NHỮNG BÀI HỌC QUAN TRỌNG MÀ CHA MẸ CẦN DẠY TRẺ TỪ SỚM

Những bài học quan trọng cần dạy cho trẻ
Những bài học quan trọng cần dạy cho trẻ
Một báo cáo gần đây của tổ chức YMCA, Mỹ nghiên cứu trên 10,000 gia đình cho thấy 75% những thứ cần cho sự thành công và hạnh phúc của 1 đứa trẻ được hình thành từ chính gia đình của chúng. Thật vậy, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công và hạnh phúc của một người. Vậy những bài học nào trẻ nên được dạy ngay từ trong gia đình mình và sẽ càng tốt hơn nếu trẻ được dạy từ sớm

1. Được dạy luôn biết ơn về những thứ trẻ có

Đồ chơi, sách, thú nhồi bông… là hầu như đứa trẻ nào trong gia đình ngày nay cũng có.
Trẻ chưa thể hiểu rằng trẻ cần biết ơn khi có những thứ này, trẻ cũng chưa thể hiểu rằng còn có nhiều bạn khác có thể đang phải sống chật vật hơn. Để dạy về bài học biết ơn, trẻ cần được dạy về cuộc sống “vừa đủ”, hơn là luôn được dư thừa. Khi trẻ có cuộc sống chỉ vừa đủ, trẻ sẽ nhận ra giá trị của từng thứ trẻ có và khi nhìn những người khác trẻ sẽ cảm thấy biết ơn khi mình có nó.

2. Trung thực

Không có trẻ nào sinh ra là biết nói dối. Thực ra, chúng học để nói đúng những gì chúng nhìn thấy. Nói dối là 1 hành vi học được từ môi trường bên ngoài . Có 2 loại môi trường có thể ảnh hưởng đến hành vi nói dối của trẻ: môi trường ảnh hưởng lâu dài (từ cha mẹ chúng) và môi trường ngắn hạn (từ bạn bè, thần tượng, anh chị,…). Với môi trường ngắn hạn, trẻ học cách cho giống với môi trường đó, nhưng rồi sẽ tự bỏ khi trẻ qua môi trường khác. Nhưng, với môi trường lâu dài từ cha mẹ, lời nói dối tưởng chừng như vô hại như thất hứa hay nói cho vui lại có ảnh hưởng lâu dài đến trẻ

3. Không phán xét người khác

Thay vì trẻ con được dạy cách phán xét ai đó thì trẻ nên được dạy tập trung phát triển bản thân. Do đó, khi trẻ lỡ nói các lời phán xét kiểu như “chú này mập quá”, “cô ấy xấu quá mẹ”… thực ra trẻ không hiểu điều đó là chưa đúng, lúc này bạn chỉ đơn giản nói “mẹ không biết, và mẹ cũng không nhận xét ai con ạ”. Khi trò chuyện với trẻ, bạn cũng không nên so sánh trẻ với ai, mà chỉ nên tập trung vào điều bạn muốn trẻ tốt hơn.

4. Học về thất bại và thừa nhận lỗi

Thực ra thất bại và chiến thắng là 2 mặt của 1 đồng xu, không thể tách rời. Trẻ con thường không biết cảm giác của thất bại, mà chỉ biết cảm giác vui vẻ của sự chiến thắng. Điều này dễ làm trẻ hiểu rằng thất bại là thứ gì đó kinh khủng. Thực tế, thất bại là 1 phần của bất kì hoạt động nào, nó hoàn toàn có thể xảy ra cho dù bạn đã lên kế hoạch tốt nhất. Làm sao để trẻ có thể đối mặt được với nó khi mà trước đây bạn không chuẩn bị cho trẻ hiểu về cảm giác này. Đứa trẻ giỏi là đứa trẻ hiểu được chiến thắng cũng như biết cách đối mặt với thất bại. Do đó, khi chơi cùng trẻ, đừng tạo các chiến thắng giả tạo, hoặc làm dễ chỉ để trẻ chiến thắng hoặc để trẻnvui. Nó không tạo ra 1 đứa trẻ giỏi, mà chỉ tạo ra 1 lớp trẻ hiếu thắng nhưng sợ thất bại.
Dạy trẻ chấp nhận thất bại cũng như biết thừa nhận sự yếu kém hay lỗi lầm của bản thân là cách giáo dục đúng đắn về công bằng.

5. Lắng nghe trước khi nói

Lời nói hổ báo với trẻ là ví dụ để trẻ học về sự yếu kém trong khả năng lắng nghe của người lớn chúng ta. Khi lớn trẻ sẽ dùng cách này để giao tiếp lại với chúng ta. Nhưng, ngược lại ngay từ nhỏ, bạn luôn tôn trọng và lắng nghe trẻ trước khi nói hay đưa ra quyết định thì trẻ sẽ học để biết lắng nghe bạn và người khác khi lớn hơn. Khi trẻ giao tiếp với cha mẹ, anh chị em khác của trẻ hay bạn bè của trẻ, trẻ giành nói hay quát họ thì bạn nên nói với trẻ “Bin, mẹ muốn nghe chị Na nói, con im lặng được không?”. Tưởng chừng như những can thiệp dạng vậy không quan trọng, trẻ con mà sao chả được nhưng thực ra nó có giá trị để trẻ hiểu rằng ai cũng có quyền nói và được lắng nghe bởi tất cả mọi người. Rất khó để dạy trẻ điều này khi trẻ lớn, đặc biệt khi trẻ tự cho là “mọi người phải nghe trẻ”, nhưng trong cuộc sống ai nói đúng thì người ta mới nghe. Và người luôn nói mà không biết lắng nghe thì điều họ nói chưa chắc đúng.

6. Biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân

Ít ai nói đây là bài học nên dạy trẻ từ sớm, nhưng nó lại là bài học quan trọng. Khi trẻ chẳng may bị bệnh, là cha mẹ chúng ta luống cuồng chăm sóc trẻ từ mua thuốc, nấu cháu, dụ trẻ ăn, uống sữa… nhưng thực ra có 1 cách nên dạy trẻ là giúp trẻ nhận ra là “cần tự chăm sóc bản thân” hơn là chỉ có 1 chiều từ người chăm sóc (VD, ở đây là cha mẹ). Một đứa trẻ lớn lên trong đùm bọc giống như nuôi những con cừu được vây quanh bởi 1 hàng rào, thì chúng rất thiếu các kỹ năng cần để tự chăm sóc bản thân vì chúng nghĩ rằng hàng rào có thể ngăn chúng khỏi mọi nguy hiểm. Những con cừu ỷ lại vào chiếc hàng rào, mà mất đi cảnh giác về các tiếng động nhỏ như tiếng bước chân của con sói. Nhưng, 1 ngày nào đó, hàng rào bị hỏng hay chẳng còn, thì chúng không thể nhận ra con sói đã đến bên cạnh. Không ai biết trước 1 điều gì sẽ đến với trẻ và cha mẹ cũng không thể mãi là hàng rào vững chắc, chỉ có 1 thứ là quan trọng với trẻ là trẻ phải luôn mạnh mẽ và có đủ kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Khi nhỏ, trẻ bị bệnh không có nghĩa là cứ nằm đó xem TV, Ipad… để được chăm sóc, dụ dỗ… mà thay vào đó cho trẻ có cơ hội vận động, vui chơi, tham gia tự chăm sóc bản thân mình như tự lấy nước uống, lấy cam mẹ gọt sẵn để ăn, tự báo cáo với mẹ khi thấy đỡ mệt,… Trẻ cần được cho thấy bản thân mình cũng có vai trò, hơn là chỉ nằm để đón nhận từ người khác. Khi lớn, rẻ sẽ cảm ơn bạn vì những bài học này đã giúp trẻ lớn lên tự tin và đủ kỹ năng tự chăm sóc bản thân cũng như người khác.

5 HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

  1. Chào các bạn, có 4 điều chúng ta nên xây dựng cho trẻ về giá trị gia đình từ sớm:
    Điều thứ 1: “đừng để quá trễ để cho trẻ giá trị gia đình”. Chúng ta đều chạy theo 1 lý tưởng kiếm thật nhiều tiền để cho con sống thoải mái, để cho con vào trường tốt, để cho con học ngoại ngữ cho bằng bạn bằng bè… Đến khi bạn có đủ những điều này thì đã quá trễ vì mối bận tâm của trẻ lúc này không còn là bạn nữa. Thực ra, điều đứa trẻ cần lúc nhỏ là hiểu điều gì thế giới đang diễn ra nơi đó có bạn và trẻ. Nó rất đơn giản! Bạn cho trẻ thấy gia đình là như thế nào? Cha mẹ yêu thương nhau, ăn tối cùng nhau, đọc sách cùng nhau, đi dạo cùng nhau, bày trò chơi cùng nhau… Nó là chuỗi các sự kiện mà đang xảy ra mỗi ngày và nơi đó có trẻ và bạn. Điều này là quan trọng hơn tất cả vì đó là mối quan tâm của trẻ lúc này, không phải tiền, không phải đồ chơi, không phải những chuyến du lịch xa mà cha mẹ ai cũng bận với điện thoại, mà điều trẻ cần là thời gian thực của cha mẹ và trẻ.
    Điều thứ 2: “đừng chỉ dạy trẻ tiêu tiền của bạn”. Thực trạng rằng trẻ con ngày nay chỉ được dạy cách tiêu tiền của cha mẹ. Khi trẻ tiêu tiền của bạn, trẻ không cảm thấy rằng đó là của trẻ, cũng không cần có trách nhiệm với nó. Khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, thay vì trẻ thông cảm và biết ơn, thì trẻ thể hiện sự trách cứ. Ngược lại, khi bạn dạy trẻ về tiền, cách sử dụng tiền đúng, dạy trẻ sử dụng tiền tiết kiệm, biết sử dụng tiền cho các việc cá nhân và học tập của trẻ, thậm chí tạo cơ hội để trẻ kiếm tiền từ việc dạy cách đầu tư. Thì khi đó trẻ mới trở nên có ý thức và trách nhiệm về số tiền trẻ sử dụng.
    Điều thứ 3: Đừng để “thế giới bên ngoài” thay thế giá trị gia đình! Thế giới bên ngoài đáng sợ nhất lúc này không gì khác là thế giới internet trên các mạng xã hội như Tik Tok. Trong độ tuổi nhỏ trẻ thường tìm kiếm 1 model tốt để học hỏi và trưởng thành. Tưởng tượng rằng mỗi ngày trẻ con học từ các model “ảo” truyền tải các nội dung và suy nghĩ vượt xa mức mà bạn có thể bảo vệ con bạn. Thay vì đó là khoảng thời gian mà não bộ của trẻ dùng để học cách cư xử, nói chuyện với thế giới thực thông qua những giá trị gia đình, những model thật. Thế giới ảo là ảo, nhưng sẽ thay thế “bạn” thật trong thế giới thật.
    Điều thứ 4: “đừng dạy trẻ chạy theo số đông” Có những thứ vô tình chúng ta dạy trẻ phải biết chấp nhận vì ai cũng nghĩ vậy, ai cũng làm vậy. Rất thường thấy các câu nói dạy con kiểu như “sao không tô màu đen hay màu vàng cho bộ lông con chó, mà con lại tô màu tím, có ai tô vậy đâu!” Điều đó là hoàn toàn không nên! Trẻ cần được dạy cách suy nghĩ và đưa ra quan điểm của bản thân. Nếu bạn nghĩ trẻ chưa đúng thì cùng trẻ tìm hiểu để trẻ nhận ra sự thật, hơn là cách nói dạng áp đặt như ai cũng làm vậy, có ai vẽ khác thường như vậy chứ. Tại sao điều này là quan trọng? Bởi vì khi trẻ tiếp cận 1 vấn đề lúc nhỏ, trẻ luôn tò mò và sáng tạo hơn người lớn rất nhiều. Tuy nhiên, cách chúng ta bắt trẻ phải rập khuôn, không cho suy nghĩ và đưa ý kiến cá nhân khi nhỏ là cách bạn bóp chết sự tự tin trong trẻ và lớn lên sẽ là 1 lớp người chỉ biết chạy theo số đông, 1 lớp trẻ không có sáng tạo ra đời.

    • Chào bạn, thực ra không đứa trẻ nào muốn bị thua vì cảm giác thua khó chịu và không thích bằng cảm giác chiến thắng, không chỉ trẻ mà người lớn chúng ta cũng vậy. Thực tế cảm giác đó xảy ra là 1 điều dễ hiểu vì hầu hết xã hội này đều nhìn vào sự chiến thắng, ít ai chuẩn bị hay quan tâm đến sự thất bại. Do đó, lớn lên chúng ta đã được dạy làm sao để chiến thắng, cảm giác sung sướng, tự hào ra sao, nhưng chẳng ai dạy chúng ta hiểu cảm giác thất bại như thế nào, làm sao chấp nhận nó và đứng lên từ nó ra sao. Cách dạy của chúng ta nên cần thay đổi vì thất bại và chiến thắng cũng giống như 2 mặt của đồng xu. Do đó, việc cho cơ hội để trẻ cảm nhận được thất bại lại là 1 điều tốt vì đó là lúc trẻ hiểu được cảm giác này và học cách kiểm soát nó. Và điều này nên làm từ nhỏ để khi đứa trẻ lớn lên đã hiểu rằng luôn có thất bại và chiến thắng tồn tại ở mọi cuộc chơi, thất bại không phải là rào cản mà là sức mạnh để chiến thắng. Điều bạn nên làm lúc này để giúp trẻ học được bài học biết chấp nhận thất bại là: quy định rõ ràng luật chơi cho trẻ biết và hiểu như thế nào là thua, như thế nào là thắng, và hành vi nào được chấp nhận, không chấp nhận trong trò chơi (VD, chơi ăn gian, đổ thừa, khóc đòi đi lại là không được chấp nhận). Luật chơi cũng cần rõ ràng cả hậu quả. VD, nếu vi phạm thì ngừng chơi ngay lập tức. Khi trẻ chơi thua, bạn nên khích lệ trẻ và khích lệ trên nỗ lực, đề xuất các chiến lược mới để cải thiện hơn là an ủi sáo rỗng. VD, hồi nãy con đi nước cờ này khá hay nè, nếu con đi vậy thì mẹ đi nước này thì con nghĩ sẽ làm gì để thắng mẹ? Giúp trẻ hiểu cảm giác cả thất bại và chiến thắng là 1 điều nên làm để trẻ trưởng thành hơn. Đó mới là chiến thắng thực sự cho con cái chúng ta. Chúc bé vui khỏe

  2. Dạ e chào Bác, dạ Bác cho em hỏi bé nhà em là bé trai 4 tuổi, và đột tuổi này thì bé đã biết nói dối, nhưng bé nói dối theo kiểu dựa trên câu chuyện đó bé lại tưởng tượng ra câu trả lời ko có thật, vd mẹ là mất cái gì đó mà chưa tìm ra thì bé lại nói với ba là mẹ đã tìm ra rồi,… chứ ko nói dối theo kiểu về những việc cá nhân của con. Và em cũng có giải thích cho bé đúng sai nhưng lâu lâu bé vẫn lặp lại, nhờ bác tư vấn hướng giải quyết giúp em với ạ, dạ em cám ơn Bác nhiều ạ

    • Chào bạn, bé độ tuổi này thường chưa phân biệt được sự thật và không thật, não chưa đủ phân tích để tiên đoán sự việc là sai hay đúng. Do đó, bé hoàn toàn học tính cách nói dối từ tình huống của cha mẹ và người chăm sóc bé hoặc các tình huống khác trẻ gặp, trẻ nghe, trẻ xem. Do đó, để hạn chế hành vi này, cha mẹ không nên tạo 1 tình huống không thật hoặc nhân vật ảo trước mặt bé chỉ nhằm gây chú ý bé, điều này làm bé học được hành vi nói dối vô thức. VD: cha mẹ hoặc ông bà thường hay nói đùa kiểu như: “mẹ Tiên làm bé khóc đúng không?”, “cái ghế này làm cu bin ngã nè, đánh cái ghế nè” khi muốn gây chú ý bé hoặc dụ bé ăn hoặc không khóc, nhưng thực tế chẳng lời nào là đúng. Điều này là hoàn toàn sai, vì đây là cách vô tình cha mẹ làm bé học tính cách nói dối vô thức, ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ bình thường của bé. Khi thấy trẻ nói dối, phần lớn cha mẹ cảm thấy khó chịu, bực tức la mắng, thậm chí đánh trẻ đau. Tuy nhiên, nó không mang ý nghĩa giáo dục hiệu quả, thậm chí làm trẻ sớm phát triển hành vi trốn tránh và nói dối tinh vi hơn. Điều bạn cần làm khi trẻ nói dối là (1) cho trẻ hiểu rằng “mẹ biết tất cả, không có gì là vui” thay vì tập trung vào la mắng. Vì thực ra la mắng hay phản ứng thái quá từ bạn cũng cho trẻ tín hiệu “tích cực” là mẹ vui, gây chú ý mẹ và người khác đó. VD, trong tình huống trẻ nói dối bố như “mẹ đã tìm được rồi” và bạn biết bạn liền nói lại trẻ ngay “không đúng, mẹ vẫn chưa tìm thấy”. Và Trẻ nói “con chọc mẹ thôi”, bạn liền nói lại trẻ ngay “mẹ không thấy đó là vui” và bạn không cần đôi co gì thêm hoặc trách mắng về nói dối, cứ làm việc đang làm. Trẻ con tuổi này chỉ học cách lập lại 1 hành vi đã nghe/thấy/thấm, tuy nhiên sẽ dễ dàng được phủ định nếu cha mẹ bình tĩnh và cho trẻ thấy là “mẹ đều biết tất cả điều trẻ nói, mẹ không thấy hứng thú với trò đùa đó của con”. Điều này là quan trọng và hiệu quả hơn là la mắng. Chúc bé vui khoẻ.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây