GIÚP TRẺ HÒA ĐỒNG VÀ KHÔNG NHÚT NHÁT

Vào những ngày cuối năm này, chúng ta đều bận rộn với việc chăm chút nhà cửa, chuẩn bị đón Tết, nhưng bạn cũng đừng quên những thành viên nhỏ trong gia đình. Các bạn nhỏ này cũng có vai trò và cũng cần được chuẩn bị một ít tâm lý cho ngày Tết. Thông thường vào ngày Tết thường rất đông người, trẻ thường chỉ đóng một vai trò như “chúc Tết cô chú đi con” hay “nhận lì xì nè”. Tưởng chừng như những điều này là làm trẻ cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, rất dễ thấy một số trẻ chưa được chuẩn bị tâm lý tốt khi nhà có nhiều khách, cảm thấy sợ sệt, nhút nhát cứ thấy người lạ là nép vào mẹ. Một số trẻ nhỏ nhìn khách rồi khóc, đòi bế. Khi cho bé ra chỗ vui chơi với các bé khác, bé cứ đeo mẹ, không vào chơi với các bạn. Nếu bị ép chơi, bé khóc thét, luôn miệng nói “ghét mẹ”, đánh vào tay và mặt mẹ.

KHI TRẺ NHÚT NHÁT HAY IM LẶNG, BẠN NÊN LÀM GÌ?

Trẻ đôi lúc sẽ trải qua sự nhút nhát hoặc im lặng không thèm nói chuyện hay chào hỏi với ai đó. Điều này là thông thường, đặc biệt vào những ngày lễ Tết. Giống như bạn bước vào 1 bữa tiệc xa lạ, điều đầu tiên bạn làm là nhìn xung quanh để tìm người quen. Nếu không có, bạn chọn im lặng và lắng nghe. Đó là cách xử lý tự nhiên.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao không nắm bắt cơ hội là hãy làm quen với người lạ, biết đâu sẽ có 1 cơ hội mới cho sự nghiệp hay mối quan hệ. Đúng, nhưng đó là đối với người đã có kinh nghiệm. Với trẻ thì hoàn toàn khác, hơn nữa, cũng không dễ dàng để trả lời những câu hỏi “hóc búa” của ai đó như “Ôi Tết này con bé lớn chưa kìa?” hoặc câu hỏi hơi thiếu tế nhị “con dễ thương giống mẹ quá, đúng không nè”. Trẻ chọn im lặng là điều dễ hiểu. Trẻ chọn nép vào bạn như cách ai đó tìm người quen.

LÀM SAO GIÚP TRẺ HÒA ĐỒNG VUI VẺ TRONG NGÀY TẾT?

Thực ra, trẻ thường im lặng lầm lì hay nhút nhát trong ngày lễ tết là do trẻ chưa “có dữ liệu” vào ngày Tết là có những gì, nên làm gì, có gì. Tùy vào từng độ tuổi khác nhau mà chúng ta nên chia sẻ dữ liệu cho trẻ hiểu.

Trẻ dưới 18 tháng tuổi

Ở độ tuổi này trẻ thường hay dính với mẹ và lấy mẹ làm trung tâm. Do đó, để trẻ hòa đồng hơn, hãy cho trẻ cơ hội ngồi cùng bạn khi trò chuyện. Bạn có thể bế bé bên cạnh, lâu lâu bạn vuốt tóc hoặc mặt bé để bé có cảm giác bao gồm trong cuộc trò chuyện, bé sẽ học được cử chỉ khuôn mặt của bạn và người lạ, rất nhanh bé sẽ hòa nhập. Đừng quá lo lắng khi trẻ không ạ, vâng khi được bảo hay ai đó lì xì. Mẹ chỉ cần đơn giản giải vây cho trẻ.

Trẻ từ 18 tháng tuổi, đặc biệt 3-5 tuổi

Đây là độ tuổi trẻ có thể chấp nhận dự liệu lớn hơn về ngày Tết từ việc phụ mẹ bỏ mứt vào khay, dạy trẻ cách “vâng ạ” để cảm ơn khi nhận lì xì. Các bé lớn có thể dạy câu chút ngắn vui tai, thậm chí cùng trẻ bàn luận về ý nghĩa ngày Tết, trang trí hoa mai, nói về các loại quả trong ngày Tết.
Khi có các bé khác như anh chị em của bé đến nhà chơi, bé thường chưa quen để chơi cùng. Để bé dễ hòa nhập, bé cần hiểu hoạt động đó là gì. Bạn cứ để bé ngồi đó quan sát. Thực ra trẻ con quan sát để học cách hiểu trò chơi và người đang chơi. Khi có cơ hội, bạn khuyến khích trẻ tham gia 1 hoạt động nào đó. VD, như vỗ tay cổ vũ. Khuyến khích và để tự bé điều chỉnh có vỗ tay cổ vũ không. Nếu có, bạn khen khích lệ bé, và trẻ sẽ dễ bắt nhịp và hòa đồng sớm. Nếu không, cũng không cần quá lo lắng, chỉ đơn giản chờ dịp khác. Đừng mong đợi bé giao tiếp với các bé khác liền. Cứ để bé quyết định có giao tiếp không hoặc đơn giản khích lệ bé lấy cái gì đó liên quan, nhưng bạn không nên cầm tay hay nói kiểu như “sao con không vào chơi với các chị”, thay vào đó bạn nói vào hoạt động liên quan của trò chơi như: “chị Na bắt đầu lăn banh kìa, con đón xem trúng mấy chai”. Đó là cách nói để trẻ học và tự chủ trong mọi quyết định của mình. Đừng ép buộc, đừng khích tướng, bạn chỉ nên là người hỗ trợ và khích lệ để trẻ phát triển.

Notes

Shyness and children. 2015. Raising Children.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây