Bổ sung tối ưu Vitamin và các chất dinh dưỡng trước sinh

Bổ sung Vitamin và khoáng chất cho thai phụ
Bổ sung Vitamin và khoáng chất cho thai phụ

Vitamin K

Vitamin K hỗ trợ quá trình đông máu và cấu tạo xương chắc khỏe. Thiếu vitamin K khi mang thai là tình trạng phổ biến ở cả mẹ và con ngay sau khi sinh. Trẻ sinh non đặc biệt có nguy cơ bị chảy máu nặng sau khi sinh, thường có thể dẫn đến xuất huyết nội sọ. Nguyên nhân khiến nồng độ vitamin K thấp ở trẻ sơ sinh là do nồng độ Vitamin K ở mẹ thấp và lượng vitamin K được chuyển từ mẹ sang trẻ rất ít.
Một phân tích tổng hợp của 7 nghiên cứu cho thấy liệu pháp vitamin K (liều 5–10 mg, thường được lặp lại) giúp làm giảm đáng kể tình trạng xuất huyết não nghiêm trọng (RR = 0,58; CI 95% 0,37 – 0,91) và giảm tình trạng chảy máu não (RR = 0,76; CI 95% 0,54 – 1,06).
Các viên uống bổ sung trước khi sinh được khuyến cáo nên chứa ít nhất 90 mcg vitamin K. Ngoài ra, ở những phụ nữ sắp có nguy cơ sinh non, điều trị bằng vitamin K liều cao cho mẹ được khuyến cáo (10 mg, có thể lặp lại). Phụ nữ đã từng phẫu thuật giảm béo trước đây có thể cần 10 mg/tuần.
Chất lượng bằng chứng: thấp.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Vitamin K khi mang thai: yếu.

Thiamin

Thiamin, còn được gọi là vitamin B1, giúp cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ tim mạch và thần kinh khỏe mạnh. Trong thai kỳ, Vitamin B1 giúp giảm nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng như tình trạng thai nhẹ cân và thai vô sọ.
Thiamine là đồng yếu tố của ba enzyme quan trọng trong quá trình chuyển hóa glucose và thiếu thiamine dẫn đến suy giảm sản xuất và bài tiết insulin, do đó làm giảm sử dụng glucose.
Trong thời kỳ mang thai bình thường, giá trị thiamine trong tế bào máu giảm vào tuần thứ 28 đến tuần thứ 39 của thai kỳ từ 230nmol/l xuống 170nmol/l. Những phụ nữ có thai giới hạn tăng trưởng có nồng độ thấp hơn nhiều, 140nmol/l ở tuần thứ 30 của thai kỳ và 130nmol/l ở tuần thứ 39 của thai kỳ, (p=0,0001 và p=0,0005, tương ứng) cho thấy việc bổ sung thiamine là cần thiết trong thời kỳ mang thai.
Chất lượng bằng chứng: thấp.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Thiamin khi mang thai: yếu.

Riboflavin

Riboflavin đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất hormone tuyến giáp, sản xuất tế bào miễn dịch và hồng cầu, đồng thời cải thiện chức năng của thụ thể ánh sáng. Ở phụ nữ mang thai, bổ sung riboflavin đơn thuần có thể ngăn ngừa tiền sản giật nặng và tăng huyết áp. Viêc kết hợp riboflavin với một số vitamin/khoáng chất dường như làm tăng hiệu quả của nó và được chứng minh là giúp giảm thiếu máu và quáng gà. Đối với trẻ sơ sinh, thiếu riboflavin có thể liên quan đến cân nặng khi sinh thấp và tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh nghiêm trọng (mất chi và dị tật ở tim).
Phụ nữ Hoa Kỳ được khuyến cáo nên sử dụng các viên uống bổ sung trước khi sinh chứa khoảng 2 mg riboflavin, nhưng một số phụ nữ có thể cần tới 2,5 mg/ngày nếu họ có chế độ ăn uống ít chất dinh dưỡng. Nếu có tăng huyết áp, có thể sử dụng liều 15mg, nhưng cần thêm nghiên cứu để xác định xem liệu 15 mg có mang lại nhiều lợi ích lâm sàng hơn liều thấp hơn hay không.
Chất lượng bằng chứng: trung bình.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Riboflavin khi mang thai: mạnh.

Niacin

Niacin cần thiết cho nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm sản xuất năng lượng và phát triển hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và da. Nồng độ Niacin thấp có liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh (nứt đốt sống, dị tật tim nghiêm trọng)
Trong một nghiên cứu bệnh chứng trên 287 phụ nữ mang thai, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chế độ ăn ít niacin (ước tính dựa trên nhật ký thực phẩm) trước khi mang thai dẫn đến tăng nguy cơ mắc tật nứt đốt sống (OR = 2,5 đối với tứ phân vị thấp nhất), với mức dưới 20 mg/ngày làm tăng nguy cơ. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy rằng lượng Niacin trong chế độ ăn uống ở nhóm tứ phân vị thấp nhất có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim nghiêm trọng tăng lên đáng kể (OR = 3,8).
Chất lượng bằng chứng: thấp.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Niacin khi mang thai: yếu.

Acid pantothenic

Acid pantothenic cần thiết để sản xuất Coenzym A, một chất có nhiều chức năng trong cơ thể, bao gồm sản xuất năng lượng từ chất béo, carbohydrate và protein. Sự thiếu hụt acid pantothenic khi mang thai có liên quan đến tình trạng trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Một nghiên cứu ở Nhật cho thấy phụ nữ hoặc trẻ vị thành niên mang thai có nồng độ acid pantothenic thấp hơn 36% so với nhóm không mang thai. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng bổ sung 10mg calcium pantothenate mỗi ngày làm tăng nồng độ acid pantothenic một chút so với nhóm chứng không mang thai.
Chất lượng bằng chứng: thấp.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Acid pantothenic khi mang thai: yếu.

Vitamin B6

Vitamin B6 ảnh hưởng đến hơn 100 phản ứng enzyme trong cơ thể, bao gồm cả việc sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và các hormone quan trọng. Thiếu vitamin B6 có liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non, buồn nôn/nôn khi mang thai, sứt môi/ hở hàm ếch ở trẻ sơ sinh và và các vấn đề về hành vi phát triển thần kinh ở trẻ sơ sinh. Bổ sung B6 có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của buồn nôn, giảm nguy cơ dị tật tim mạch, giảm nguy cơ tiền sản giật và cải thiện cân nặng khi sinh.
Một nghiên cứu trên phụ nữ Ai Cập (những người có xu hướng có nồng độ B6 thấp) cho thấy vitamin B6 là chất dinh dưỡng quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi thần kinh của trẻ sơ sinh và tương tác giữa mẹ và con. Một nghiên cứu về sứt môi miệng (sứt môi/hở hàm) cho thấy nhóm ngũ phân vị tiêu thụ B6 thấp nhất có liên quan đến nguy cơ sứt môi miệng cao hơn 61%.
Liều 10 mg/ngày là liều lượng cần thiết để giữ mức vitamin B6 không giảm trong thai kỳ. Liều cao hơn (25 mg mỗi 8 giờ trong 3 ngày) hỗ trợ giảm triệu chứng buồn nôn.
Chất lượng bằng chứng: trung bình.
Mức độ khuyến cáo cung cấp Vitamin B6 khi mang thai: mạnh.

Tài liệu tham khảo

1. Adams JB, Kirby JK, Sorensen JC, Pollard EL, Audhya T. Evidence based recommendations for an optimal prenatal supplement for women in the US: vitamins and related nutrients. Matern Health Neonatol Perinatol. 2022;8(1):4. Published 2022 Jul 11

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây