THIẾU VI KHOÁNG SẮT, KẼM Ở TRẺ EM

“NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP CHO TÌNH TRẠNG THIẾU VI KHOÁNG SẮT, KẼM Ở TRẺ EM VIỆT NAM” – HARVARD PUBLIC HEALTH REVIEW
Đó là tiêu đề 1 bài nghiên cứu tổng hợp gần đây tôi vừa đăng trên tạp chí y tế công cộng Harvard về tình trạng thiếu vi khoáng dinh dưỡng kẽm sắt ở trẻ em Việt Nam. Sau đó, một chuyên gia người Ấn Độ đã liên lạc với tôi nhằm trao đổi thêm về 1 dự án thiếu vi chất ở trẻ em Châu Á mà họ đã khởi xướng từ năm 2019. Điều mà chúng tôi cùng quan tâm không chỉ dừng lại ở bổ sung để giảm thiếu hụt mà cần chữa tận gốc vấn đề thông qua can thiệp dinh dưỡng và thay đổi hành vi.
Thực ra việc thiếu vi chất không riêng gì ở Việt Nam, mà là thực trạng tồn tại ở nhiều quốc gia trong khu vực mặc dù chất lượng bữa ăn của trẻ em ngày nay đã được cải thiện. Theo báo cáo từ 3 tổ chức gồm UNICEF, WHO và ASEAN đã cảnh báo về trạng thái dinh dưỡng của trẻ em ở khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với “gánh nặng” thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là vi chất dinh dưỡng). Tâm lý chung một số cha mẹ Á Đông thường nghĩ con mập mạp là khỏe mạnh. Nhưng, thực tế dù trẻ trông bụ bẫm, thậm chí thừa cân béo phì vẫn có thể thiếu vi chất dinh dưỡng nếu chế độ ăn của trẻ mất cân đối.
Thực trạng về kẽm sắt của trẻ em Việt Nam khá giống ở 1 số quốc gia trong khu vực, tỷ lệ thiếu kẽm là cao và thường đi cùng với thiếu sắt. Theo thống kê của Viện dinh dưỡng Quốc Gia năm 2019-2020 gần 60% trẻ thiếu kẽm, và cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt.
Dưới đây là những điểm chính mà tôi đã đề cập trong bài báo này:
1. Nguyên nhân của việc thiếu vi khoáng sắt, kẽm ở trẻ em Việt Nam
+ Tỷ lệ hấp thụ sắt, kẽm ở trẻ là rất khác nhau, thường không cao và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố mặc dù nguồn thực phẩm chứa kẽm sắt là không ít. Một số nghiên cứu ước lượng: tỷ lệ sắt hấp thu vào khoảng 20%, còn kẽm khoảng 18-34%. VD kẽm sắt có thể bị giảm hấp thu bởi những thực phẩm giàu chất phylate có trong 1 số loại rau củ, ngũ cốc… Hơn nữa, với trẻ nhỏ, nguồn thực phẩm giàu kẽm sắt có thể bị hạn chế do thói quen giới thiệu thịt, cá bị trì hoãn trong độ tuổi ăn dặm của người Việt. Đáng chú ý là hai vi khoáng này thường bị thiếu cùng nhau vì nguồn thực phẩm chứa chúng khá tương đồng.
+ Tỷ lệ biếng ăn của trẻ nhỏ ở Việt Nam là cao. Một số nghiên cứu cho thấy cứ 4 trẻ có 1 trẻ bị biếng ăn. Khởi đầu ăn dặm của trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian ăn dặm (thường bắt đầu quá sớm), không thay đổi cấu trúc thức ăn theo độ tuổi (thường trẻ chỉ được cho ăn cháo suốt thời gian ăn dặm, thậm chí đến 2 tuổi). Không tạo cơ hội cho trẻ học nhai và hành vi ăn uống lành mạnh ngay từ sớm (thường cha mẹ dụ dỗ và ép trẻ ăn để tăng lượng thức ăn hơn là để trẻ phát triển tín hiệu no đói tự nhiên). Môi trường ăn uống bị di động và không cố định (thường bế rong, hoặc cho xem điện thoại khi ăn). Các yếu tố này thường ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của trẻ và dễ làm trẻ bị biếng ăn sớm. Biếng ăn sớm là rào cản để trẻ phát triển hành vi ăn uống đa dạng và gia tăng sự thiếu hụt do không nhận đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng kẽm và sắt trong những giai đoạn phát triển nhanh của trẻ
+ Tỷ lệ thiếu vi chất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và mang thai ở Việt Nam cũng khá cao, bao gồm cả sắt, kẽm. Trạng thái dinh dưỡng của người mẹ rất quan trọng cho trạng thái dinh dưỡng của thai nhi và cho khởi đầu khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Khuynh hướng của phụ nữ Việt Nam trong ăn uống mang thai thường chú trọng vào “ăn nhiều”cho con khỏe, nhưng thật ra nó không nằm ở “lượng ăn” mà nằm ở “chất lượng” bữa ăn vì người mẹ vẫn có thể thiếu vi chất thậm chí mẹ trông mập mạp khỏe mạnh. Nếu khởi đầu vi chất dinh dưỡng của mẹ không đủ sẽ dễ làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt vi chất sau sinh. Do đó người mẹ cần ăn đủ, đúng và đa dạng.
+ Các chiến lược bổ sung kẽm, sắt trong thực phẩm ở Việt Nam thông qua bổ sung các vi chất này vào bột mỳ và một số thực phẩm vẫn chưa đạt mục tiêu kỳ vọng.
2. Giải pháp hỗ trợ và ngăn ngừa thiếu hụt vi khoáng kẽm sắt ở trẻ
+ Như đã nói ở trên, ngăn ngừa thiếu vi chất từ người mẹ là rất quan trọng. Không chỉ đợi đến khi bạn mang thai, bạn mới quan tâm đến dinh dưỡng mà hãy duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng đa dạng ít nhất 3 tháng trước kế hoạch mang thai vì trạng thái dinh dưỡng của trẻ bị ảnh hưởng lớn bởi trạng thái dinh dưỡng của người mẹ.
+ Ở mức độ can thiệp cá nhân, là cần thiết bổ sung những vi khoáng này khi trẻ không nhận đủ từ thực phẩm, đặc biệt khi trẻ ăn uống kém đa dạng, hoặc biếng ăn, đặc biệt với nhóm trẻ dưới 5 tuổi vì đây là nhóm có tốc độ phát triển nhanh. Sản phẩm bổ sung cho trẻ nên ở dạng lỏng, có thể chứa cả kẽm và sắt với tỷ lệ cân bằng 1:1- tỷ lệ này giúp kẽm và sắt hấp thu tốt và không ảnh hưởng khi kết hợp cùng nhau. Trong bài báo này, tôi cũng có đề cập đến một hướng dẫn gần đây của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia về việc bổ sung kết hợp kẽm sắt cho trẻ thông qua sản phẩm bổ sung dạng lỏng như Fitobimbi Ferro C ở liều khuyến nghị cho 2-3 tháng có thể mang lợi ích trong phòng ngừa sự thiếu hụt những vi khoáng này.
+ Bên cạnh đó, một điều cũng rất cần thiết là nên gia tăng nhận thức và sự hiểu biết của những người chăm sóc trẻ thông qua giáo dục và tuyên truyền về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng để từ đó giúp họ thay đổi hành vi chăm sóc trẻ. Hơn nữa, các tổ chức sức khỏe, nghiên cứu địa phương cũng nên ứng dụng các công nghệ high-tech như smartphone để gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, tư vấn cho những cha mẹ ở khu vực khó tiếp cận cơ sở y tế, cũng như kết hợp các dữ liệu về gen di truyền để cá nhân hóa nhu cầu vi chất cho trẻ trong tương lai.
Note
Nguyen-Hoang A. Causes and solutions for iron and zinc deficiencies among Vietnamese children. HPHR. 2021;41. DOI: 10.54111/0001/OO8 https://hphr.org/41-article-nguyen-hoang/

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây