Làm sao giúp trẻ vẫn phát triển tốt khi cha mẹ vừa phải đi làm và chăm sóc con
Tôi có nhận được 1 tin nhắn từ 1 người mẹ gửi đến với nội dung như sau:
“Em là 1 người mẹ đang nuôi 1 bé gái gần 2 tuổi. Do kinh tế gia đình, em cũng phải đi làm toàn thời gian lúc bé 1 tuổi. Công việc của em là quản lý ngành hàng trong siêu thị, nên ít khi được về sớm. Ba bé thường về sớm phụ chăm bé. Mặc dù mỗi tối đi làm về, em cũng tranh thủ mua cho bé cái này cái kia, có hôm là bong bóng, đồ chơi và chơi với bé, nhưng em có vẻ không thích chơi với em. Điều này càng làm em cảm thấy có lỗi với con vì hình như em không dành đủ thời gian cho con. Em biết thời gian lúc nhỏ là rất quan trọng cho con phát triển. Làm sao giúp trẻ vẫn phát triển tốt khi cha mẹ vừa phải đi làm và chăm sóc con ạ? Em cảm ơn!”
Lời khuyên
Tin nhắn làm tôi dừng lại khá lâu để trả lời vì không phải câu trả lời khó mà là làm sao giúp bạn ấy hiểu rằng: Điều 1 đứa trẻ cần là gì? Và việc một người mẹ đi làm hay 1 người mẹ dành toàn thời gian ở nhà không quan trọng, mà điều quan trọng là bạn cần biết điều gì là ưu tiên với trẻ trong từng giai đoạn, cũng như luôn đặt tình yêu và sự quan tâm trong từng thời gian bên trẻ.
MẸ ĐI LÀM HAY MẸ DÀNH THỜI GIAN Ở NHÀ CHĂM CON THÌ TỐT HƠN?
Khái niệm này thường được nêu ra vì cho đến nay khoa học đã chứng minh thời gian lúc nhỏ, đặc biệt trước 6 tuổi là khoảng thời gian quan trọng nhất với trẻ từ phát triển thể chất, não bộ đến hình thành tính cách và nhận thức. Một số quan điểm cho rằng việc dành toàn thời gian chăm con lúc này là đáng đầu tư nhất. Nếu là vậy, người mẹ phải nghĩ làm đến khi con 6 tuổi có là đủ?
Tuy nhiên, khoa học lại chứng minh ngược lại quan điểm này. Họ cho rằng thời gian dành cho con không tính là bao nhiêu mà nó tính trên chất lượng như thế nào. Thời gian chất lượng là thời gian bạn dành cho phát triển giáo dục trẻ. Đây là 1 số ví dụ:
1. Bạn có dành thời gian tìm hiểu để cập nhật kiến thức và đọc sách về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, và có tìm hiểu về cách giáo dục tích cực cho trẻ không?
2. Bạn có dành thời gian tìm hiểu về nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ ở mỗi độ tuổi. VD, trước tuổi ăn dặm trẻ cần gì và giúp trẻ phát triển hành vi ăn uống tốt như thế nào? Nó không đơn giản chỉ là cho trẻ ăn gì mà phải sớm cho trẻ ăn đúng. Nghĩa là trẻ cần phải phát triển hành vi ăn đúng từ sớm gồm: ăn đa dạng, ăn không sao nhãng, không màn hình điện tử, trẻ được học cách ăn đúng mực trên bàn ăn gia đình sau 3 tuổi.
3. Bạn có dành thời gian sáng tạo cùng trẻ. Các công việc sáng tạo bao gồm: kể chuyện và chơi tưởng tượng cùng trẻ, có cùng trẻ vẽ, cắt, tô màu, có cùng trẻ thiết kế 1 cái lều bằng thùng giấy rỗng không?
4. Bạn có dành thời gian đọc sách cùng trẻ và xây dựng tình yêu với sách
5. Bạn có dành thời gian tương tác 2 chiều cùng trẻ: như hỏi đáp, trò chuyện và lắng nghe ý kiến của trẻ để đáp ứng phù hợp.
6. Bạn có dành thời chơi cùng trẻ không. Chơi với trẻ khác việc mua đồ chơi cho trẻ. Khi bạn mua món đồ chơi gì phải có mục đích để trẻ tương tác với bạn. Nếu chỉ làm trẻ vui thích nhất thời, mà không chơi với bạn, món đồ chơi đó sẽ sớm được cất 1 góc nhà.
7. Bạn có dành thời gian dạy trẻ những kỹ năng quan trọng lúc nhỏ như biết chờ đến lượt, biết đồng cảm với người khác, biết chia sẻ, biết sống gọn gàng, biết trách nhiệm bản thân trong công việc nhà, biết giữ lời hứa, biết quản lý tiền, cũng như giáo dục về giới tính từ sớm…
8. Bạn có dành thời gian dùng lới nói giáo dục thay vì dùng lời nói hổ báo hay dụ ngọt hứa hẹn. Bạn có dành thời gian cho trẻ thấy giá trị của thời gian cùng gia đình như ăn tối cùng nhau, chơi cùng nhau, đi dạo cùng nhau…
Đó là những khoảng thời gian chất lượng được tính. Đó cũng chính là những điều 1 đứa trẻ thực sự cần lúc nhỏ.
Thực ra nó không quá quan trọng là bạn đi làm hay ở nhà hoàn toàn để chăm con, vì theo nghiên cứu của TS. Schulte, WCS, Mỹ cho biết: mỗi 10 phút của thời gian chất lượng có thể mang đến sự khác biệt lớn cho phát triển trẻ và nên có ít nhất là 10 phút mỗi ngày. Nghĩa là, trẻ không cần bạn dành quá nhiều thời gian mỗi ngày, chỉ ít nhất 10 phút cho những hoạt động chất lượng kể ở trên, thậm chỉ chỉ cần 1 hoạt động chất lượng cũng thực sự mang lợi ích cho trẻ.
Hơn nữa, những nghiên cứu tại ĐH North Carolina, Mỹ cũng cho thấy những người mẹ đi làm có thể có nhiều cơ hội tốt hơn để dạy dỗ và chăm sóc trẻ vì họ thường xuyên được tiếp xúc với những tiến bộ mới của xã hội. Do đó, họ luôn được cập nhật kiến thức và tìm hiểu phương pháp mới và khoa học trong nuôi dạy trẻ. Thêm vào đó, họ cũng học được cách quản lý thời gian tốt hơn vì phải cân bằng giữ công việc và gia đình.
Để kết, tôi xin lấy lại một câu nói tôi rất thích của Mẹ Teresa “Khi nào tình yêu được tính, nó không phải bao nhiêu lần bạn làm, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đặt vào để làm nó!” Với trẻ, nuôi dạy trẻ không phải bao nhiêu lần bạn dành thời gian chơi với trẻ, mà là bao nhiêu tình yêu, sự sáng tạo và công sức bạn thực sự đem vào với trẻ. Nếu làm được như vậy, hạt giống sẽ nảy mầm!
Notes:
Libbert, L. 2019. Are you spending enough one-to-one time with your child? 10 minutes a day could make all the difference. The Telegraph.
Schulte, K. 2019. The Difference 10 Minutes can Make in Your Child’s Life. WCS.
Buehler, C. et al. (2011). J Fam Psychol. 2011;25(6):895-906