Trẻ em thường trở nên tò mò hơn với thế giới khi chúng được bố mẹ hoặc người lớn bảo “không được làm” bởi vì trẻ trong độ tuổi nhỏ sẽ sớm phát triển nhận thức độc lập và trở nên muốn làm mọi điều. Đó là cách mà não bộ của trẻ học để sáng tạo. Điều này lại càng trở nên quan trọng ở xã hội ngày nay khi khoa học hiểu về trẻ em phát triển và gia đình ngày nay cũng ít con cái. Trẻ ngày nay được quan tâm hơn vì cha mẹ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc chơi, tương tác với trẻ nhỏ. Do đó, cách giáo dục trẻ ngày nay không hướng đến việc cấm đoán vì nó không còn hiệu quả, mà thay vào đó, bắt đầu tôn trọng và dạy trẻ các kỹ năng cần thiết để hiểu thế giới tốt hơn. Đây là những điều nên dạy trẻ khi trẻ dần tham gia vào các hoạt động ngoài xã hội.
KHI NGƯỜI LẠ CHO BÁNH KẸO, RỦ ĐI CHƠI MÀ KHÔNG CÓ BỐ, MẸ HAY NGƯỜI THÂN Ở ĐÓ.
“Tránh xa người lạ” không còn là lời khuyên phù hợp với trẻ con ngày nay. Thay vào đó, bạn nên
Bắt đầu tin vào trẻ và nên dạy trẻ rõ ràng khi nào cần tránh và khi nào không. Khi tránh cần phải nói điều gì và tìm giúp đỡ ở ai.
• Nếu có bố mẹ bên cạnh hoặc đi cùng con, thì con có thể chào và cười vui vẻ lại với những ai chào con hay thể hiện thân thiện với con. Cha mẹ sẽ bảo vệ con nếu có bất kỳ điều gì không tốt xảy ra.
• Nếu không có bố mẹ bênh cạnh, thì dù người đó có tỏ ra thân thiện hoặc cho con thứ con thích như bánh kẹo, đồ chơi… thì con nên hét lớn “không, con không quen cô” và chạy đi chỗ khác tìm sự giúp đỡ.
Tìm sự giúp đỡ từ ai? Bạn nên dạy trẻ nhận diện ai là người đáng tin để tìm kiếm sự giúp đỡ. Dùng các hình ảnh và đọc sách cho trẻ để trẻ dễ hiểu và dễ nhận dạng. Đây có thể là những người con có thể tin tưởng và nhờ sự giúp đỡ
• Người mặc đồng phục: như chú cảnh sát, như nhân viên ngân hàng, cô giáo mặc áo dài, nhân viên bán hàng tiện lợi… những người mà trẻ có thể dễ dàng nhận diện.
• Người đứng bán trong cửa hàng gần nhất
• Người có dẫn theo em bé hay trẻ con
Con hãy kể cho người có thể giúp đỡ nghe về sự việc và nhờ họ điện cho cha mẹ. Bạn nên ghi số điện thoại của bạn ở giày hay cặp của trẻ và cho trẻ biết.
TRONG LÚC TAN LỚP MÀ BỐ MẸ ĐẾN ĐÓN TRỄ THÌ NÊN LÀM SAO?
Việc nói đơn thuần như “tan học con nên ở trong lớp hay trong sân trường” chờ bố mẹ thường ít hiệu quả với trẻ. Bạn nên cho trẻ hiểu theo cách hiểu có thể giúp trẻ thực hành được. Nên dành thời gian ít nhất 2 tuần đến đón trẻ sớm để trẻ nhận ra và quan sát được “không khí” của sự tan trường như thế nào. Thay vì, đón trẻ ngay và ra về, bạn nên dành thời gian đi dạo xung quanh và chơi với trẻ các trò chơi. Khi đó, bạn nói với trẻ là: khi chưa thấy mẹ, con chơi những thứ này chờ mẹ nhé. Cho trẻ biết nhìn phía nào có thể quan sát thấy mẹ tới và bạn hãy đi hướng đó cho mỗi lần đón trẻ để trẻ cảm thấy điều bạn nói là “chính xác”. Chờ đến khi mọi người về hết và dẫn trẻ đến bác bảo vệ để trò chuyện thêm và sau đó nói với trẻ: nếu không còn ai như lúc này, thì con ở gần bác bảo vệ nhé.
Chúng ta thường dùng mệnh lệnh để cấm đoán hay bảo điều trẻ phải làm, mà không tin vào trẻ thì trẻ sẽ không làm theo. Ngược lại, khi bạn tin vào trẻ, cho trẻ hướng dẫn để hiểu rõ và có cơ hội thực hành tốt thì đứa trẻ sẽ làm tốt hơn bạn nghĩ. Đó là cách bảo vệ trẻ hữu hiệu nhất.
KHI ĐI CHƠI Ở CÔNG VIÊN, KHU VUI CHƠI THÌ NÊN NHƯ THẾ NÀO?
Khi trẻ vui chơi ở công viên hay khu vui chơi, nếu bạn để ý thì lúc đầu trẻ luôn quan sát bạn vì trẻ sẽ bắt đầu xây dựng 1 liên kết tạm thời để tự trấn an rằng “mẹ ở đó” và cảm thấy thoải mái để vui chơi. Tuy nhiên, sự tự trấn an này sẽ sớm biến mất sau đó, thậm chí trẻ sẽ tự đi chỗ này, tự đi chỗ kia vì trẻ bắt đầu hình thành suy nghĩ rằng “mẹ sẽ luôn bên trẻ”. Đây có thể là 1 vấn đề. Sự trấn an ban đầu có lợi thế là giúp trẻ tìm kiếm sự an toàn từ bạn, nhưng bất lợi là làm trẻ không thoải mái khi chơi hay rụt rè khi chơi. Điều bạn cần làm là: tạo sự trấn an có điều kiện để trẻ không bị mất sự tự trấn an, mà vẫn cảm thấy tự tin khi chơi. Để làm vậy, cách đơn giản là cho trẻ biết 2 điều trước khi chơi:
1. Mẹ ở đâu
2. Thời gian kết thúc và mẹ rời đi
VD, Bin, con chơi ở nhà hơi này 10 phút, mẹ ngồi ghế đá bên kia. Con nhìn thấy không? Khi gần hết 10 phút mẹ để chuông con nghe. Nghe chuông con lại đây và đi chơi trò khác.
Nghe có vẻ “mất thoải mái”, nhưng đó là cái mà đứa trẻ cần. Đứa trẻ cần xác nhận từ người mẹ là mẹ vẫn ở đó cho đến khi nào và sẽ rời đi. Khi làm vậy, bạn cũng sẽ cho trẻ hiểu giá trị của thời gian và có thể tránh được sự ương bướng đòi chơi thêm của trẻ.
Khi chơi ở công viên hay khu vui chơi, bạn nên nói rõ nguyên tắc khi vào chơi trước khi cho trẻ chơi. Đó cũng là luật chơi trẻ cần biết. Luật chơi bao gồm:
• Chơi bao lâu
• Chơi mấy trò
• Khu vực nào không được chơi
• Khi nào biết kết thúc đi về. VD, mẹ để chuông điện thoại.
• Thái độ đúng khi chơi: nếu mọi người xếp hàng thì con phải xếp hàng, ai đó đưa con thứ gì phải nhận bằng 2 tay và cảm ơn,…
• Hậu quả của việc vi phạm
Thực ra không ai dạy con bạn những điều này khi con bạn lớn. Chính những điều bạn dạy trẻ về luật chơi đúng, thái độ đúng khi chơi lúc này sẽ giúp trẻ làm đúng với các hoạt động tập thể khi lớn.
NẾU CÓ AI ĐÓ CHẠM ĐẾN NHỮNG VÙNG RIÊNG TƯ THÌ NHƯ THẾ NÀO?
Chúng ta cần có 1 thái độ rõ ràng khi nói đến vùng riêng tư của 1 đứa trẻ và tôn trọng là nó là bất khả xâm phạm bởi bất kì ai, trừ những trường hợp đặc biệt như bác sĩ cần khám sức khỏe của trẻ. Do đó, các trò đùa nghịch như “cho cô xem tí nào, gì mà bé xíu” hay 1 dạng đụng chạm vào các vùng như mông, ngực và bộ phận sinh dục dù cố ý hay vô ý là không được phép. Là cha mẹ, chúng ta cần khẳng định quan điểm này và bảo vệ trẻ.
Trẻ từ 2 tuổi có thể nhận biết các vùng riêng tư này. Bạn nên đọc sách và dùng hình ảnh để dạy trẻ về chúng. Bạn cũng nên cho trẻ biết ai có thể chạm và khi nào. VD, bé gái phần ngực, vùng kín, bẹn là những phần riêng tư. Khi con bị bệnh, bác sĩ và các cô y tá có thể thăm khám cho con. Đó là cách giáo dục trẻ hiểu về sự riêng tư. Việc dạy này đơn giản dạy trẻ về ngôn ngữ, cách nói lên những phần “riêng tư” đó, để khi trẻ bị lạm dụng vào những phần đó, trẻ biết kể chính xác về vị trí đó.
Dạy trẻ 3 bước an toàn khi trẻ từ 2.5 tuổi là cần thiết để giảm các vấn đề xâm hại.
Bước 1: Sau khi đã giáo dục trẻ về phần riêng tư của cơ thể. Hãy dạy trẻ biết nói lớn như “không, con không thích bác chạm vào …, phần này của riêng con mà” khi ai đó (dù người lạ/quen) cố ý chạm vào những chỗ đó. Hãy dạy trẻ cách phản ứng “không”, nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn. Về luật bảo vệ quyền trẻ con, việc đùa giỡn trên các phần riêng tư của trẻ là không được cho phép.
Việc nói lớn “không” cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé ở bước 2.
Bước 2: Sau khi bé nói lớn “không” ở trên. Bạn dạy bé cách bỏ chạy về phía 1 người lớn khác.
Bước 3: Dạy trẻ kể chính xác ai đó chạm vào vị trí nào. Việc dạy cách nói chính xác vùng riêng tư của trẻ sẽ giúp trẻ kể chính xác vấn đề
THÁI ĐỘ BẠN/AI ĐÓ TRÊN ĐƯỜNG KHI NGHE TRẺ LÀM VẬY: Không tỏ thái độ thái quá, bực tức, hãy luôn giữ bình tĩnh, lắng nghe hết câu chuyện. Bạn chỉ nên khuyên bé là: “Con của mẹ, con làm đúng, thân thể là của con, những phần riêng tư của con không ai được chạm vào, lần sau con hãy làm như vậy nếu có ai đó chạm vào nhé!”
Bạn đừng kể cho bé là bạn sẽ xử lý tình huống ra sao, đặc biệt đối với các bé dưới 7 tuổi vì có thể làm bé sợ. Bạn sẽ tự xử lý tình huống đó, và cùng sự giúp đỡ của những người khác, của cộng động và chính quyền. Nhưng, đừng kể cách bạn xử lý ra sao cho bé, chỉ cần cho bé biết “việc bé làm là đúng, cần phát huy”.
3 bước trên rất cần thiết cho các bé nhỏ, đặc biệt dưới 7 tuổi vì lúc này việc dạy bé ý thức về những phần riêng tư của bé là rất thuận lợi. Hơn nữa, trẻ hiểu về riêng tư và không chạm sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn cách xử lý khi trẻ lớn hơn.