XÂY DỰNG LỐI TƯ DUY CẦU TIẾN CHO TRẺ TỪ NHỎ

Trong những ngày cuối năm này, có lẽ nhiều người trong chúng ta đang phải gấp rút hoàn tất những công việc cuối cùng của năm và lên kế hoạch cho 1 năm mới sắp tới. Và các bạn cũng đừng quên lên kế hoạch và mục tiêu cho gia đình nhỏ của mình nhé. Cũng trong dịp cuối năm này, tôi xin cầu chúc cho những người bạn, cộng sự và đặc biệt là những người bạn trên trang Facebook này của tôi một năm mới an lành và hạnh phúc.
Và điều chia sẽ cuối cùng của tôi trong năm 2022 là 1 bài học quan trọng mà tôi nghĩ bạn cũng nên đưa vào trong những bài học mà bạn nên giúp trẻ rèn luyện trong năm mới. Bởi vì đây là bài học quan trọng để một người được thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Bài học về lối tư duy cầu tiến.
Lionel Messi, cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày cuối năm 2022- người đã đem lại nhiều cung bậc cảm xúc cho mùa giải World Cup năm nay.
Trong một bài phân tích khá hay của đài CNBC về điều gì đằng sau sự thành công của Messi. Đã cho chúng ta thấy rằng: cũng giống như nhiều người nổi tiếng thành công khác như tỷ phú Mark Cuban, Messi có lối tư duy của những người thành công bậc nhất, đó là “tư duy cầu tiến”. Thực tế, Messi có xuất phát điểm là không thuận lợi để trở thành 1 cầu thủ chuyên nghiệp, nói chi đến giấc mơ trở thành “siêu cầu thủ” như ngày nay vì từ nhỏ anh đã mắc căn bệnh thiếu hormone tăng trưởng bẩm sinh. Điều này ảnh hưởng lớn đến thể trạng và vóc dáng của anh, cái mà rất quan trọng để giúp anh trở thành 1 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng ngược lại Messi đã không chấp nhận số phận, vượt lên khó khăn và những điều tưởng chừng như không thể thay đổi để thực hiện ước mơ của mình bằng cách từng bước đạt được những mục tiêu nhỏ để chinh phục giấc mơ lớn hơn. Đó là cả quy trình cố gắng và nỗ lực một cách chăm chỉ, học hỏi và khiêm nhường. Đó là lối tư duy cầu tiến.
Báo cáo tại ĐH Nebraska- Lincoln, Mỹ nhấn mạnh đây cũng là lối tư duy quan trọng mà cha mẹ nên dạy cho trẻ từ sớm. GS. Tâm Lý Học nổi tiếng Carol Dweck, ĐH Stanford, Mỹ, nhà nghiên cứu tiên phong về cách tư duy này, từng chia sẻ: “Nếu cha mẹ muốn tặng con một món quà, điều tốt nhất bạn nên làm là dạy con yêu thích thử thách, có thái độ chấp nhận sai lầm, tận hưởng nỗ lực và không ngừng học hỏi.” Thực vậy, học cách đối mặt thử thách và chấp nhận sai lầm là bài học quan trọng mà cha mẹ nên dạy trẻ. Chúng ta quá quen với sự tán dương, và luôn tìm kiếm sự dễ dàng. Điều này chỉ làm tư duy chúng ta bị giới hạn khi phải đối mặt với khó khăn. Trẻ con nhìn nhận sự khó khăn qua lăng kính của cha mẹ. Khi các con không được cho cơ hội để đối mặt hay chấp nhận cảm giác bị thất bại hay xử thua trong các hoạt động. Điều này là 1 bất lợi hơn là lợi thế. Vì chính trong sự thử thách, hiểu sự tồn tại của thất bại là 1 phần của trò chơi thì trẻ sẽ học được cách quản lý cảm xúc của nó, và học cách giải quyết vấn đề. Mọi đứa trẻ lớn lên đều cần kỹ năng này để tồn tại và thành công. Người có tư duy cầu tiến hiểu rằng sự thành công là thông qua rèn luyện và sự chăm chỉ học tập, nhìn sự thất bại là cơ hội hơn là than trách, nhìn sự thành công của người khác là cơ hội để học hỏi và trao đổi hơn là ganh tị, và trân trọng sự nhận xét của người khác hơn là xem đó là sự tấn công.
Theo GS. Carol, để xây dựng lối tư duy cầu tiến cho trẻ từ nhỏ, cha mẹ được khuyên nên làm những điều sau:
1. Lời khen là quan trọng với trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ không nên khen ngợi trẻ, mà nên khen ngợi điều trẻ làm. Khen ngợi vào nổ lực và quy trình của trẻ hơn là cho lời khen sáo rỗng hay chỉ là tập trung vào kết quả.
2. Cho trẻ cơ hội để hiểu về sự thất bại. VD, trong 1 trò chơi nào đó, trẻ bị thua thì nên được xử thua. Không vì trẻ còn nhỏ mà thiên vị hay được làm dễ.
3. Cho trẻ biết không phải bất kì đòi hỏi nào của trẻ đều được chấp nhận. Cần cho trẻ hiểu điều nào là quan trọng và ưu tiên. VD. Nếu hôm nay là ngày về thăm ông bà thì trẻ phải về thăm ông bà, chứ không phải trẻ muốn đòi đi chơi chỗ khác là được đi chơi.
4. Khuyến khích trẻ giải thích những điều trẻ nói hay lựa chọn khi có thể.
5. Khi trẻ thất bại hay gặp điểm xấu trên lớp, đừng chỉ trích. Cha mẹ nên công nhận những điều trẻ làm tốt và thẳng thắn cho trẻ biết điều nào trẻ chưa làm tốt. Chỉ trích hay la mắng chỉ làm trẻ phát triển hành vi che giấu lỗi sai. Ngược lại, thái độ cầu tiến của cha mẹ sẽ giúp trẻ chia sẻ và nổ lực để tốt hơn.
6. Khi giao bài tập hay công việc trẻ làm, cha mẹ nên thiết lập rõ ràng thời gian hoàn tất, mục tiêu đánh giá (VD, cứ 2 câu hỏi làm xong thì đưa mẹ xem nhé!), rõ ràng luật lệ, quy định.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây