QUÁT MẮNG BẮT TRẺ NÍN KHÓC CÓ HIỆU QUẢ ?

TẠI SAO TRẺ KHÓC?

Trẻ khóc – một điều khá đơn giản nhưng liệu bạn có đang xử lý đúng cách. Khi trẻ khóc bạn thường chọn giải pháp quát mắng bắt trẻ nín ngay hay chọn kệ để mặc trẻ khóc chán thì nín. Thực ra cả 2 cách xử lý trên đều chưa đúng. Tôi tin rằng trong hành trình làm cha mẹ ai cũng có lúc cảm thấy bất lực với sự ương bướng và tiếng khóc của trẻ. Đặc biệt, sẽ càng khó khăn hơn khi gặp trường hợp trẻ khóc nhè nhẹ suốt ngày, hay khóc ré mãi không chịu nín, hay cũng có trẻ hở tí là khóc
Tuy nhiên, bạn biết không! Cái mà chúng ta cho là phiền phức, thì ngược lại khoa học về trẻ nhỏ nhấn mạnh rằng: tiếng khóc là một phần quan trọng trong việc thể hiện cảm xúc và học cách truyền đạt cảm xúc của trẻ lúc nhỏ và nó có ảnh hưởng quan trọng đến cách trẻ học cách kiểm soát cảm xúc khi lớn. Vậy, chúng ta nên xử lý như thế nào là đúng khi trẻ khóc?
Đầu tiên tôi sẽ nói tại sao 1 số cách xử lý của cha mẹ khi trẻ khóc là chưa đúng, thậm chí ảnh hưởng đến sự thể hiện cảm xúc của trẻ sau này

CÁCH XỬ LÝ CHƯA ĐÚNG CỦA CHA MẸ KHI TRẺ KHÓC

XỬ LÝ 1: Quát mắng bắt trẻ nín khóc ngay, thậm chí khẽ tay đau để trẻ sợ.

Cách xử lý chưa đúng. Khi trẻ khóc là lúc trẻ đang bộc lộ cảm xúc mạnh, bạn dùng áp lực để chặn dòng cảm xúc đó lại. Lúc này, có 2 tình huống có thể xảy ra.
• Dòng cảm xúc của trẻ vẫn tiếp tục bộc lộ, trẻ khóc hét lên, hoặc tỏ vẻ tức giận hơn. Bạn tiếp tục quát tháo để buộc trẻ nín. Cảm xúc của trẻ vẫn gia tăng và cứ như vậy tiếp tục vòng tròn quát tháo qua lại. Đứa trẻ lớn lên rất dễ có tính khí lỗ mãn và hành động thiếu phân tích vì cho rằng ai lớn tiếng hơn sẽ thắng, thay vì chịu lắng nghe.
• Trẻ sợ, có thể nín khóc. Ở tình huống này, các nhà khoa học lo lắng hơn vì trẻ cảm thấy bản thân mất quyền được tự do bộc lộ cảm xúc… Với những đứa trẻ này lớn lên không có ý định đặt mục tiêu cao hơn mức trung bình, thiếu suy nghĩ cho người khác và bản thân trẻ cũng không cảm thấy tự tin. Nếu là bé gái thì trẻ dễ có những cảm xúc mạnh dù chỉ là 1 vấn đề nhỏ, dễ mất chính kiến khi đưa ra quyết định, lụy vào cảm xúc chồng con hơn là 1 người phụ nữ tự tin và quyết đoán.

XỬ LÝ 2: Để mặc trẻ khóc hoặc giả vờ làm ngơ để trẻ tự nín

Cách xử lý này có lẽ bị ảnh hưởng từ 1 phương pháp thường được chia sẽ là “Cry it out” vì cho rằng nó giúp trẻ phát triển tính tự lập. Phương pháp này được phát triển từ nhà tâm lý học John Watson vào năm 1928 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, GS. Tâm Lý Học Narvaez, ĐH Notre Dame- Top 2% của 8 triệu nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, chia sẻ ý kiến rằng: sự hình thành phương pháp này dường như lỗi thời vì nó được phát triển khi những hiểu biết về lợi ích của việc tương tác với trẻ vẫn chưa được phát triển, khi mà tương tác da kề da hay tương tác tích cực với trẻ vẫn còn “xa xỉ” ở thời điểm đó.
Mãi vài thập kỉ sau đó, khoa học về tương tác và giao tiếp tích cực giữa cha mẹ và trẻ được nghiên cứu là giúp mang lại lợi ích to lớn, đặc biệt trong năm đầu đời của trẻ.
GS. Brown, ĐH Swansea, Anh cũng cho biết những nghiên cứu liên quan đến phương pháp này cho thấy không có lợi ích trong việc giúp trẻ phát triển tự lập hay kiểm soát cảm xúc như nhiều cha mẹ vẫn nghĩ.
Theo cả hai Giáo sư, phương pháp này không còn phù hợp, hơn nữa có thể làm nhiều cha mẹ áp dụng quá cứng ngắt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kết dính tích cực giữa cha mẹ và trẻ ở giai đoạn sớm.

CÁCH XỬ LÝ TỐT HƠN KHI TRẺ KHÓC LÀ:

Tôi mở đầu bằng tên gọi của 1 dự án của cơ quan giáo dục cha mẹ ở xứ Wales, Anh Quốc: “Nuôi dạy con cái cần dành thời gian!” Nghĩa là bạn cần phải bỏ tâm, bỏ sức để nuôi dạy 1 đứa trẻ thành người. Có bạn sẽ nói rằng: trẻ khóc có gì đâu mà dạy, chỉ cần làm sao trẻ không khóc nữa là được. Tuy nhiên, như tôi đã nói, khóc không chỉ là 1 cách bộc lộ cảm xúc của trẻ, mà là cơ hội để chúng ta giúp trẻ hiểu, quản lý và bộc lộ cảm xúc đúng vì mọi đứa trẻ đều có quyền bộc lộ cảm xúc khi chúng cần.
Khi trẻ khóc, đừng bỏ mặc hoặc quát mắng bắt trẻ nín ngay vì đó là cách bạn tự rời xa cảm xúc trẻ có. Tại sao không cùng trẻ chấp nhận cảm xúc trẻ có và cùng trẻ quản lý nó. Đó mới là bài học trẻ cần được dạy. Nó có thể mất thời gian của bạn. Do đó, nuôi dạy con cần thời gian là vậy!
Do đó, khi trẻ khóc tức tưởi vì một lý do tưởng chừng như vô lý nào đó. Lúc này, bạn nên bế trẻ ra 1 góc, ngồi xuống để mắt bạn và trẻ ngang bằng nhau và nói với trẻ: “Con có thể khóc, mẹ sẽ đợi. Khi nào khóc xong, nói với mẹ rồi chúng ta đi tiếp”. Nói xong, bạn đừng đôi co hay cố dụ dỗ để trẻ nín khóc sớm hơn, chỉ cho trẻ thấy mẹ đang đợi cảm xúc của trẻ tan biến. Bài học ở đây đứa trẻ học được là tự quản lý cảm xúc bản thân và có trách nhiệm để kết thúc nó. Bạn sẽ ngạc nhiên rằng: cơn khóc của trẻ cho những lần sau sẽ giảm và số lần khóc vô cớ sẽ ít dần.
Notes
Narvaez, D.F. 2011. Dangers of “Crying It Out”: The practice comes from comes from a misunderstanding of child development. Psychology Today.
Brown, A. et al. 2019. Sleep-training and babies: why ‘crying it out’ is best avoided. The Conversations

2 HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

  1. Mình đã làm vậy với bé, nhưng bé cứ nhắm mắt khóc và chỉ muốn ôm mẹ rồi bắt mẹ phải bế lên ngay thì làm như thế nào thưa bác sĩ?

    • chào bạn, bạn có thể làm bất cứ điều gì (VD như ôm, bế, cùng chơi,…) khi trẻ khóc xong, bạn nên nói điều này cho trẻ biết như trong bài. Nếu trẻ nài nỉ đòi bạn bế lên khi vẫn khóc hoặc nhè nhè, bạn có thể nói lại cho trẻ hiểu: Bin này, con nhớ nguyên tắc của mẹ chứ, khi nào con thực sự bình tĩnh không khóc nữa, chúng ta sẽ nói chuyện. Nếu con nghĩ con bình tĩnh thì hãy cầm khăn lau hết nước mắt đã”. Đó là điều kiện bắt buộc của phương pháp này. Khi trẻ tự kiểm soát cảm xúc bản thân thì mới thực sự hiểu về cảm xúc của mình đang có. Chúc bé vui khỏe.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây