TRẺ CON THƯỜNG KHÔNG NHƯỜNG NHỊN NHAU
Không ít cha mẹ rơi vào tình huống khó xử khi 2 đứa trẻ đang chơi, mà có 1 bé đòi chơi đồ chơi của bé còn lại, nhưng bé kia lại không chịu mà bé đòi lại khăng khăng đòi bằng được. Vậy, nếu bạn gặp tình huống này, bạn sẽ chọn cách nào sau đây để dàn xếp:
1. Nói bé lớn hơn: “thôi con nhường em nhé” và lấy đồ chơi cho bé nhỏ hơn.
2. Dụ lấy món đồ chơi của bé này để cho bé kia và cho bé này 1 món đồ chơi khác.
3.Cất món đồ chơi và không cho bé nào được chơi, để 2 bé quên và chơi món khác.
4. Nói với bé đang đòi là không được, đồ chơi là của bé này, yêu cầu phải chọn món khác.
Phần lớn cha mẹ chúng ta sẽ chọn 1 trong 4 cách trên, nhưng thực tế rằng: cả 4 cách trên trẻ vẫn không hiểu vai trò thực của trẻ trong tình huống này, vấn đề có thể được dàn xếp tạm thời, nhưng vẫn tiếp diễn và trẻ vẫn không nhận được bài học giáo dục về “tương tác hành vi”.
KHÁI NIỆM NHƯỜNG/CHIA SẺ Ở TRẺ LÀ ZERO NẾU BẠN KHÔNG DẠY
Mọi đứa trẻ chưa nhận thức được sự tồn tại của khái niệm nhường hay chia sẻ tình thương, đồ vật, khoảnh khắc hay món đồ trẻ yêu thích. Đây là hành vi học được. Do đó, việc bạn cố ép hoặc cố năn nỉ kiểu như ” Thôi nhường em/bạn đi con, mẹ mua/ lấy cái khác cho con nhé!” là không ý nghĩa với trẻ. Hơn nữa, dù bạn có giải thích “cái này là của bạn, con có thể chọn cái khác” cũng không thể làm trẻ hiểu.
Với trẻ, những thứ tồn tại tại thời điểm trẻ đang chơi/thưởng thức là được đánh dấu là “hiện diện”. Sự hiện diện này sẽ đi kèm với cảm xúc trẻ có như vui, lạ, hạnh phúc. Nếu sự hiện diện này mất đi, trẻ cần phải đi tìm. Nếu hiện diện nằm ở trẻ khác thì trẻ sẽ lấy lại. Tuy nhiên, sự hiện diện luôn có tính tạm thời.
Sự hiện diện ở đây có thể là món đồ chơi trẻ đang chơi, là khoảnh khắc được bạn yêu thương, là 1 trò chơi nào trẻ đang tham gia. Khi đó, việc 1 trẻ khác hoặc em của trẻ lấy đi sự hiện diện này thì việc trẻ đi tìm hoặc dành lại là điều dễ hiểu.
LÀM SAO DẠY TRẺ SỰ CHIA SẺ, KHÔNG PHẢI ÉP TRẺ CHIA SẺ
Càng nhiều sự chia sẻ thì trẻ càng học được hành vi biết chia sẻ
Sự chia sẻ là sự luân chuyển của sự hiện diện giữa 2 bé đến khi trẻ nhận ra là không mất đi. Dĩ nhiên, khi đó cảm xúc sẽ đi theo sự hiện diện đó ở cả hai bé. Càng nhiều sự chia sẻ thì trẻ càng học được hành vi biết chia sẻ. Khi trẻ học được hành vi biết chia sẻ thì trẻ sẽ hiểu sự cảm thông. Khi đó, trẻ luôn có sự cảm thông. Đó là cách giáo dục.
Ngược lại, sự ép trẻ nhường là cách buộc trẻ từ bỏ “sự hiện diện” và cảm xúc cũng mất theo. Sự hiện diện chỉ tồn tại ở 1 trong hai bé, và cảm xúc cũng chỉ có ở 1 trong hai bé. Giống như cách bạn hay nói “con lớn rồi nhường em nhé con!”, thực tế, trẻ không chỉ không hiểu khái niệm nhường này, mà còn có thể mang 1 cảm xúc tiêu cực khác như buồn/hụt hẫng khi sự hiện diện mất đi, thay vì vui thích trước đó. Đó là cách không giáo dục.
Vậy, để giáo dục trẻ sự chia sẻ, cha mẹ nên làm gì với tình huống được đặt ra ban đầu? Cách tốt nhất được khuyên không phải là 1 trong 4 cách ở trên bởi vì không cách nào giúp cả hai bé nhận ra sự chia sẻ khi cần có đồng thời cả sự hiện diện và cảm xúc gắn liền. Theo GS. Byron T. , ĐH University College London chia sẻ: Bạn có thể giúp trẻ học được sự chia sẻ khi bạn chọn thời điểm vào cuộc thông minh-khi 2 bé chỉ mới bắt đầu có tranh cãi về sự hiện diện. Đừng vào sớm quá và cũng đừng đợi 2 bé cắn/đánh nhau đến khóc bởi vì khi đó có cảm xúc khác xen vào thay vì chỉ có cảm xúc thích sự hiện diện.
Bài học về “cách đợi”
Sau đó, hãy bắt đầu với bài học về “cách đợi”. Nghĩa là, bạn nói lớn: Nào, hai con im lặng nào, chúng ta chơi cái này cùng nhau được không. Bạn nói bé đang cầm món đồ chơi: Tom, con đưa món đồ chơi sang tay mẹ nhé! Bạn dùng hai tay nhận món đồ từ tay bé và nói: “Được rồi, mẹ nhận món đồ của con rồi nhé, mẹ đang cầm đây, con có thấy không, con có thể sờ nó bây giờ”. Bạn quay sang bé đòi món đồ chơi và nói “Tim, mẹ đưa con cầm món đồ này nhé! con đưa 2 tay ra nào”, bạn dùng hai tay đặt món đồ vào tay Tim và nói: ‘được rồi, món đồ ở tay Tim rồi, mẹ sờ nó nhé, Tom con sờ nó không?”. Sau đó, bạn nói “Tom, con nhận món đồ nhé, Tim ơi con dùng 2 tay đưa món đồ cho Tom giúp mẹ nhé!”. Khi Tom nhận món đồ, bạn nói tiếp “Mẹ có thể sờ nó và Tim con có muốn sờ nó không?”. Thế, là bạn cứ lập lại 1-3 lần nữa. Đó là bài học về “cách đợi”. Bài học này có thể áp dụng bất kì lúc nào có mâu thuẫn. Trong lúc áp dụng, có bé nào dành, thì bạn lại lấy lại và giữ để cho 2 bé cùng chạm.
Bài học về “cách đợi” này cũng có thể dạy trẻ trong những sinh hoạt đời sống hằng ngày như đi siêu thị, nhà sách. Khi trẻ chạy đến quầy đồ chơi và có bạn cầm món đồ chơi trẻ muốn, hãy nói: “Tim này, đợi 1 tí con!” hãy cho trẻ thời gian đợi, lúc đợi, sự hiện diện và cảm xúc gắn liền vẫn không mất đi. Khi ra tính tiền, bạn cũng xếp hàng đợi đến lượt và không quên nói trẻ “chúng ta đợi 1 chút để đến lượt nhé!”
Càng học được bài học về biết chờ đợi, trẻ càng nhận ra sự chia sẻ là không mất đi. Dĩ nhiên, cảm xúc hạnh phúc cũng không mất đi khi chia sẻ, chỉ là “đợi” cho đến lượt. Việc này sẽ giúp ích cho trẻ rất nhiều về bài học vị tha và nhân ái.
Note
Tanya Byron (2008) Your todder month by month. Dorling Kindersley. London.
Jill Ceder (2018) Why You Shouldn’t Force Your Kid to Share. Verywell Family.
Chào các bạn, những viên gạch được đặt đúng chỗ sẽ tạo nên 1 bức tường vững chắc. Duy trì tính bình đẳng là nền tảng xây dựng sự công bằng. Nghe có vẻ quá trừu tượng, nhưng rất dễ thực hiện. Trẻ có thể hiểu và thậm chí thích sự bình đẳng hơn cha mẹ nghĩ, theo TS. Warneken, ĐH Harvard. Đây là một số cách cha mẹ có thể thực hiện để duy trì sự bình đẳng trong nuôi dạy trẻ
1. Khi gặp bài toán phải chia, bạn nên chia đều, không lớn nhỏ và không ưu tiên.
2. Với nhà có 2 trẻ, khi cả hai trẻ cùng nhau làm một việc gì, kết quả là của cả hai, bất kì trẻ nào làm sai, thì đều phạt cả hai. Khi nào bạn chỉ phạt bé sai, khi bạn giao công việc riêng lẻ và họ không phải là 1 đội. Khi đó, nó là trường hợp của chơi theo lượt. Lượt ai nấy chơi, lượt ai nấy phạt.
3. Khi hai trẻ dưới 6 tuổi đánh nhau mà bạn không rõ bé nào sai, thì bạn cho hai trẻ đều sai và kết quả là từng bé phải xin lỗi nhau và giảng hòa. Không thiên vị dựa trên tình thân, cảm tính hay tuổi tác. Nếu bạn thực sự biết rõ bé nào làm sai, thì hãy bảo bé đó xin lỗi bé còn lại. Trẻ trên 6 tuổi nếu cùng sinh hoạt dưới 1 hoạt động thì được tính như cách làm số 2 ở trên. Cả hai cùng sai dù ai đó làm sai, cả hai cùng chịu phạt.
4. Các hoạt động khuyến khích để giúp trẻ học về chia sẻ. Trẻ dưới 5 tuổi không có khái niệm chia sẻ, mà chỉ có khái niệm sở hữu dài hạn và sở hữu ngắn hạn. Nghĩa là, khi bạn nói cho trẻ cái gì, thì trẻ tự nhận định nó là sở hữu dài hạn của trẻ, việc trẻ có quyền chia sẻ hay không là do trẻ quyết định. Bạn chỉ cần giúp trẻ hiểu thêm 1 khái niệm là sở hữu ngắn hạn, có nghĩa là trẻ đưa bạn khác món của trẻ thì bạn đó cầm 1 lát và sẽ trả về. Điều này cũng sẽ hiểu khi món đồ là dùng chơi chung giữa hai trẻ, mỗi bên chỉ có sở hữu ngắn hạn. Khái niệm này trẻ từ 2 tuổi có thể bắt đầu hiểu, nhưng cần dạy thông qua các hoạt động chia sẻ như chuyền món đồ chơi sang tay qua lại.
5. Khi nhà có 2 trẻ thì cha mẹ cũng nên hiểu rõ ràng 2 khái niệm sở hữu này khi cho trẻ những món quà. VD, khi cho quà thì nên nói rõ là cho bé nào, đừng ngập ngừng hay để trống như thể ai chơi cũng được. Không nhất thiết mỗi bé đều cần có quà 1 lúc để công bằng. Thực ra, trẻ con không có khái niệm ganh tị như chúng ta nghĩ. Trẻ con rất đơn giản, và hiểu rằng món nào cho trẻ là của trẻ là sở hữu lâu dài mà thôi. Khi đó, chắc chắn trẻ không dễ dàng cho ai đụng vào. Do đó, chỉ cần rõ ràng cho bé nào là được, thậm chí bạn cho bé này dịp này, bé kia dịp khác đều được. Nếu muốn cả hai cùng chơi chung thì hãy gọi 2 đứa ra và nói cho cả hai, khi đó, cả hai sẽ hiểu rằng chỉ có sở hữu ngắn hạn trên món đó. Nếu bạn để ý thì trẻ không cố giữ riêng nó. Trẻ con là đơn giản vậy, không quá phức tạp như suy nghĩ người lớn chúng ta. Chúc các bé vui khoẻ
Chào các bạn, khi gia đình có từ 2 trẻ trở lên, đặc biệt là 2 bé gần tuổi nhau. Chúng ta rất hay gặp trường hợp trẻ mách mẹ về lỗi của bé kia. Trong trường hợp này chúng ta nên xử lý như thế nào cho đúng?
Bạn nên tránh bao gồm trong các cuộc tranh luận bằng lời, đặc biệt các lời mách vô hại. Khi đứa trẻ chạy đến mách với mẹ điều gì, nếu vô hại, hãy bỏ qua và nói: “Mẹ không biết, tuy nhiên nếu 2 đứa đang chơi mà tranh cãi thì mẹ sẽ cất món đồ đó ngay, và sẽ không được chơi cho đến ngày mai”. Tuy nhiên, nếu có vũ lực xảy ra, bạn cần phải có mặt, dùng kỹ thuật hỏi và hiểu, giải quyết nghiêm khắc và đứng về phía lẽ phải, tỏ thái độ nghiêm với người gây ra vũ lực. Thể hiện quan điểm rõ ràng: “đánh/cắn là hành vi mẹ không chấp nhận dù bất cứ lí do gì”. Điều này đồng nghĩa chấm dứt ngay trò chơi hoặc tịch thu đồ chơi trong 1 ngày và người gây ra vũ lực sẽ bị phạt (VD không được sử dụng đồ chơi trong 2 ngày). Hình phạt phải được thực thi và đi cùng với lời tuyên bố của bạn thì hành vi của trẻ sẽ thay đổi.
Lưu ý là bạn cần tôn trọng sự riêng tư của trẻ. Phạt hay răn đe là có thể làm, nhưng đừng mang trẻ xỉ nhục trước anh chị em hay người khác, điều này sẽ hình thành 1 loại tổn thương khác. Nếu xảy ra nơi đông người như nhà thờ, siêu thị thì hãy dẫn bé ra ngoài và 1 góc ít người qua lại mà xử lý bé, hơn là chửi đánh bé giữa chỗ đông người.
Chào các bạn, tôi nhận được khá nhiều băn khoăn trong việc đáp ứng với xung đột khi chơi giữa 2 đứa trẻ. Tôi sẽ giải thích tại sao xung đột này xảy ra và điều gì chúng ta giúp những đứa trẻ vui chơi hòa bình.
Xung đột xảy ra là do mỗi đứa trẻ có 1 cách hiểu khác nhau về cách sở hữu món đồ chơi, nó khác nhau tùy độ tuổi.
Dưới 18 tháng tuổi hiểu rằng: nó vui, nó là của mình (mức độ đòi hỏi hiện diện là 5/5), nhưng có thể thay đổi
Từ 18 tháng tuổi -2 tuổi: nó vui, nó là của mình (mức độ đòi hỏi là 3/5), có thể đợi, nhưng không thay đổi
Từ 2-6 tuổi: nó vui, nó là của mình (mức độ đòi hỏi 2/5), có thể đợi và chấp nhận thay đổi với thỏa thuận/luật lệ
Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao 2 đứa trẻ khi chơi sẽ dễ xung đột. Vì thực tế, đứa trẻ ở độ tuổi nào cũng đều đòi hỏi “nó là của mình” đòi hỏi sự hiện diện của món đồ, nhưng trẻ sẽ chấp nhận đợi để có sự hiện diện trở lại và mức độ đòi hỏi khác nhau. Bài học về đợi đến lượt và thỏa thuận là cần được dạy từ sớm.
Cách đáp ứng:
Cách đáp ứng tốt nhất là trước khi xung đột ảnh hưởng đến sự hiện diện trong suy nghĩ của đứa trẻ. Nghĩa là đừng đợi đến 2 đứa trẻ khóc, đánh nhau rồi mới can thiệp, mà can thiệp sớm hơn thời điểm này. Cách can thiệp sẽ khác nhau
Với trẻ dưới 18 tháng tuổi: bạn nên chuyển chú ý của trẻ sang hoạt động khác trước khi đứa trẻ này giành được món đồ, để trẻ không phát triển sự hiện diện của nó để gia tăng mức đòi hỏi. Thậm chí khi trẻ giành được món đồ, bạn cũng nhanh chóng lấy lại đưa cho bé còn lại (chủ sở hữu ban đầu) và điều hướng trẻ sang hoạt động khác. Làm vậy, sự xung đột của trẻ như ngọn lửa chỉ vừa nhen nhóm và mất đi nhanh.
Trẻ từ 18 tháng tuổi-2 tuổi, bắt đầu dạy khái niệm chờ đợi và tới lượt như trong bài vì trẻ độ tuổi này đã bắt đầu hiểu về sự đợi.
Trẻ từ 2-6 tuổi, nên được dạy khái niệm chờ đợi và tới lượt như trong bài, song song đó bắt đầu quy định rõ luật chơi bao gồm ai chơi, lượt như thế nào, điều gì không được (VD, ăn gian, giành lượt, khóc đòi,…), hậu quả khi vi phạm và phần thưởng khi làm tốt.
Càng sớm những đứa trẻ hiểu về chờ đợi để có được sự hiện diện trở lại với các cảm xúc như ban đầu thì trẻ sẽ chấp nhận chờ. Khi hiểu được khái niệm này, đứa trẻ sẽ hiểu về “lượt của mình”. Các xung đột sẽ tự biến mất.
Chúc các bé vui khỏe