau này có thể tiến triển thành bệnh viêm nha chu. Chỉ nha khoa với cấu tạo mềm và dai, có thể len lỏi vào từng kẽ răng giúp loại bỏ mảng bám tốt hơn nhiều so với tăm.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Một thói quen ăn nhiều đồ ngọt, tinh bột hay nhiều đồ có chất dính sẽ khiến cho bạn có nguy cơ bị mắc các bệnh về răng nhiều hơn bình thường. Các vi khuẩn gây bệnh trong khoang miệng sẽ chuyển hóa chất đường và tinh bột có trong đồ ăn thành axit bào mòn men răng, dễ dàng xâm nhập vào các cấu trúcc bên trong răng. Do đó, cần hạn chế ăn đồ ngọt, đồ có chất bám dính và cách tốt nhất là nên vệ sinh răng miệng sau khi ăn những loại đồ ăn này.
Bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là vitamin C. Vitamin C giúp kháng viêm, tham gia vào quá trình chống lại các vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể. Cung cấp đầy đủ vitamin C cho cơ thể khiến ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, đủ sức để kháng lại các loại vi khuẩn gây bệnh răng miệng.