Tại sao dành cho trẻ từ 0-8 tuổi? Vì đây được gọi là “những năm định hình” của mọi đứa trẻ. Điều mà UNICEF gần đây đã nhấn mạnh: Đây là giai đoạn mà mọi đứa trẻ sẽ phát triển nền móng về nhận thức, cảm xúc, kiến thức, kỹ năng và các giá trị cuộc sống. Điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách và cách tiếp cận cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Nếu bạn nghĩ rằng trẻ con còn vô tư, biết gì đâu mà giận, lo lắng, chán nản, tự ái hay thất vọng, thì bạn đã sai lầm. Thực ra, giống như người lớn chúng ta, trẻ nhỏ cũng có những cung bậc cảm xúc. Trẻ nhỏ cũng bị giữ lại các cảm xúc tiêu cực như chúng ta, thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta vì trẻ chưa phát triển đủ các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức để biết cách giải tỏa cảm xúc của mình.
2 NGHIÊN CỨU QUAN TRỌNG VỀ TRÍ TUỆ CẢM XÚC EQ Ở TRẺ:
- Nghiên cứu tại ĐH Yale, Mỹ (dài 40 năm): trẻ có EQ cao, biết quản lý cảm xúc tốt sẽ giải quyết công việc tốt và được lòng người khác.
- Nghiên cứu tại Anh (dài 50 năm): 3 yếu tố liên quan mạnh nhất đến hạnh phúc và thành công bền vững của trẻ lúc lớn là: biết tự kiềm chế, biết tự động viên bản thân cũng như người khác, kiên trì và khiêm cung. Cả 3 yếu tố này là nằm trong 10 khía cạnh của EQ, và trong 5 khía cạnh quan trọng phát triển trước 8 tuổi.
ĐỘ TUỔI NÊN BẮT ĐẦU GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN EQ
Không chính thức: sớm khi trẻ nhận ra cả mẹ và bố (khoảng 1-2 tháng tuổi)
Chính thức: sớm từ khi trẻ 14 tháng tuổi
Nhóm tuổi quan trọng: trước 8 tuổi.
CÁCH XÂY DỰNG NĂNG LỰC PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CẢM XÚC EQ NHƯ THẾ NÀO?
TRƯỚC 14 THÁNG TUỔI
Hiểu về trẻ: Trẻ chưa thực sự hiểu về định nghĩa cảm xúc tại thời điểm này. Tuy nhiên, trẻ có thể đọc và nhận biết cảm xúc từ cha mẹ. Trẻ nhận biết điều này sớm từ lúc trong bào thai. Nếu mẹ vui trẻ sẽ vui, ngược lại mẹ buồn trẻ sẽ cảm thấy khó chịu. Nếu bố chạm vào bụng mẹ với tâm trạng buồn trẻ cũng nhận biết nó. Trẻ tiếp tục đọc hiểu cảm xúc cha mẹ ngay khi sinh ra. Do đó, để giúp trẻ có trạng thái cảm xúc cân bằng, cha mẹ được khuyên:
- Luôn học cách giữ cảm xúc tốt, tránh quát tháo, hoặc tức giận vì điều này cũng ảnh hưởng đến cách quản lý cảm xúc của trẻ.
- Thường xuyên nói chuyện với trẻ khi thay tả, tắm, cho trẻ bú. Câu chuyện xoay quanh về những hoạt động hằng ngày mà cha mẹ quan sát, thấu hiểu và phản ánh lại cách cha mẹ hiểu và trải nghiệm. Bạn được khuyên là kể các câu chuyện trung thực, phản ánh đúng cảm xúc của bạn kể cả tích cực và tiêu cực và giải pháp bạn có. VD. Sáng nay xe cộ đông và trời lại nắng, nên mẹ rất khó chịu, bực tức. Khi dừng đèn đỏ, 1 chị khác đã va vào xe mẹ, mẹ tức giận la chị ấy. Khi về lại công ty có máy lạnh, mát mẻ, mẹ đã suy nghĩ lại: ai cũng phải chịu sự đông xe, nắng gắt như mẹ, và chị đó cũng vậy. Mẹ cảm thấy việc tức giận của mẹ là không nên, mẹ nên nói với chị ấy là “không sao đâu em”. Lần sau mẹ sẽ chú ý cảm xúc mình hơn.
Đứa trẻ lúc này không hiểu nhiều câu chuyện của bạn, nhưng nó giúp trẻ hiểu cảm xúc bạn có lúc phản ánh lại. Đó là cách để đứa trẻ biết cách cân bằng cảm xúc sau này của trẻ.
TỪ 14 THÁNG TUỔI – 8 TUỔI
Hiểu về trẻ: Trẻ từ 14 tháng tuổi – 2.5 tuổi sẽ bắt đầu hiểu về cảm xúc cơ bản như buồn, vui, tức giận, không hài lòng, xấu hổ. Từ 3-5 tuổi, trẻ nhận ra nhiều cảm xúc khác nhau, có thể lên đến 14 loại cảm xúc. Từ 5 tuổi, trẻ có thể có 27 cảm xúc như người lớn.
Đây là những điều được khuyên cha mẹ giúp xây dựng trí tuệ cảm xúc EQ cho trẻ:
SỚM ĐỊNH NGHĨA CÁC LOẠI CẢM XÚC VÀ GIÚP TRẺ HIỂU
- Trẻ 14 tháng tuổi -3 tuổi: có thể định nghĩa và giúp trẻ hiểu từ 6-8 loại cảm xúc thông dụng
- Trẻ 3-8 tuổi: có thể định nghĩa và giúp trẻ hiểu đến 16 loại cảm xúc thông dụng như lo lắng, thất vọng, hổ thẹn, bối rối, tự hào, vui vẻ… (xem hình đính kèm dưới comment bài viết này).
Bạn có thể dùng bảng màu cảm xúc và đọc sách để giúp trẻ định nghĩa và hiểu dần các loại cảm xúc.
Cách đọc sách để khơi gợi sự hiểu cảm xúc nhân vật và cho trẻ cơ hội để hiểu về cảm xúc, từ đó định nghĩa nó. Dưới đây là cách hỏi và tương tác khi đọc sách cùng trẻ.
BƯỚC 1: NHẬN BIẾT CẢM XÚC
“Mẹ nhìn thấy nước mắt trong mắt nhân vật này và một cái nhíu mày lớn trên khuôn mặt họ. Con nghĩ họ đang cảm thấy như thế nào?
Các câu hỏi tương tự khác: Nhân vật đang cảm thấy như thế nào? Làm sao con biết nhân vật đang cảm thấy như vậy? Con có thể cho mẹ thấy một khuôn mặt ________________ không?
BƯỚC 2: HIỂU CẢM XÚC
Con nghĩ điều gì đã xảy ra khiến nhân vật cảm thấy buồn?”
Ở bước này, bạn có thể dùng bảng màu thước đo cảm xúc với câu hỏi như: Con sẽ đặt nhân vật này ở đâu trên thước đo cảm xúc? Cảm xúc này có tên là gì?
Về bảng màu thước đo cảm xúc bạn có thể tham khảo ở comment bên dưới bài viết này.
Câu hỏi để gợi trẻ biết về cách mà cảm xúc đó biểu hiện:
Nhân vật đã hành động như thế nào khi cảm thấy ________________? Con còn có thể làm gì khác khi cảm thấy ________________?
BƯỚC 3: TÌM GIẢI PHÁP THÍCH HỢP
“Con nghĩ nhân vật có thể làm gì để cảm thấy khá hơn? Điều gì giúp bạn ấy cảm thấy khá hơn khi bạn ấy buồn?”
Các câu hỏi tương tự khác:
Nhân vật đã làm gì khi cảm thấy ________________? Con có thể làm gì để giúp một người bạn đang cảm thấy ________________? Khi con cảm thấy ________________, con thường làm gì?
DẠY CON CÁCH THƯ GIÃN
✦ Sử dụng công cụ để xả cảm xúc ra ngoài, như bóp một quả bóng mềm.
✦ Hít thở sâu: Con hãy hít thở chậm và sâu vài lần. Hãy tưởng tượng những căng thẳng của con đang “tan biến” đi.
✦ Hít thở theo màu sắc: Hít thở sâu vài lần. Khi hít vào, con hãy hình dung màu sắc mà con yêu thích. Mẹ thường chọn màu xanh dương hoặc hồng. Khi thở ra, con hãy tưởng tượng một màu tối bẩn – đó là màu của sự căng thẳng trong cơ thể con. Tiếp tục thở đều và chậm cho đến khi màu sắc con hít vào và thở ra giống nhau.
✦ Nghỉ ngắn: Con hãy tưởng tượng nơi mà con yêu thích nhất trên thế giới. Hãy hình dung mọi chi tiết về nơi đó – nó trông thế nào, cảm giác ra sao, có mùi hương gì. Càng sống động càng tốt.
✦ Luyện tập trong tâm trí: Điều này đặc biệt hữu ích trước khi con thi cử hoặc tham gia các hoạt động cần biểu diễn. Con hãy tưởng tượng từng bước của hoạt động đó diễn ra thành công. Ví dụ, nếu con chuẩn bị cho một buổi biểu diễn piano, con có thể hình dung mình chuẩn bị cho buổi biểu diễn, bước lên sân khấu, ngồi vào ghế piano, nghe nhạc trong đầu, chơi nhạc một cách hoàn hảo và nghe tiếng vỗ tay cuối cùng. Trong mỗi bước, hãy hít thở chậm vài lần để giữ bình tĩnh.