LÀM SAO PHÊ BÌNH HAY NHẬN XÉT TRẺ ?

Ý nghĩa giáo dục từ những lời nhận xét và góp ý với trẻ

Thiên tài Einstein đã từng nói: “Mỗi đứa trẻ sinh ra là một thiên tài. Nếu bạn đánh giá sự thông minh của một con cá qua khả năng leo cây của nó thì nó cả đời nghĩ rằng mình thật là thất bại”. Cũng là nhận xét hay phê bình, nhưng nếu chúng ta chọn cách nói tiêu cực trẻ sẽ sống và lớn lên theo cách tiêu cực. Ngược lại, nếu chúng ta chọn cách tiếp cận tích cực thì trẻ sẽ lớn lên trong tự tin và thành công. Khoa học đã chứng minh nói tiêu cực thì luôn dễ dàng để mỗi người thốt ra vì nó là cách nhìn nhận “quá nhanh” từ não bộ mà thiếu đánh giá. Trong khi đó, chọn cách tích cực sẽ cần nhiều nổ lực và tình yêu hơn, nhưng đáng để cha mẹ làm vì nó là chìa khóa mở ra các tài năng của trẻ.

3 CÁCH NÓI TIÊU CỰC CHÚNG TA THƯỜNG DỄ MẮC PHẢI

Lời nói tiêu cực rất dễ bộc phát. Nó thể hiện sự “lười” suy nghĩ của não bộ và thường được dẫn dắt bởi cảm xúc ở hiện tại. Có 3 biểu hiện thường gặp khi đưa lời phê bình hay phán xét 1 hành vi nào của trẻ:
• La mắng, thậm chí đánh trẻ
• Nhai lại, cằn nhằn
• Dán nhãn trẻ với các từ tiêu cực “ngu”, “hư”, “quậy phá”, “điệu đà giống ai (?)”, “xấu”, “ích kỷ”, “ham ăn”….

3 CÁCH NÓI TÍCH CỰC CẦN NHIỀU NỔ LỰC NHƯNG ĐÁNG LÀM.

Lời nói tích cực là cách buộc cha mẹ phải đánh giá và suy nghĩ trước khi đưa ra lời nói với trẻ.
Vậy chúng ta cần đánh giá và suy nghĩ điều gì?
Cha mẹ nên đánh giá những nổ lực trẻ đã và đang làm, trong lúc đó cũng nên suy nghĩ về tinh thần và nhiệt huyết của trẻ trong 1 hành vi nào đó. Khi có 1 biến cố xảy ra, thay vì phản ứng nhanh như 3 cách ở trên, dành 3-5 tiếng đếm thầm trong đầu để đánh giá và suy nghĩ như trên rồi hãy đưa ra lời nói với trẻ. Có 2 cách đưa ra lời nói mà giúp trẻ phát triển đúng và trở nên thành công trong tương lai. Cả 2 cách đều có 1 điểm chung là nhìn nhận sự chưa làm tốt của trẻ. Thực ra không chỉ trẻ mà cả người lớn chúng ta có thể cũng chưa biết cách chấp nhận sự thua cuộc. Chúng ta được sinh ra để mong đợi cho sự chiến thắng, và xã hội cũng hay nhìn người thua cuộc với kiểu như “không thể như vậy”. Trẻ con đối mặt với sự thua hay thất bại với cảm xúc bực tức hay chán nản là điều dễ hiểu. Nhưng, thật ra cuộc sống với tất cả những thăng trầm của nó giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc. Có lúc tàu đi lên nhưng cũng có lúc tàu đi xuống. Giúp trẻ nhỏ hiểu rằng mọi việc không phải lúc nào cũng diễn ra theo kế hoạch, dù vậy nó vẫn ổn. Sau khi nhìn nhận sự làm chưa tốt của trẻ, bạn có 2 hướng tiếp cận: (1) đưa ra lời động viên, (2) gợi ý để trẻ tham gia quá trình sửa sai. Chi tiết bạn có thể xem các tình huống như bên dưới:
• Nhìn nhận sự chưa làm tốt của trẻ, nhưng cho trẻ thấy bạn đánh giá cao nổ lực của trẻ và đưa lời động viên. Đây là 2 ví dụ để giúp bạn hiểu hơn về quy trình.
VD1: Bé giúp bạn dọn chén sau ăn cơm, chẳng may bé làm bể. Bé rất sợ.
Lúc này, bạn có thể tức giận. Thật sự không dễ dàng để kiểm soát cảm xúc của mình lúc này. Điều đó là bình thường, nhưng chúng ta có thể không để cảm xúc dẫn lối vì nó đang làm giảm chất lượng lời nói của bạn. Bạn nên ngưng không nói gì và đếm thầm 5 tiếng đếm, sau đó di chuyển bé và bạn ra khỏi tình huống đang xảy ra. Thở nhẹ nhàng và bắt đầu dùng sức mạnh của lời nói tích cực.
“Mẹ rất vui con giúp mẹ dọn chén, nhưng lần sau con mang muỗng đũa giúp mẹ nhé. Cầm chén con chưa quen dễ bị vỡ lắm. Khi rảnh mẹ chỉ con cách cầm chén sau nhé.”
VD2: Khi trẻ chơi thua và khóc. Phần lớn chúng ta chọn cách bỏ qua vì nghĩ trẻ thắng thua có gì đâu mà lo hoặc động viên thông thường như “thôi, lần sau cố lên là được, gì đâu mà khóc”
Bạn hãy bắt đầu dùng sức mạnh của lời nói tích cực của mình để giúp trẻ:
“Con đã chơi rất cố gắng và rất đúng luật, công bằng. Mẹ vô cùng tự hào về điều này. Ai cũng có lúc thất bại. Họ cũng buồn và chán, nhưng sau đó họ học để làm tốt hơn. Nào, kể mẹ nghe liệu con có thể làm tốt hơn như thế nào?”
• Nhìn nhận sự chưa làm tốt của trẻ, gợi ý để trẻ tham gia quá trình sửa sai
VD, khi trẻ làm đi làm lại nhưng vẫn làm sai hay làm đổ cái gì đó mặc dù bạn đã cố gắng hướng dẫn trẻ thực hiện. Thay vì nói những lời tiêu cực như “sao dạy hoài con không hiểu vậy” hay những lời khen sáo rỗng như “cố lên làm lại thử con nhé”, bạn hãy cho trẻ lời nhận xét đúng về công việc trẻ đang làm như “con đã làm sai 3 lần rồi, bây giờ đây là lần cuối nhé” và trao quyền để trẻ có cơ hội nói về quy trình và làm sao để sửa sai quy trình như: “nào! nói cho mẹ nghe A xem”, còn C thì sao? Vậy, giữa A và C là gì nhỉ?… Nếu trẻ làm tốt, hãy khen, khích lệ trẻ. Nếu trẻ làm chưa tốt, bạn nên kết thúc như quy định và nói “Con đã thực sự cố gắng, mẹ rất vui! Ngày mai, chúng ta sẽ làm lại nhé”. Cho dù lần cuối của trẻ kết quả có ra sao, nhưng bài học trẻ học ở đây là sự đánh giá của tự bản thân trẻ và cố gắng nổ lực ở trong trẻ- đó đều là những kỹ năng vô giá để trẻ thành công sau này.
Bottom line
Để kết, tôi lấy lại câu nói của Thiên tài hội họa Picasso “Mọi đứa trẻ sinh ra đều là một nhà nghệ thuật. Nhưng vấn đề là làm sao vẫn nuôi dưỡng tố chất này trong mỗi đứa trẻ khi lớn lên.” Khi chúng ta dùng lời nói tiêu cực thường xuyên như “thứ gì mà ngu vậy, dạy hoài không nhớ”, hay “lì như vậy ai mà thương được”…, là cách chúng ta đang tự giới hạn tố chất thiên tài trong trẻ bằng lời nó của mình, cũng là đang tắt sự cố gắng, tò mò, và sáng tạo của trẻ. Hãy dùng cách nói tích cực để giúp con bạn phát triển tốt nhất.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây