CON TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC TẤT CẢ

Không ít lần tôi trò chuyện cùng một số người mẹ, điều tôi nhận thấy là sự yêu thương và mong muốn điều tốt nhất cho trẻ và mong con cái được khỏe mạnh. Nhưng hơn hết, tôi nhìn thấy sự lo lắng của họ trong mỗi ngày phát triển của trẻ, họ lo lắng con không đủ sữa vì con chỉ bú lúc ngủ, họ buồn lòng khi con chỉ ngậm ngón tay không chịu bú, họ ngủ không yên khi con chảy nhiều mồ hôi và lăn lộn 1-2 lần khi ngủ, đôi lúc họ mất đi sự bình tĩnh khi con trẻ đi phân sệt hoặc có vài mẫu thức ăn trong phân.

SỰ LO LẮNG LÀ ĐÚNG, NHƯNG CẦN HỢP LÝ

Tôi yêu con tôi, thì tôi cần chú tâm hết tất cả những thay đổi của con.
Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đôi lúc cha mẹ nên giảm bớt những lo lắng không cần thiết vì mặt trái của áp lực trong nuôi con không chỉ làm bạn dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đôi lúc, vì quá lo lắng, bạn muốn làm hết tất cả thay trẻ vì sợ trẻ làm hỏng, bị té hoặc bị bệnh. Điều này có thể bạn đã không cho trẻ học hỏi tự làm hoặc tự thích nghi.
Ví dụ, lo lắng vì trẻ bị đói sau sinh, nhiều mẹ đã cho trẻ bú sữa công thức thay vì để trẻ tự kéo được nguồn sữa non quý giá, nguồn sữa duy nhất mà mỗi đứa trẻ chỉ được uống 2-3 ngày sau sinh. Thực tế, trẻ cần lượng sữa rất ít, chỉ vài giọt sữa non là đủ năng lượng cho trẻ. Do đó, cách tương tác da kề da và để trẻ mút ti mẹ thường xuyên là cách tốt nhất để trẻ kéo sữa về, giọt sữa trong, gần như không màu. Nhưng, đó là sữa.
Ví dụ, lo lắng khi trẻ không ăn vài bữa chỉ muốn uống sữa, hoặc cân nặng có tăng chậm sau 1 tuổi hoặc bé biếng ăn 1 vài ngày. Đôi lúc những lo lắng này không cần thiết vì cơ thể bé là một thể phức tạp, nhưng thông minh, có thể bé tự điều chỉnh về cân nặng, hoặc có thể bé tự điều chỉnh vị giác sau khi bé vừa bệnh xong chẳng hạn. Việc bạn nên làm là cứ tiếp tục giới thiệu thức ăn cho trẻ, thay đổi đa dạng thực phẩm. Quan trọng hơn, nên tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến biếng ăn của trẻ là điều cần thiết để thay đổi hành vi cho trẻ. Bạn có thể tham khảo bài viết trước đây của tôi về những loại biếng ăn.
Bottom line: Cân nặng không phải là thước đo cho sự khỏe mạnh và thông minh, nó chỉ là 1 trong 5 yếu tố để đánh giá phát triển của trẻ.

LO LẮNG SỰ TÉ NGÃ

Mỗi lần té ngã là mỗi lần con bạn học được cân bằng tốt hơn và điều chỉnh được hành vi. Dĩ nhiên, té là một tai nạn cần lưu ý, bạn cần đảm bảo môi trường chơi/đi lại cho bé là an toàn tuyệt đối, không gây tổn thương đến trẻ. Khi đó, việc trẻ bước vài bước bị té và khóc vài tiếng là chuyện rất bình thường. Nếu bạn chú ý thì những đứa trẻ nếu cứ để bé té và khóc, sau đó tự đứng lên thì hành vi tự điều chỉnh của trẻ sẽ tốt hơn, so với những trẻ vừa té và khóc đã có cha mẹ đến ôm vào lòng. Trẻ con có sự phát triển trí não vô hạn trước 5 tuổi, do đó, mỗi lần té là bé học được chênh lệch cao thấp, sự mất vị trí đột ngột ban đầu là trẻ sợ và khóc. Nhưng, vài lần, trẻ đã vượt qua nỗi sợ đó bằng chính bản thân bé. Nếu bạn nhìn vào quá trính quan sát phát triển của trẻ, bạn sẽ phải kinh ngạc thốt lên rằng: Con tôi có thể làm được tất cả!
Những đứa trẻ được cha mẹ bồng bế nhiều thì thường sẽ gặp vài khó khăn hơn trong vận động như bò và đi lại vì trẻ ít có cơ hội học hỏi về không gian và cân bằng.

LO LẮNG CON XEM TV

Tôi nhận được 1 băn khoăn của 1 người mẹ: Bé đã hơn 2 tuổi, mỗi ngày chỉ cho xem 20 phút TV, nhưng tuần sau muốn cho con xem phim ở rạp nhưng phim dài hơn 1 tiếng, vậy có nên xem không? Cả nhà lo lắng bàn luận mãi, nhiều lúc chồng và em dẫn đến bất hòa
Thật sự đôi lúc sự gập khuôn cũng làm nhiều cha mẹ lo lắng. Hãy thả lỏng hơn, giảm áp lực đi! Việc giới hạn trẻ xem dưới 20 phút mỗi ngày là cách hạn chế trẻ quá mất thời gian cho việc xem TV mà không tham gia các hoạt động khác tốt hơn, giúp trẻ phát triển thể chất tốt hơn. Tuy nhiên, xem phim màn ảnh lớn đâu phải dịp nào cũng đi, đâu phải ngày nào cũng đi, mà chỉ là 1 vài dịp đặc biệt. Đây cũng là dịp gắn kết cả gia đình lại với nhau hơn, do đó, trẻ vẫn có quyền xem phim bình thường.
Bottom line: Việc xem TV quá nhiều, thường xuyên là điều nên tránh vì nó sẽ chiếm lấy thời gian của trẻ cho những hoạt động lành mạnh khác. Nhưng, việc xem rạp chỉ là 1 vài dịp, trẻ vẫn có thể thưởng thức bộ phim bình thường. Có vài lưu ý, đừng để bé ngồi ghế gần màn hình quá, tốt nhất là hàng ghế giữa, thì sẽ làm bé dễ quan sát và tránh bị âm thanh và hình ảnh lớn làm bé khó chịu.

LO LẮNG ĐÔI LÚC PHÂN SỆT VÀ CÓ VÀI MẪU THỨC ĂN LÀ KÉM HẤP THU

Hệ tiêu hóa là một cơ quan khá phức tạp gồm nhiều yếu tố phối hợp cùng nhau. Hãy tưởng tương hệ tiêu hóa trẻ nhỏ như 1 ngôi nhà mới có nhiều phòng. Thức ăn là người giao hàng. Nhà mới thì đôi lúc chưa có đủ người vào ở, do đó 1 số phòng chưa có chìa khóa thì người giao hàng chỉ giao 1 phần, 1 phần còn lại thì sẽ trả lại. Hoặc ở những thời điểm nào đó, người giao hàng không gọi được người nhận hàng thì cũng sẽ còn hàng. Do đó, đôi lúc trẻ có 1 vài mẫu thức ăn trong phân cũng là điều bình thường, đặc biệt tăng trưởng bình thường và bé không biếng ăn
Khi nào cần lo lắng, khi vấn đế này lập đi lập lại nhiều lần, mà kèm theo tăng trưởng kém/sụt giảm hoặc biếng ăn thì cần tư vấn chuyên gia vì lúc này có thể 1 số phòng không còn nữa hoặc hư ổ khóa.
Hệ quả của lo lắng thái quá: Sợ trẻ kém hấp thu, cố ép bé ăn là một sai lầm.

LO LẮNG CON NÓI SAI, DẠY CON NÓI THEO

Đôi lúc cha mẹ thường hay dạy con nói theo mình, nhưng chưa thử hỏi và đợi nghe trẻ nói theo ý trẻ.
Lúc trẻ còn nhỏ, bạn sẽ thấy trẻ hay nói ngươc lại mẹ (khoảng 2-3 tuổi). Ví dụ, khi hỏi trẻ trái mận đỏ màu gì, trẻ sẽ thường nói màu xanh. Nhưng thực tế bé đã biết trái mận màu đỏ vì lúc bạn không hỏi bé sẽ nói trái mận màu đỏ. Đó là sự phức tạp tinh vi của não bộ trẻ, chính những tương phản này làm trẻ tạo nhiều liên kết. Ứng phó với sự tương phản của trẻ, cha mẹ đơn giản tìm 2 vật tương phản và giải thích cho trẻ hiểu. Trong trường hợp này, bạn lấy thêm chiếc lá màu xanh và trái mận đỏ, bạn nói chiếc lá màu xanh và trái mận màu đỏ, sau đó hỏi bé: Chiếc là màu đỏ hả con? Trẻ sẽ trả lời màu xanh và ngược lại. Việc học hỏi của não bộ nằm ở cách mà cha mẹ tương tác với trẻ như thế nào trong tất cả những hoạt động vui chơi hằng ngày của trẻ.
Việc học hỏi chấm dứt khi bạn bực mình là trẻ nói trái mận màu xanh, bạn la bé và cố ép bé nói lại là màu đỏ. Việc làm này là không đúng. Tốt hơn là cứ cho bé thấy sự tương phản.
Đối với trẻ lớn hơn 6 tuổi, trẻ sẽ biết giải thích vấn đề và có những suy nghĩ bình luận về vấn đề đó. Bạn hãy luôn hỏi trẻ tại sao con suy nghĩ vậy? Lắng nghe trẻ 1 cách say mê. Bạn sẽ ngạc nhiên, đôi lúc những suy nghĩ của trẻ giống như cái bạn từng suy nghĩ lúc nhỏ, nhưng lớn lên, quá nhiều áp lực, quá nhiểu tác động làm bạn không còn nhớ suy nghĩ đó nữa. Trí thông minh/sự thông thái của 1 đứa trẻ là thể hiện ở quan niệm riêng của trẻ. Khuyến khích bé làm điều bé thích nếu quan niệm đó là đúng đắn hoặc không gây hại. Giải thích và gợi ý giải pháp cho trẻ suy nghĩ nếu quan niệm đó chưa đúng.
Ví dụ:một đứa trẻ dở Tiếng Anh không có nghĩa là không cứu chữa được. Bạn có thể hỏi bé tại sao con không thích môn ngoại ngữ, nếu con có thể, thì con muốn làm gì để môn ngoại ngữ trở nên thú vị hơn? Hãy hỏi trẻ cách mà trẻ muốn học nó như thế nào? Đôi lúc bạn cũng cho trẻ 1 vài giải pháp cho trẻ lựa chọn. Ví dụ, con có thể mua 2 món đồ chơi con thích nếu tìm được 5 từ Tiếng Anh liên quan đến 2 món đồ chơi đó, nếu đọc đúng và cho đúng nghĩa của từ đó. Đôi lúc, dạy dỗ không chỉ rập khuôn mà là nên linh hoạt để trẻ học hỏi theo cách trẻ muốn.
Notes:
Davey, G.C.L (2012) Have You Taught Your Kids to Worry? psychologytoday
Nicol-Harper, R. et al. (2007) Interaction between mothers and infants: Impact of maternal anxiety. Infant behavior & Development , 30(1):161-7

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây