CỨ VÀI THÁNG CON LẠI ĐỔI TÌNH TRẠNG ĐI PHÂN, LIỆU CÓ ỔN?
Nếu như chúng ta có ngân hàng sữa mẹ, ngân hàng máu cuống rốn thì gần đây các nhà khoa học tại ĐH Harvard vừa mới đề xuất thêm “ngân hàng phân” để phục vụ cho mục đích nghiên cứu và chữa bệnh của con người. Nghe có vẻ kì lạ, nhưng thật ra phân cũng là một trong những dấu chỉ quan trọng để biết tình trạng sức khỏe bên trong của mỗi người. Tuy vậy, việc theo dõi tình trạng đi phân của trẻ dường như quá phức tạp, chẳng bé nào giống bé nào, bao lâu trẻ đi 1 lần là ổn? tình trạng phân bé như thế nào là bình thường?….Bài viết hôm nay tôi sẽ chia sẻ về những thay đổi liên quan đến tình trạng đi phân của trẻ theo từng giai đoạn tăng trưởng cũng như những điều mà mẹ cần đặc biệt lưu ý trong giai đoạn này.
TÌNH TRẠNG PHÂN CỦA TRẺ CÓ SỰ THAY ĐỔI THEO TỪNG GIAI ĐOẠN TĂNG TRƯỞNG
Giai đoạn sơ sinh
Đặc tính phân: phân trong giai đoạn sơ sinh thường mềm, dễ ra, không thành khuôn. Màu xanh và vàng là thường gặp, nhưng màu trắng và đen là rất đáng lo
Số lần đi: tùy vào trẻ bú mẹ hay bú sữa công thức có thể đến 7-10 ngày 1 lần thường gặp ở trẻ bú mẹ hoàn toàn. Với trẻ bú sữa công thức hoàn toàn hay kết hợp thì số lần đi phân có thể nhiều hơn.
Khi nào cần lo lắng: khi trẻ đột ngột đi nhiều lần hơn thông thường trong 2-3 ngày trở lại vì lúc này trẻ có thể đang bị tiêu chảy vì tiêu chảy lúc này khá khó nhận biết thông qua mức độ lỏng của phân vì nó khá tương đồng với phân bình thường.
Giai đoạn ăn dặm đến 2 tuổi
Đặc tính phân: có 1 giai đoạn chuyển tiếp giữa thức ăn dạng lỏng như sữa đến dạng đặc hơn trong độ tuổi ăn dặm. Phân lúc này bắt đầu tăng lượng cả về chất cũng như kích thước. Do đó phân có dạng khuôn, khô hay mềm tùy thuộc lớn vào loại thức ăn trẻ ăn. Màu phân cũng đa dạng, nhưng xanh, vàng, nâu đều là màu phân bình thường.
Số lần đi: trung bình 2 lần/ngày
Khi nào cần lo lắng? tiêu chảy, táo bón, phân sống đều có thể xảy ra ở giai đoạn này vì hệ tiêu hóa trẻ đang hoàn thiện dần chức năng, các hoạt động của dịch tiêu hóa cũng chỉ đang học cách làm việc. Việc tiêu hóa 1 số loại thức ăn có thể chưa hoàn chỉnh, nên phân có thể lẩn 1 số thức ăn là thường gặp, không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, nếu trẻ thường xuyên bị tiêu chảy trong giai đoạn này thì là điều đáng lưu tâm: theo báo cáo của GS. Santosham, ĐH Johns Hopkins, Mỹ từng nhấn mạnh nguy cơ tiêu chảy thường xuyên trước 2 tuổi (2-3 lần/năm) cần được quan tâm vì điều này có thể gây giảm 8 cm chiều cao và 10 chỉ số IQ ở độ tuổi 7-9 tuổi.
Khi trẻ lớn sau 2 tuổi.
Đặc tính phân: phân tương đối giống người lớn, có dạng khuôn, khô hay mềm. Màu phân thường là vàng, nâu.
Số lần đi: trung bình 1-2 lần/ngày. Trẻ từ 4 tuổi có thể có số lần đi giống người lớn, trung bình 1 lần/ngày
Vấn đề thường xảy ra: táo bón là dễ gặp ở trẻ tuổi này do tâm lý sợ đi toilet làm phân được giữ lâu hơn hoặc chế độ sinh hoạt của trẻ tuổi này thường thụ động hoặc uống không đủ nước, ăn không đủ rau quả.
Nếu táo bón xảy ra, bạn không chỉ cần thay đổi chế độ ăn của trẻ mà còn giúp trẻ giải tỏa tâm lý đi vệ sinh như cho trẻ lịch đi mỗi ngày, đợi và khuyến khích trẻ đi hơn là ép hay la mắng. Sớm dạy trẻ đi bô hay ngồi toilet khi trẻ 2 tuổi thì trẻ sẽ ít gặp vấn đề táo bón hơn.
CHECKLIST CÁI BỤNG KHỎE MẠNH CỦA TRẺ
Đề đánh giá sự khỏe mạnh cái bụng của trẻ bạn có thể tham khảo bảng checklist như bên dưới. Mỗi mục là 1 điểm. Nếu con bạn từ 7 điểm trở lên, chuc mừng bạn! bạn đang làm rất tốt và bé vẫn đang phát triển khỏe mạnh. Nếu dưới 5 điểm, bạn cần cố gắng thay đổi những cái chưa đạt để trẻ tốt hơn.
• Uống đủ nước
• Ăn thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm chất xơ tan
• Không hoặc ít ăn bánh kẹo ngọt và nước ngọt
• Không hoặc ít ăn những thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
• Dùng sữa, sữa chua hoặc thực phẩm có bổ sung lợi khuẩn.
• Nhai kĩ khi ăn
• Năng tập thể thao, và thời gian thụ động < 1 tiếng trên màn hình mỗi ngày.
• Ngủ tốt
• Ăn cá ít nhất 1 ngày/tuần
• Thường xuyên vui vẻ
“Đừng nghe lời khuyên của những người khác mà hãy lắng nghe con của bạn. Bạn không cần quyển sách nào cả. Con của bạn đã là một quyển sách rồi. Hãy cầm lên và đọc nó thật kỹ”- Mayim Bialik
Note
Ke S, Weiss ST, Liu YY. Rejuvenating the human gut microbiome. Trends Mol Med. 2022 Aug;28(8):619-630.
Santosham, M. (2015) How can we reduce child deaths from diarrhea? Weforum