Gần đây chúng ta nghe nhắc về 1 vụ việc đáng tiếc xảy ra ở Tuyên Quang giữa cô giáo và các em học sinh. Điều đáng quan tâm là: đây không phải là mâu thuẫn của 1 em học sinh, mà là cả 1 tập thể, có thể sẽ có em là mâu thuẫn chính, nhưng cũng có em chỉ đứng ủng hộ hoặc quan sát. Ở đây chúng ta chưa thể phán xét vấn đề đúng sai thuộc về ai, nhưng điều mà có lẽ chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đó là: liệu truyền thống tôn sư trọng đạo đang như thế nào trong chính con cái chúng ta? Và con cái chúng ta sẽ ra sao nếu mất đi truyền thống tốt đẹp này?
TẠI SAO ĐỨA TRẺ CẦN ĐƯỢC DẠY VỀ SỰ TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC?
Bạn biết không! Một đứa trẻ không hiểu và không được dạy về tôn trọng thầy cô thì ít ai trân quý trẻ vì thực tế trẻ cũng sẽ không học được cách tôn trọng người khác.
Một đứa trẻ thể hiện không tôn trọng người nào đó. Đó không phải lỗi của trẻ, mà là trách nhiệm của người lớn chúng ta. Và đó là bài học cần thiết cho mỗi đứa trẻ bởi vì đứa trẻ sẽ không hiểu về tôn trọng người khác nếu không được dạy.
LÀM SAO DẠY TRẺ VỀ SỰ TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC?
Ngày nay, chúng ta thấy rằng: trẻ em đã được quan tâm và tôn trọng ý kiến nhiều hơn. Trẻ nhỏ trong gia đình thường tham gia vào các cuộc trò chuyện với cha mẹ, người khác một cách tự do hơn mà không bị trách mắng. VD, 2 người lớn đang nói chuyện với nhau, đứa trẻ chạy vào kéo tay mẹ làm điều gì, dù mẹ nhắc nhở, nhưng vẫn ngồi đó kéo tay mẹ, còn làm các âm thanh ồn ào gây gián đoạn. Trong tình huống này, phần lớn cha mẹ sẽ nhắc nhở nhẹ nhàng, hoặc bỏ qua cứ tiếp tục câu chuyện, hoặc dùng các lời la mắng hổ báo chỉ để doạ trẻ. Những cách đáp ứng này thực ra không cho trẻ bài học nào, ngược lại tiếp tục nuôi dưỡng “hạt giống” của sự thiếu tôn trọng.
Khoa học đã cho thấy: 1 đứa trẻ chỉ hiểu được cách tôn trọng người khác khi được dạy rõ ràng: đâu là biểu hiện của tôn trọng và không tôn trọng. VD, nhảy vào cuộc nói chuyện của người khác, làm ồn phá vỡ cuộc nói chuyện người khác là thiếu tôn trọng. Khi đó, bạn nên xin phép người đang nói chuyện cùng ngưng 1 chút để nói chuyện với trẻ như: “Bin, mẹ không hài lòng con làm ồn vì mẹ đang nói chuyện với cô. Nếu con yên lặng, mẹ sẽ xin phép cô ra ngoài để lấy cho con” Điều trẻ học được bao gồm:
1. Đòi hỏi của trẻ không phải luôn là ưu tiên phải làm
2. Việc xin phép người khác để giáo dục trẻ sẽ cho trẻ thấy về sự tôn trọng của bạn đến người khác và trẻ sẽ học theo.
3. Vấn đề được giải quyết khi trẻ biết sự tôn trọng.
Tương tự khi dạy trẻ ở nhà, bạn cũng lồng ghép dạy trẻ về điều gì là thể hiện tôn trọng và thiếu tôn trọng khi đi học. VD, thiếu tôn trọng là: nói chuyện riêng trong lớp bao gồm xem truyện, xem điện thoại…, phát biểu linh tinh, chen lời mà không giơ tay xin phép, nói xấu thầy cô.
Bản thân cha mẹ cũng cần là tấm gương cho trẻ hiểu về tôn trọng thầy cô giáo như dẫn trẻ đi cùng trong những buổi thăm thầy cô, nói chuyện lễ phép với thầy cô trẻ.
Khi trẻ kể cho bạn nghe về các lời nhận xét không hay từ các bạn về thầy cô trên lớp, bạn nên nói rõ cho trẻ hiểu: “Bin này, chúng ta không nên hùa theo các bạn suy nghĩ không tốt về thầy cô vì chúng ta không biết bạn ấy nói đúng hay sai.” Nếu bản thân trẻ có những lời nói thiếu tôn trọng thầy cô, thì chúng ta cần giải thích cho trẻ hiểu vấn đề và cách nói như thế nào cho đúng.
Bạn biết không! Bài học tôn sư trọng đạo đã có từ hàng ngàn năm nay, và nó sẽ luôn là bài học cần thiết để 1 đứa trẻ phát triển tốt cũng như được người khác yêu mến. Đã đến lúc những người làm cha làm mẹ như chúng ta cần nhìn nhận lại xem chúng ta cần làm gì để giúp trẻ có được bài học này.
Note
Spagnoletti CL, Arnold RM. R-E-S-P-E-C-T: even more difficult to teach than to define. J Gen Intern Med. 2007 May;22(5):707-9.