Điều cha mẹ nên làm khi tức giận với trẻ

Điều cha mẹ nên làm khi tức giận với trẻ
Điều cha mẹ nên làm khi tức giận với trẻ
Có một lần tôi chứng kiến một người mẹ quát mắng và kéo xốc tay một đứa trẻ. Lúc này đứa bé ríu rít vừa khóc vừa con xin lỗi mẹ. Chắc cô bé đã làm gì đó cho mẹ tức giận. Tuy nhiên, bạn nghĩ đứa trẻ này khi bị mẹ la mắng, miệng luôn nói xin lỗi mẹ có thực sự trẻ đã cảm nhận được lỗi của mình, hay chỉ là cảm giác sợ hãi và áp lực?

KHOA HỌC NÃO BỘ CHO CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU GÌ?

Não bộ có những vùng chức năng rất nhạy cảm với tác động bên ngoài. Ví dụ, vùng phân tích logic giúp trẻ nhận biết và tìm hướng giải quyết khi lỡ lạc mẹ trong siêu thị. Tuy nhiên, vẫn có những vùng điều hòa các áp lực và các trạng thái cảm xúc bao gồm vui mừng, sợ hãi và giận dữ. Khi chúng ta đánh trẻ hoặc buông lời mắng chửi, vùng này sẽ bị kích thích để điều hòa các tín hiệu áp lực tiêu cực được gửi đến và nó bắt đầu ghi nhớ những cảm xúc tiêu cực này. Hơn nữa, những lời so sánh trẻ với trẻ khác hoặc anh chị em trong gia đình cũng có ảnh hưởng tiêu cực tương tự như vậy. Sự điều hòa này chỉ làm cơ thể trẻ trở nên “bị áp lực”, và các vùng khác của não bộ cũng bị cảm giác này trở nên “đóng băng”, ngay cả vùng chức năng giúp trẻ nhận biết lỗi sai, chịu lắng nghe và sửa sai. Do đó, việc bạn đe dọa, đánh hay la mắng là bạn vô tình tạo thêm áp lực cho trẻ, nhưng không hề dạy trẻ “cách làm như thế nào là đúng”

ĐIỀU GÌ BẠN NÊN LÀM?

1. Chúng ta luôn nhớ rằng: Cơn giận là lửa – lửa chỉ làm cháy tất cả. Bình tĩnh là Nước –Nước có thể tắm mát tâm hồn, nhưng chọn làm nước không có nghĩa là chọn yếu thế hơn, mà bạn chọn cách giải quyết vấn đề vì “nước làm tắt ngọn lửa”.
Khi trẻ bướng bỉnh, là lửa. Khi trẻ vòi vĩnh khóc la, là lửa. Khi trẻ không chịu ăn, là lửa. Khi trẻ đánh bạn, là lửa.
Đừng tức giận vì đó là lửa. Hãy đợi cơn tức giận giảm về 0, là nước. Trong lúc chờ đợi có thể giải quyết bằng im lặng, im lặng như là bức tường làm ngọn lửa của trẻ không lan ra xa hơn.
2. Chúng ta không nên mắng chửi hoặc đôi co với trẻ vì đó là dầu. Dầu sẽ làm lửa bùng cháy.
3. Chúng ta không nên so sánh trẻ với ai đó vì đó là củi. Củi không bùng cháy như dầu, nhưng giữ lửa lâu hơn. Ngọn lửa cháy âm ỉ sẽ làm yếu kém tâm hồn con trẻ.
4. Im lặng là cách tốt nhất để hạn chế ngọn lửa lan xa. Bạn có thể áp dụng các phương pháp giáo dục trẻ được khuyên như Time-out, 1-2-3 magic là cách cắt nguồn oxy của ngọn lửa trong trẻ. Khi trẻ mất lửa, các vùng chức năng học hỏi và hối cải sẽ phát huy.
Là cha mẹ ai cũng muốn con mình hạnh phúc. Đúng! Khi thấy con trẻ làm sai hoặc quá bướng bỉnh chúng ta phải răn dạy, nhưng hãy chọn cách để trẻ có thể lắng nghe, cảm nhận được hành vi sai và sửa sai. Chắc chắn rằng cách đánh, mắng chửi hay đem so sánh không phải lời giải cho vấn đề này.

5 HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

  1. Chào các bạn, “Tình yêu là loại quả của cả bốn mùa, và nằm trong tầm với của mọi bàn tay”- tôi rất thích cách nói về tình yêu của Mẹ Teresa, người từng đạt giải Nobel Hòa Bình 1979, nó rất giản dị nhưng mang một thông điệp ý nghĩa. Ít ai nhận ra một chân lý giản đơn rằng tình yêu và hạnh phúc là nằm trong chính bàn tay chúng ta, trong cách chúng ta suy nghĩ và nằm ngay trong chính giây phút hiện tại. Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.

  2. Chào các bạn, nhiều bạn quan tâm đến phương pháp time out. Đây là một số lời khuyên dành cho cha mẹ để thực hiện time out mang lại hiệu quả giáo dục tốt cho trẻ: Time-out là 1 kỹ thuật được khuyên vì bản chất của nó không phải là hình phạt, mà là 1 công cụ giúp trẻ nhìn nhận lại giây phút hiện tại của trẻ đang có và nhận biết hành vi trẻ đang diễn ra. Nó tạo 1 không gian đủ nhàm chán để trẻ học về hành vi và thay đổi tốt hơn.
    Nói dễ hiểu là time-out không phải là cách phạt, hở tí là sử dụng như 1 công cụ răn đe như “cái roi” vì nếu làm vậy thì trẻ sẽ dễ bị “lờn” và không còn hiệu quả trong giáo dục. Nó nên hiểu là 1 khoảng thời gian mà ở đó trẻ bị mất kết nối với mẹ, cảm thấy rằng hành vi trẻ đang làm dẫn đến 1 cảm giác nhàm chán và đứa trẻ nào cũng thông minh để biết tránh cảm giác này. Điều đó mới thực sự giúp trẻ thay đổi hành vi.
    Để time-out đúng và mang lại hiệu quả giáo dục với trẻ bạn cần làm đúng những điều sau:
    1. Thái độ của cha mẹ khi ra hiệu lệnh time-out: nhớ là time-out không phải cái roi, cứ thích là nói, mà khi nói phải có sức nặng ngàn cân, không gì thay đổi quyết định dù trẻ có năn nỉ. Thái độ quyết tâm và kiên quyết mới là thứ trẻ phải cân nhắc. Bạn nghĩ trẻ sợ cái roi của bạn hay là thái độ của bạn. Thực tế đứa trẻ sợ nhất là thái độ của cha mẹ, luôn kiên quyết và nghiêm khắc thưởng phạt rõ ràng. Có vậy, mới tạo ra 1 đứa trẻ có kỷ luật thực sự.
    2. Thái độ của cha mẹ khi hiệu lệnh time-out đã được ban ra: Khi đã ra lệnh time-out thì bạn đừng đôi co với trẻ, đừng nói dạng như “mẹ nói nhiều lần rồi, lì quá, bây giờ vào time-out”. Chỉ nói đơn giản lí do trẻ sẽ phải vào time-out là được. VD, con không được đánh như vậy, time-out! Thái độ lúc này là cần kiên quyết, còn sự giải thích yêu thương là công việc sau time-out. Trẻ cần hiểu theo thứ tự.
    3. Thái độ của cha mẹ trong time-out: trẻ cần thời gian để suy nghĩ và thay đổi, thì bạn cũng vậy, dành thời gian đó chỉ âm thầm quan sát trẻ để đảm bảo trẻ không tự làm đau bản thân, đừng quá chăm chăm như câu chuyện đầu bài lâu lâu chạy vào hỏi thăm, nhìn xem.
    Nhớ là, không nên dùng phòng ngủ, phòng khách có ghế sofa, nệm, ghế lười hoặc nơi có yếu tố sao nhãng như đồ chơi, tv, sách… làm nơi time-out vì khi đó trẻ dễ bị sao nhãng và không còn ý nghĩa của phương pháp này. Tốt nhất là 1 góc nhà yên tĩnh, có thể đặt 1 cái ghế hoặc 1 tấm thảm để trẻ hiểu đó là nơi time-out.
    Khi time-out diễn ra, bạn cần quyết tâm giúp trẻ hoàn tất thời gian quy định. Nếu trẻ đòi ra ngoài hoặc chạy ra ngoài bạn cần ngồi xuống để tầm mắt ngang với trẻ và dùng hai tay ôm trẻ vào lại time-out. Lúc này bạn chỉ cần nói nghiêm: “con cần phải vào time-out cho đến khi nó kết thúc”, mà không nên đôi co gì hoặc hứa hẹn như “ngoan đi mẹ cho con ra sớm nhé”.
    4. Kết nối với trẻ sau time-out: đây là 1 việc nên làm và làm trong 24h sau time-out. Nếu ngày có nhiều hơn 2 lần time-out thì miễn trong 24 giờ của lần gần nhất là được. Kết nối lại với trẻ là lúc cả hai cảm thấy vui vẻ trò chuyện về điều gì nên, điều gì không, có thể thông qua trò chuyện hoặc đọc sách. Điều này giúp ích rất nhiều trong thay đổi hành vi vì người ta thấy rằng thời điểm đó trẻ thường vui vẻ đón nhận hơn là làm điều này ngay lúc trẻ bị time-out. Chúc các bé vui khỏe

  3. Chào các bạn, Bên dưới là những hướng dẫn về 1 số thắc mắc thường gặp khi áp dụng time-out để giáo dục trẻ. Các bạn có thể tham khảo: VẤN ĐỀ 1: TRẺ ÔM VÀ XIN LỖI BẠN KHI VỪA NGHE BẠN NÓI SẼ ÁP DỤNG TIME-OUT.
    Hướng xử lý: time-out là hiệu lệnh được đưa ra và phải thực thi dù trẻ có xin lỗi ríu rít hay ôm bạn tỏ vẻ hối hận. Như đã nói đầu bài, time-out không phải là hình phạt mà là khoảng thời gian để trẻ “dừng lại mọi thứ và để học cách làm nó tốt hơn”. Việc trẻ ríu rít xin lỗi trước time-out chỉ để trẻ tránh time-out chứ không phải từ sự nhận ra thực sự của vấn đề. Do đó, bạn chỉ cần nói với trẻ rằng: “con cần vào time-out vì nguyên nhân là…” và vẫn tiếp tục thực hiện time-out.
    VẤN ĐỀ 2: TRẺ ĐÒI ĐI VỆ SINH LÚC THỰC HIỆN TIME-OUT, TÔI PHẢI LÀM SAO?
    HƯỚNG XỬ LÝ: Các chuyên gia nhi từ CDC, Mỹ chia sẻ: Bạn không cần chú ý đến những gì trẻ nói trong lúc time-out vì thực tế thời gian time-out là rất ngắn, không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cá nhân của trẻ. Một điều mà chắc chắn bạn sẽ gặp nếu bạn cho trẻ đi vệ sinh lúc time-out là trẻ sẽ biết dùng lí do này để ra khỏi time-out sớm hơn quy định cho những lần sau. Trong trường hợp, trẻ thật sự cần thiết đi vệ sinh, bạn có thể cho trẻ đi vệ sinh, nhưng bạn không nói hoặc hành động gì, chỉ hổ trợ trẻ đi vệ sinh. Sau khi kết thúc, bạn đưa trẻ vào time-out lại và thời gian được tính tiếp tục.
    VẤN ĐỀ 3: TRẺ ĐÒI HOẶC TỰ Ý RA KHỎI VÙNG TIME-OUT TRƯỚC KHI BẠN CHO PHÉP.
    HƯỚNG XỬ LÝ: Bạn yêu cầu hoặc bế trẻ vào lại vùng time-out. Bên cạnh đó, bạn cho trẻ biết điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ phá luật time-out. Ví dụ, trẻ sẽ không được sử dụng chiếc xe đạp ngày hôm nay hoặc cuối tuần này con sẽ không được ra nhà sách để mua sách…. Điều này sẽ cho bé sự tự lựa chọn, một quy trình cần thiết cho phát triển nhận thức. Ví dụ, sau khi bạn bế bé vào lại time-out, bạn có thể nói với giọng nghiêm: “Nếu con ra ngoài 1 lần nữa, time-out sẽ kết thúc và con sẽ không được sử dụng chiếc xe đạp hôm nay. Nếu con im lặng đợi hết thời gian time-out, con có thể sử dụng chiếc xe đạp”. Khi bạn đưa ra luật này, thì phải giữ đúng luật này hết cả ngày, hoặc đúng giao kèo. Bài học trẻ học được là phải chọn 1 lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó, dù nó là xấu nhất.
    VẤN ĐỀ 4: Trẻ la hét khóc lóc trong suốt và cả khi hết thời gian quy định của time-out. Tôi nên cho trẻ ra khỏi time-out hay tiếp tục thêm thời gian time-out?
    HƯỚNG XỬ LÝ: Lời khuyên đầu tiên của GS.Waston, ĐH Miami, Mỹ chia sẻ: “Cứ kệ thôi, hầu như đứa trẻ nào vào time-out đều la hét khóc lóc. Tùy vào khả năng kiểm soát cảm xúc và sự trải nghiệm timeout khác nhau, mà có đứa sẽ khóc suốt thời gian time-out, cũng có đứa sẽ chỉ la hét thời gian đầu. Đây là một trạng thái tâm lý bình thường. Tuy nhiên, trẻ sẽ sớm ngừng hành động này sau một vài lần time-out vì trẻ sẽ nhận biết được rằng mẹ không quan tâm đến trẻ làm gì trong time-out. Bạn không nên kết thúc time-out khi trẻ vẫn đang la khóc đến hết giờ hoặc cũng không nên thêm thời gian time-out. Trong trường hợp trẻ la khóc suốt time-out, bạn có thể làm như sau: Đợi còn 5 giây trước thời điểm kết thúc, bạn lại gần giữ bé ngồi ngang tằm mắt của trẻ và nói với giọng nghiêm trầm ấm: “Bin, nghe mẹ nói này, bây giờ nếu con im lặng nghe mẹ nói con có thể ra ngoài.” Điều này sẽ dạy cho trẻ hiểu được rằng: Trẻ chỉ có thể ra ngoài nếu chịu im lặng lắng nghe.
    VẤN ĐỀ 5: Trẻ lấy đồ chơi ra chơi hoặc lên giường giả vờ nằm ngủ trong thời gian time-out, tôi nên làm gì?
    HƯỚNG XỬ LÝ: Một nguyên tắc quan trọng mà bạn cần tuân thủ và cũng cần cho trẻ biết sự tồn tại của nguyên tắc này để trẻ tôn trọng nó trong suốt time-out.
    Nguyên tắc đó là: Trẻ không được có bất kì món đồ chơi hoặc có yếu tố nào làm trẻ sao nhãng trong thời gian time-out, ví dụ như TV, giường, điện thoại hoặc ghế sofa. TS. Mark, chuyên gia từ CDC, Mỹ giải thích: Trẻ cần một khoảng lặng đủ lâu, mà không có bất kì thứ gì làm trẻ sao nhãng, lúc này nó sẽ làm trẻ rơi vào khoảng thời gian “chán nhất”. Điều này sẽ kích thích tầng 2 của não bộ cho các hoạt động kiểm soát cảm xúc và phát triển nhận thức đúng sai cho một hành vi. Để đảm bảo nguyên tắc này được thực thi, bạn chọn vùng time-out là không có các yếu tố gây sao nhãng ở trên và tránh nơi mà mọi người trong nhà thường xuyên sinh hoạt nói chuyện. Bạn có thể quy ước với các thành viên trong gia đình là họ có thể tạo điều kiện im lặng khi trẻ đang vào time-out, điều này rất cần thiết cho con trẻ chúng ta học hỏi tốt hơn về kiểm soát cảm xúc.
    VẤN ĐỀ 6: Trẻ ương bướng nơi công cộng, làm sao tôi có thể tìm vùng time-out?
    HƯỚNG XỬ LÝ: Cũng rất thường khi trẻ ném cơn lốc tantrum nơi công cộng như siêu thị, nhà hàng, nhà sách hoặc nhà thờ. Đầu tiên, bạn hãy tìm góc nào đó mà cơn lốc tantrum của trẻ không gây quá nhiều phiền phức cho mọi người, như khu vực bên ngoài hoặc khu vực gần nhà vệ sinh. Bạn hãy cho trẻ tự trải qua giai đoạn 1,2,3 của tantrum tại nơi đó hoặc dùng 1-2-3 Go & Magic để quy ước thời gian nín khóc hoặc ương bướng của trẻ. Nếu trẻ vẫn giữ thái độ không đúng, hãy dùng time-out và nhìn bức tường là vùng time-out.
    VẤN ĐỀ 7: Nhà có hai trẻ, hai trẻ thường dành đồ chơi và đánh chọc ghẹo nhau, tôi nên làm sao?
    HƯỚNG XỬ LÝ: Hướng dẫn của tổ chức CDC, Mỹ từng chia sẻ: Đầu tiên bạn nên xác định trẻ nào là nguyên nhân của vấn đề và có thể áp dụng time-out lên trẻ đó và món đồ chơi sẽ được cất đến cuối ngày và cả hai anh em không ai được chơi. Nếu bạn không xác định được trẻ nào là nguyên nhân hoặc cả hai đều có tương tác chọc ghẹo qua lại, bạn hãy time-out món đồ chơi và cho lí do ngắn gọn tại sao. Điều này sẽ cho hai trẻ hiểu được cách kiểm soát bản thân. Số phút time-out món đồ chơi bằng tổng số tuổi hai trẻ chia cho 2. Khi thời gian time out kết thúc, hãy kể cho trẻ vì sao món đồ nằm đó và làm sao nó không nằm đó lần sau, chia sẻ món đồ đó lúc chơi như thế nào. Time-out món đồ, quyển sách hay đồ vật nào đó cũng là 1 cách bạn có thể làm thay vì time-out trẻ. Nó có thể áp dụng cho 1 bé, thời gian time-out bằng số tuổi của 1 bé. Hiệu quả time-out đồ vật vẫn giữ nguyên giá trị nếu bạn vẫn làm tốt các bước như time-out trẻ.

  4. Bé nhà em gần 4 tuổi vừa qua đợt nghỉ hè.mới bắt đầu đi học lại. Bé ko muốn đến trường .trc kia bé hay chơi thân vs 1 bạn. Nhưng phần đa lớp các bạn ko nghỉ hè.nên giờ bé đi học lại bạn bảo ko chơi với con.bé rất buồn . Em cũng lúng túng ko biết khuyên con ntn ạ.

    • Chào bạn, tôi trả lời câu hỏi của bạn thành 2 ý. [1] trẻ không chịu đi học sau kì nghĩ hè. Thực ra, bất kì đứa trẻ nào dưới 6 tuổi, đều có cảm giác này, thậm chí là nghĩ 1 ngày chứ không hẳn là 1 kì nghĩ dài. Tuy nhiên cảm giác này là 1 áp lực tích cực vì nó giúp trẻ rèn luyện mỗi ngày để vượt qua nó, giúp trẻ trưởng thành hơn. Cách giải quyết rất đơn giản: cho trẻ động viên và làm tốt quy trình mỗi sáng đưa trẻ đến trường mỗi ngày. Cho trẻ động viên như “mẹ cảm thấy vui khi hôm nay con đi học ngoan”. Quy trình mỗi sáng: đưa trẻ đến trường, hứa sẽ đón trẻ đúng giờ, chào tạm biệt và ra về. Điều này sẽ làm trẻ sớm đối mặt với áp lực tích cực này và học cách hòa nhập, đó là lúc sự lớn khôn của trẻ phát triển. [2] trẻ cảm thấy buồn khi bạn cũ không chơi. Chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều về điều này vì đứa trẻ là cần phải hiểu sự kết nối có thể không bao giờ cố định, nó có thể xảy ra 1 thời điểm, nhưng có thể rời đi ở thời điểm khác. Bạn nên động viên trẻ và tin rằng cảm giác này sẽ sớm biến mất trong trẻ khi trẻ bắt đầu hòa nhập và phát triển các kết nối mới. Đó là cách mà cuộc sống phát triển và xã hội hình thành. Chúc bé vui khỏe

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây