TRẺ VƯỢT QUA GIAI ĐOẠN KHỦNG HOẢNG?

Một người mẹ chia sẻ với tôi rằng: khi con còn nhỏ mặc dù phải thức đêm cho con bú, em cứ nghĩ rằng lớn lên con sẽ hiểu chuyện và ngoan hơn. Tuy nhiên, khi con lên 2 tuổi, em cảm thấy còn bất lực hơn, mặc dù không còn phải thức đêm nữa nhưng con hay nhõng nhẽo, ương bướng, cái gì không hài lòng là không chịu, ăn vạ. Có phải do quá cưng chiều đã làm con ương bướng như vậy? Thật sự em cảm thấy công việc làm mẹ quá vất vả, làm sao để con biết nghe lời hơn. Có phải cách nuôi dạy của em không tốt nên làm con khó chăm quá.
Liệu có phải do đứa trẻ ương bướng khó chăm hơn các bé khác hay là chúng ta-người làm cha mẹ chưa hiểu con trẻ.
Câu trả lời của tôi dành cho bạn ấy chỉ là 1 câu hỏi như sau: Liệu bạn có 1 muốn 1 đứa trẻ khi lên 2 chỉ làm theo những điều bạn nói, bảo sao nghe vậy, không có 1 chút thể hiện cảm xúc nào không? Nếu có 1 đứa trẻ như vậy, bạn có hài lòng không? Tôi nghĩ là không vì đó không phải là 1 đứa trẻ mà là 1 sản phẩm của công nghệ AI, thậm chí AI ngày nay còn đang phải bắt chước cảm xúc của chính con người để học và thêm vào những cảm xúc đó. Là 1 đứa trẻ thì phải có la khóc, ương bướng, phải vui vẻ, phải đòi chơi, đòi ăn… là điều rất bình thường. Chỉ là chúng ta nên dạy trẻ như thế nào để giúp trẻ biết kiểm soát tất cả điều này, để trẻ phát triển. Đó mới thực sự là công việc thiêng liêng của cha mẹ chúng ta.
Chúng ta nên hiểu thế này: sự phát triển của 1 đứa trẻ là 1 chuỗi các phát triển để làm đứa trẻ trở nên đáp ứng với cuộc sống trẻ sẽ sống từ nhu cầu cơ bản, đến nhận thức, và phát triển cảm xúc. Chúng ta nên hiểu rằng: mỗi điều này sẽ là 1 bước cần thiết. Và đó là lí do vì sao chúng ta thấy trẻ khác nhau ở mỗi độ tuổi. Nó là cần thiết. Và nếu thiếu nó hoặc trẻ chỉ dừng lại ở1 thời điểm nào đó thì trẻ chỉ mãi là 1 đứa trẻ.
• Trẻ mới sinh: phản ứng tự nhiên của trẻ là đòi hỏi nhu cầu cơ bản như được bú no, ôm ấp đủ và chơi (vì trẻ phần lớn là nằm và chỉ nhìn thấy mặt mẹ mình khi mẹ tương tác với trẻ-đó là lúc trẻ cảm thấy vui nhất). Bạn cảm thấy stress về những nhu cầu này như trẻ khóc hoài đòi bú, trẻ khóc hoài đòi ẳm… nhưng nếu cha mẹ hiểu rằng đó là nhu cầu cơ bản để trẻ hiểu thế giới thì bạn sẽ cảm thấy nó thú vị thế nào.
• Trẻ biết đi (thông thường từ 2 tuổi): trẻ khám phá thế giới qua đôi chân và bắt đầu hiểu cảm xúc trên những thứ trẻ trải nghiệm. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn thiếu ngôn ngữ để diễn đạt thứ cảm xúc trẻ có. Đó là lí do tại sao hàng loạt các dạng phi ngôn ngữ như la hét, đánh, cấu (thậm chí tự đánh bản thân trẻ) ra đời. Nếu bạn cảm thấy stress vì những điều này thì trẻ càng stress hơn vì thực ra bạn không cho trẻ câu trả lời trẻ cần. Cách đáp ứng của chúng ta là nên giúp trẻ sử dụng công cụ khác để khám phá thế giới và giúp trẻ quản lý các cảm xúc trẻ có để phát triển bản thân và tự đạt được điều trẻ cần cho bản thân.

THAY VÌ LO LẮNG VÀ STRESS VỀ NHỮNG ĐIỀU ƯƠNG BƯỚNG CỦA TRẺ CHÚNG TA NÊN LÀM NHƯ SAU:

Tôi vẫn thường khuyên cha mẹ rằng: cái gì thuộc về tự nhiên là không thể thay đổi, chúng ta cần phải hiểu và giúp nó phát triển theo cách tự nhiên. Cảm xúc là tự nhiên của con người và trẻ con chỉ là đang học cách thể hiện và quản lý nó. Do đó, đây là những cách giúp bạn và trẻ cùng nhau phát triển tốt hơn về cảm xúc và quản lý nó tốt hơn:

Giúp trẻ chấp nhận cảm xúc trẻ có thay vì để mặc trẻ.

Tôi thường thấy cha mẹ đối mặt sự ương bướng của trẻ theo 1 trong các cách sau như hét vào trẻ để buộc trẻ nín khóc ngay, đánh phạt để trẻ nghe lời, dụ dỗ bánh kẹo để trẻ nín khóc. Thực ra, các cách trên chỉ có hiệu quả nhất thời, nhưng nó không hiệu quả cho lần thứ 2 và thứ n vì nó không mang ý nghĩa giáo dục và giúp trẻ phát triển cảm xúc đúng. Thay vào đó, bạn nên giúp trẻ chấp nhận cảm xúc trẻ có. VD, khi trẻ khóc tức tưởi vì 1 lí do nào, bạn cho trẻ hiểu: khóc có thể chấp nhận khi cảm xúc con dâng trào, nhưng nó không phải cách giao tiếp hiệu quả. Lúc này, bạn bế trẻ sang 1 góc nào đó và nói với trẻ “Bin, con có thể khóc và mẹ ngồi đây, khi nào khóc xong, lấy khăn lau nước mắt rồi cùng mẹ đi tiếp”. Khi nói, hãy để cảm xúc đến và đi tự nhiên, đừng cố tác động như dụ dỗ hay nói để trẻ nín khóc sớm. Khi bạn nói như vậy không làm trẻ nín khóc, thậm chí khóc lớn hơn nhưng cho trẻ tín hiệu là trẻ có quyền kiểm soát cảm xúc bản thân, cảm xúc bộc lộ là được chấp nhận, nhưng trong suốt thời gian khóc này vấn đề không hề được mẹ giải quyết. Đó là bài học trẻ cần hiểu.

Dạy trẻ ngôn ngữ để diễn đạt cảm xúc khi trẻ biết nói.

Dùng các sticker hình các mặt cảm xúc để trẻ dễ hình dung cảm xúc của trẻ. VD. Mặt buồn là đang buồn, mặt buồn có 1 giọt nước mắt là rất buồn, và mặt buồn có nhiều hơn 1 giọt nước mắt là rất rất buồn. Dạy các câu ngắn để diễn đạt như “con buồn”, “con ghét”, “con vui”… Khi trẻ có công cụ là ngôn ngữ thì sẽ ít sử dụng các dạng phi ngôn ngữ như la hét, ăn vạ hơn.

Các hoạt động trò chơi để trẻ hiểu về cách quản lý cảm xúc

• Xâu chuỗi có hình khối lại với nhau. Lưu ý là các khối đồ chơi phải lớn hơn miệng trẻ để tránh trẻ bị hóc do ngậm hay nuốt. Đây là 1 hoạt động tốt để trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và kích thích các kiểm soát cảm xúc chủ động. Mỗi xâu chuỗi làm xong, bạn sưu tầm lại để 1 góc trẻ dễ nhìn thấy. Khi trẻ đủ kiên nhẫn thực hiện hết các xâu chuỗi dài hơn là khi đó trẻ đủ kiên nhẫn. Nó là rất tốt để suy nghĩ và bộc lộ cảm xúc khi trẻ có.
• Lựa chọn và tìm điểm giống nhau từ quần áo, đồ chơi. Ít ai biết rằng đây là 1 hoạt động tốt để quản lý cảm xúc cho trẻ từ 2 tuổi. Khi tìm điểm giống nhau hay lựa chọn màu sắc hay tính chất giống nhau trẻ có khuynh hướng nhận ra điểm khác nhau. Chính khi hiểu về khác nhau trẻ hiểu rằng có những thứ thực sự sẽ khác nhau. Đây là 1 khái niệm trừu tượng mà ngay người lớn chúng ta có lúc cũng không hiểu, nhưng với trẻ và trò chơi đơn giản này sẽ giải thích rất tốt khái niệm này. Nó giúp ích gì cho trẻ? Nó giúp trẻ hiểu về sự khác nhau có tồn tại, và khi gặp 1 vấn đề khác điều trẻ muốn thì trẻ biết cách chấp nhận các giải pháp khác nhau hơn là khăn khăn điều trẻ nghĩ.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây