CÙNG CON TRẺ VƯỢT BỆNH MÙA ĐÔNG

Mùa đông, từng được gọi là “mùa gặt” của nhiều tác nhân gây bệnh vì lúc này nguồn bệnh trong không khí gia tăng và có điều kiện thuận lợi để phát triển. Và đối tượng dễ mắc bệnh lại chính là trẻ em. Hôm trước, có 1 bạn hỏi tôi em không biết có nên cho con tiếp tục đi học trong mùa này không? Vì dạo gần đây hễ con đi lớp là lại bệnh, em lo sợ bệnh nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Thực ra nhiều bằng chứng cho thấy việc trẻ thường xuyên bị bệnh, đặc biệt trước 6 tuổi có thể có ảnh hưởng đến tăng trưởng, thậm chí đến sức khỏe của trẻ khi lớn. Tuy nhiên, chúng ta nên tìm những cách tốt hơn để bảo vệ trẻ chứ không phải là ngăn cấm trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Việc cho trẻ mặc áo ấm thật dày, bắt trẻ chơi trong nhà để bảo vệ trẻ khỏi bệnh. Nhưng, liệu điều này có hiệu quả khi mà các tác nhân gây bệnh cho trẻ thường do virut, vi khuẩn?

MỘT SỐ CÁCH BẠN CÓ THỂ ÁP DỤNG ĐỂ BẢO VỆ TRẺ TỐT HƠN

Đưa ra những quy định áp dụng trong nhà nhằm giảm các tác nhân lây truyền bệnh
· Các thành viên cần rửa tay sạch bằng xà phòng khi từ nơi làm việc, trường học… về nhà
· Không hút thuốc trong nhà hoặc dẫn trẻ đến nơi có nhiều khói thuốc
· Trồng thêm cây xanh, dọn các vật dụng cũ như báo cũ, thú nhồi bông lâu rồi không dùng…
Khi trẻ bệnh áp dụng một số mẹo nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn cho trẻ
· Cam tươi tốt hơn viên sủi. Uống quá nhiều vitamin C có thể gây tác dụng phụ khó chịu cho trẻ như tiêu chảy, đau bụng. Khuyến khích trẻ ăn đa dạng các loại trái cây giàu vitamin C như ổi, cam, bưởi, dâu tây…sẽ tốt hơn. Vì ăn trái cây tươi còn bổ sung thêm cả vi chất và chất xơ tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ.
· Ngâm chân bằng nước ấm với 1 ít muối. Thực ra nó không có tác dụng trị bệnh hay ngăn ngừa bệnh, mà nó có thể tạo 1 không gian thư giãn để bạn và trẻ có thể chơi cùng nhau, tạo sự vui vẻ cho trẻ. Thời gian: 5-10 phút
· Siro ho bằng mật ong, nước ngâm chà là… có hiệu quả giúp giảm cơn ho ở trẻ
· Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ
· Biết sử dụng thuốc giảm sốt đúng cách, đúng liều lượng. Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt nên đi khám bác sĩ.
· Biết sử dụng 1 số kỹ thuật mát-xa giúp thông mũi, hỗ trợ táo bón

XÂY DỰNG NỀN TẢNG DINH DƯỠNG TỐT CHO TRẺ

· Bên cạnh chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng. Trẻ nên được khuyến khích ăn nhiều rau xanh, trái cây vì đây là nhóm chứa nhiều chất chống oxy hóa và vitamin khoáng giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ. Cụ thể, các loại trái cây trẻ nên ăn 60g/ngày cho trẻ 1-2 tuổi, 130g/ngày đối với trẻ 2-3 tuổi và 200g/ngày với trẻ > 4 tuổi. Rau xanh nên ăn 130g/ngày cho trẻ 2-3 tuổi và 200g/ngày với trẻ 4-8 tuổi.
· Nhóm đạm rất cần thiết cho xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh của trẻ vì đây là nguồn cung cấp các axit amin thiết yếu cho cơ thể- là nguyên liệu cho nhiều hợp chất miễn dịch trong cơ thể, đồng thời là thành phần tiên quyết cấu tạo nên hệ cơ của cơ thể. Nên phân bổ mỗi tuần: 2-3 ngày thịt bò, heo, gà, trứng, sữa; 1-2 ngày cá và hải sản, 1-2 ngày đậu hũ, nấm hoặc đậu các loại.
· Khi nhắc đến hệ miễn dịch chúng ta không thể không nhắc đến đường ruột. Như chúng ta đã biết đường ruột không chỉ là nơi giúp hấp thu các dinh dưỡng mà còn là nơi chứa đến 80% tế bào miễn dịch của cơ thể. Do đó, việc lựa chọn các thực phẩm dinh dưỡng, sữa cho trẻ có thêm những thành phần dưỡng chất tốt cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ cũng là một cách hiệu quả. Đơn cử như HMO – một thành phần quan trọng trong sữa mẹ sẽ giúp nuôi dưỡng các lợi khuẩn đường ruột, ức chế sự phát triển của một số hại khuẩn như Clostridium, ngăn cản các hại khuẩn khác bám vào thành ruột gây bệnh cho trẻ cũng như giúp cơ thể trẻ tăng cường miễn dịch. Gần đây nhiều cha mẹ cũng quan tâm về thành phần đạm sữa A2. Thực ra, đây là dạng đạm A2 beta-casein. Theo nghiên cứu của TS. Eshraghi, ĐH Miami, Mỹ cho thấy dạng đạm này thường dễ hấp thu cũng như hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.
· Giúp trẻ uống đủ nước. Trẻ uống không đủ nước có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện giải của cơ thể cũng như các vấn đề sức khoẻ khác.

TẠO MIỄN DỊCH CHỦ ĐỘNG CHO TRẺ

· Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia
· Ngủ tốt. Giấc ngủ kém ảnh hưởng đến tăng trưởng chiều cao, sự thoải mái của trẻ và hệ miễn dịch kém.
· Lối sống năng vận động sẽ giúp các tế bào miễn dịch ít lười nhác. Trẻ dưới 5 tuổi nên có ít hơn 60 phút/ngày sử dụng các thiết bị điện tử như ipad, điện thoại, TV… Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt nhóm để tăng khả năng giao tiếp xã hội của trẻ thông qua các hoạt động như diễn kịch, kể chuyện, đánh cờ,… Điều này cũng giúp giảm tỷ lệ lo lắng và tự kỷ ở nhóm trẻ độ tuổi đi học, đặc biệt là các trẻ ở thành thị. Trẻ cũng nên được ra công viên chơi ít nhất 2-3 ngày/tuần. Trẻ trên 5 tuổi có thể tham gia 1 số môn thể thao 2-3 ngày/tuần như bơi lội, học võ, nhảy múa.
Hãy quan tâm, đầu tư sức khỏe cho con của bạn ngay từ giai đoạn nhỏ. Bởi vì theo một ước tính của Masse, cứ 1 đồng bạn bỏ tâm sức vào chăm sóc sức khỏe trẻ tốt lúc nhỏ, thì trẻ sẽ giảm 5 lần bị bệnh và thiếu hụt dinh dưỡng và tăng 5 lần cơ hội bước vào giai đoạn sau với sự phát triển tối đa về thể chất.
Note
Li et al. 2019. Lancet (London, England), 399(10340), 2047–2064.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây