Theo thông tin của nhiều trang tin tức từ Việt Nam, từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 3, đã có 33 bệnh nhân đa số là học sinh tại tỉnh Lâm Đồng phải nhập viện cấp cứu với các triệu chứng như ho, nghẹt mũi, nhức đầu, sốt cao bất thường. Một số nguồn tin cho rằng rằng đây là đợt dịch cúm A H1N1 đầu tiên ở người trong năm 2015 tại Việt Nam.
Bác sỹ Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết kết quả xét nghiệm của 16 học sinh Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Xuân Thành, huyện Đạ Tẻh, do Viện Pasteur ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện, cho thấy, các học sinh này dương tính với chủng cúm A/H1N1.
“Cúm A/H1N1 là một loại cúm mùa nguy hiểm với các triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt cao, lạnh, nhức đầu. Tuy nhiên, do các trường hợp lây nhiễm xảy ra tại cùng một lớp học nên chúng tôi vẫn phải tiến hành cách ly, theo dõi.”
Bác sỹ Phạm Thị Bạch Yến xác nhận với đài VOA đây “không phải là cúm gia cầm, đó là cúm H1N1.”
Ngày 24 tháng 3, Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh vừa tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nhập viện để điều trị. Theo đó, trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh đã đưa ra nhận định bệnh cúm A/H1N1 đang có xu hướng lây lan rộng rãi.
Các đội y tế dự phòng tại địa phương xảy ra dịch bệnh đã tiến hành phun xịt, tiêu độc khử trùng trên diện rộng.
Trường Tiểu học và Trung học cở sở Xuân Thành cho học sinh nghỉ học đến khi “diệt trừ cúm thành công.”
Tháng sáu năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo một biến thể mới của H1N1 có nguồn gốc từ lợn là nguyên nhân của dịch cúm năm 2009 và ban bố tình trạng khẩn cấp.
Hiện nay chỉ có thuốc diệt virus là phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh Cúm, ngoài ra có các phương pháp phòng bệnh đặc hiệu là sử dụng vaccine phòng Cúm (cúm mùa H1N1, H3N2, cúm B), sử dụng kháng thể IgY đặc hiệu trên virus Cúm (cúm A H1N1, H3N2, cúm B, cúm gia cầm H5N1). Một số biện pháp khác phòng bệnh không đặc hiệu như đeo khẩu tranh, vệ sinh mũi họng, không tiếp xúc với người nghi ngờ bị mắc Cúm…