VÌ SAO CẦN DẠY TRẺ VỀ GIÁ TRỊ CỦA LỖI SAI VÀ THẤT BẠI?

Tại sao cần dạy trẻ về thất bại
Tại sao cần dạy trẻ về thất bại
Có một bài học rất quan trọng mà nhiều khi chúng ta lại ít quan tâm để dạy trẻ. Nhưng nó lại là bước không thể thiếu để giúp trẻ thành công. Chúng ta thường dạy trẻ phải cố gắng, phải kiên trì, phải học giỏi để có công việc lương cao…Nhưng chúng ta lại bỏ qua bài học dạy trẻ cách chấp nhận thất bại, chấp nhận lỗi sai và đứng lên từ đó. Con người thường có khuynh hướng giáo dục theo hướng tích cực, nhưng lại bỏ ngõ những khái niệm tiêu cực hơn, hoặc cố lẩn tránh hay dùng hình phạt để răn đe cấm đoán, thậm chí vài nơi dùng cách dạy đánh trừ hay đổi thừa trừ như Bo có lỗi gì đâu, cái ghế phải không Bo, đánh cái ghế nè, hơn là dạy cho trẻ hiểu rằng “lỗi lầm cũng có giá trị, cũng cần được tán dương”. Cách giải quyết như vậy là bạn đang vô tình làm trẻ có lối suy nghĩ “có lỗi sẽ giấu hay cố đổ lỗi cho người khác”.

GIÁ TRỊ CỦA LỖI LẦM

Lỗi lầm là một phần của xã hội, nó không nên bị tách rời và chối bỏ. Nó không nên được hiểu là “thứ đáng sợ” và người làm lỗi sẽ luôn bị chỉ trích và trách mắng. Thực ra khi hiểu về lỗi lầm, chúng ta nên hiểu nó trong nội dung xảy ra của nó. Khi dạy trẻ về lỗi lầm, chúng ta đừng dạy khái niệm như “con biết làm vậy là sai không, là hư không?”, thay vào đó, hãy cho trẻ thấy lỗi lầm trong nội dung xảy ra của nó. VD, con biết đá như vậy cún con sẽ bị đau như thế nào không? Khi nói đến đó, bạn hãy cho trẻ cái ví dụ như ấn mạnh từ từ vào chỗ lõm của ngón cái và ngón trỏ và hỏi con có đau không? Điều này chỉ cho bạn thấy rằng, nếu bạn đưa khái niệm và cho rằng lỗi lầm là thứ không được xã hội chấp nhận thì mãi trẻ cũng không nhận ra lỗi lầm hoặc cố tìm cách che đậy nó. Nhưng, khi bạn cho trẻ thấy lỗi lầm có thể dẫn đến hậu quả gì, trẻ sẽ tự nhận ra liệu có nên làm như vậy nữa hay không.
Khi nói về sự cải thiện hậu quả, không ít những nhà giáo dục đã giáo dục “theo chiều ngược”, tức là giúp trẻ nhận ra lỗi và dạy trẻ chấp nhận lỗi sai, hơn là đưa luật không được làm sai – nếu sai bị phạt. Điều thú vị là: những trẻ học được cách chấp nhận lỗi sai có khuynh hướng đạt kết quả cuối cùng tốt hơn. GS. Dweck, ĐH Stanford, Mỹ từng chia sẻ: khuyến khích trẻ nhận hậu quả và học hỏi từ lỗi sai là một phần cần thiết trong học hỏi, khi làm nên tập trung khuyến khích vào thế mạnh để trẻ phát triển năng lực tự cải thiện từ bên trong.

KHI ĐỨA TRẺ LÀM LỖI HAY CƯ XỬ KHÔNG ĐÚNG

Chỉ trích hay bao biện là cách không khôn ngoan khi đối phó với lỗi lầm. Nhiều người hay bao che như kiểu “còn nhỏ có lỗi gì đâu, từ từ tính” hoặc có người chỉ trích “bưng thế cũng đổ à, đồ đứa con hư”.
Thực ra, 2 cách này đều dẫn đến sự chối bỏ lỗi hơn là giúp trẻ chấp nhận nó. Thử nghĩ 1 tí, chỉ trích giống như cách bạn gắn mác cho sự thất bại hay sự vô dụng. Bao biện, bạn đang che lấp lỗi. cả hai cách này đều có thể làm trẻ hiểu không đúng về lỗi lầm. Việc đứa trẻ lại tái phạm hay che lấp là điều có thể hiểu được.

KHI TRẺ CÓ LỖI, NÊN LÀM NHƯ THẾ NÀO?

Cách tiếp cận nên gồm 3 bước: giúp trẻ hiểu nó tồn tại, chấp nhận tại sao nó tồn tại, và cách giải quyết.
Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng thực hành nên hiểu đơn giản là
+ Giúp trẻ hiểu nó tồn tại: tức là cho trẻ thấy hậu quả của vấn đề chỗ nào, càng chi tiết, càng rõ, càng minh họa được càng tốt.
+ Giúp trẻ chấp nhận tại sao nó tồn tại: thực ra nó là nguyên nhân đằng sau của lầm lỗi. Có thể dùng câu hỏi tại sao đến 5 lần để tìm ra nguyên nhân. Phương pháp này được đề xuất bởi ông Sakichi Toyoda, nhà sáng lập ra hãng xe Toyota nổi tiếng trên thế giới. Sau 5 lần hỏi tại sao hầu hết các vấn đề sẽ được giải quyết, với những trường hợp đơn giản thường không cần dùng đến 5 lần. Các bé từ 3 tuổi có thể thích cách tương tác này. VD, ứng dụng phương pháp 5 câu hỏi tại sao:
1. Con bị té là do đâu? trúng phải cái ghế
2. Tại sao trúng phải cái ghế? tại cái ghế nằm giữa đường
3. Tại sao cái ghế nằm giữa đường? tại con mang ra đây chơi
Đến đây bạn có thể giúp bé nhận ra tại sao lỗi lại tồn tại rồi đó.
+ Giúp trẻ tìm cách giải quyết: giúp trẻ nhận ra các hướng giải quyết và tự lựa chọn
VD về cái ghế, vậy con nghĩ làm sao để không bị té lại. Dạ, con cất cái ghế lại vị trí cũ! Lúc này bạn hãy tán dương và khuyến khích bé thực hành cải thiện như “đúng rồi, nếu cất cái ghế, con sẽ không bị vấp và sẽ không bị té”.
Bất kì lúc nào trẻ cũng có thể mắc lỗi hoặc có những lúc cư xử chưa đúng, khi ấy thay vì chỉ trích hay bao che thì hãy giúp trẻ dũng cảm nhận ra nó, cùng tìm hiểu nguyên nhận và cách giải quyết. Quy trình có vẻ như tốn thời gian, công sức, nhưng kết quả lâu dài là rất ý nghĩa cho trẻ. Đặc biệt, nếu điều này được dạy sớm trước khi trẻ bắt đầu hòa nhập vào môi trường lớn hơn ngoài gia đình. Những đứa trẻ học được quy trình này sẽ phát triển khác biệt và vượt trội về tư duy hơn tất cả.
Note:
Price-Mitchell, M. (2015) Tomorrow’s Change Makers: Reclaiming the Power of Citizenship for a New Generation.

1 Câu hỏi

  1. Chào các bạn, một số cha mẹ băn khoăn làm sao giúp trẻ hiểu và chấp nhận khi chơi thua. Thực ra không đứa trẻ nào muốn bị thua vì cảm giác thua khó chịu và không thích bằng cảm giác chiến thắng, không chỉ trẻ mà người lớn chúng ta cũng vậy. Thực tế cảm giác đó xảy ra là 1 điều dễ hiểu vì hầu hết xã hội này đều nhìn vào sự chiến thắng, ít ai chuẩn bị hay quan tâm đến sự thất bại. Do đó, lớn lên chúng ta đã được dạy làm sao để chiến thắng, cảm giác sung sướng, tự hào ra sao, nhưng chẳng ai dạy chúng ta hiểu cảm giác thất bại như thế nào, làm sao chấp nhận nó và đứng lên từ nó ra sao. Cách dạy của chúng ta nên cần thay đổi vì thất bại và chiến thắng cũng giống như 2 mặt của đồng xu. Do đó, việc cho cơ hội để trẻ cảm nhận được thất bại lại là 1 điều tốt vì đó là lúc trẻ hiểu được cảm giác này và học cách kiểm soát nó. Và điều này nên làm từ nhỏ để khi đứa trẻ lớn lên đã hiểu rằng luôn có thất bại và chiến thắng tồn tại ở mọi cuộc chơi, thất bại không phải là rào cản mà là sức mạnh để chiến thắng. Điều bạn nên làm lúc này là quy định rõ ràng luật chơi cho trẻ biết và hiểu như thế nào là thua, như thế nào là thắng, và hành vi nào được chấp nhận, không chấp nhận trong trò chơi (VD, chơi ăn gian, đổ thừa, khóc đòi đi lại là không được chấp nhận). Luật chơi cũng cần rõ ràng cả hậu quả. VD, nếu vi phạm thì ngừng chơi ngay lập tức. Khi trẻ chơi thua, bạn nên khích lệ trẻ và khích lệ trên nỗ lực, đề xuất các chiến lược mới để cải thiện hơn là an ủi sáo rỗng. VD, hồi nãy con đi nước cờ này khá hay nè, nếu con đi vậy thì mẹ đi nước này thì con nghĩ sẽ làm gì để thắng mẹ? Giúp trẻ hiểu cảm giác cả thất bại và chiến thắng là 1 điều nên làm để trẻ trưởng thành hơn. Đó mới là chiến thắng thực sự cho con cái chúng ta. Chúc các bé vui khỏe

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây