Đã bao nhiều lần bạn tét tay con thật đau, đã bao nhiêu lần bạn chỉ mặt và gằn giọng nói “mẹ đánh đòn nhen”. Nhiều cha mẹ chia sẻ đã áp dụng nhiều phương pháp từ răn đe đến dụ dỗ nhưng trẻ vẫn cứ làm sai, vẫn không chịu nghe lời. Thực ra với trẻ nhỏ vấn đề không thực sự nằm ở trẻ, mà đơn giản là tùy vào cách xử lý của chúng ta: cần phải phi bạo lực, nhưng đủ răn đe và nhất quán. Đó là cách mà não bộ trẻ sẽ ghi nhớ, học hỏi và giúp trẻ phát triển tự tin hơn.
CẦN LẬP LẠI CÙNG QUI TRÌNH KHI DẠY BÉ
Có những điều cha mẹ cần phải chấp nhận về trẻ con. Trẻ con là đối tượng dễ thay đổi và không chấp nhận giáo điều. Các bé chỉ chấp nhận sự lập lại. Điều này có nghĩa là mặc dù bé đang làm một hành động sai, bạn có dùng biện pháp răn đe, nhắc nhở, thậm chí đánh vào tay bé, nhưng bạn không khỏi ngạc nhiên rằng bé sẽ không thể nào nhớ được giáo điều đó của bạn đến khi bé qua 5 tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi, sự tập trung của các bé là rất ngắn chỉ khoảng 5-10 phút, bé không nhớ những gì bạn khuyên bảo trừ khi sự khuyên bảo ấy cứ kiên nhẫn lập lại.
LÀM SAO NÓI TRẺ HIỂU, NHỚ VÀ NGOAN?
Đơn giản, khi bé làm một hành động nào đó.
- Nếu hành động đó là sai, bạn chỉ dùng 1 cách răn dạy duy nhất và lập lại cách răn dạy này cho mọi lần bé lập lại. Đừng thay đổi. Ví dụ, khi bé ném món đồ nào đó không nên ném, bạn bế bé đến món đồ mà bé vừa ném, nói nghiêm với bé là không được làm vậy, đây là hành động sai, mẹ không thích và con hãy nhặt nó lên. Nếu bé không chịu nhặt thì bạn nhặt lên đưa bé cầm, khuyến khích bé đưa lại mẹ. Khi bé đưa lại mẹ thì mẹ khen bé “con của mẹ rất ngoan, biết đưa đồ cho mẹ, vỗ tay ra tiếng cho bé nghe hoặc hứa với bé chiều dẫn bé ra ngoài chơi – và nhớ giữ lời hứa nếu đã hứa”. Sau này, bé có lập lại hành động ném đồ đó, bạn đừng ngạc nhiên là “tại sao mẹ bảo con hôm trước nay lại làm nữa”, vì đó là trẻ con. Lần này, bạn chỉ đơn giản lập lại đúng quy trình như lần trước. Đừng thay đổi quy trình. Ví dụ lần đầu là nói nghiêm với bé, nhưng lần 2 là quát bé, hoặc đánh bé, hoặc bỏ qua. Như đã nói ở trên, trẻ con cần sự lập lại kiên nhẫn một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó của bố mẹ. Bạn cứ làm đúng 1 quy trình răn dạy, kiên nhẫn lập lại. Sau một thời gian bạn sẽ bất ngờ nhận ra rằng: trẻ đã ngoan hơn và không còn hành động đó nữa, mà sẽ mang món đồ đó đưa cho mẹ khi thấy nó rớt xuống đất. Trẻ con cần được dạy lập đi lập lại như vậy!
- Nếu hành động đó là đúng, đáng khen, bạn nên khen bé. Khen bé trước một người khác, một đám đông là khuyên làm. Nhưng lời khen đưa ra là phải đáng khen. Không nên khen xáo rỗng. Khen đúng và trước đám đông sẽ giúp bé tự tin vào bản thân bé, và bé sẽ thể hiện sự mạnh dạn. Ví dụ, khi bé chịu đứng trước đám đông hát thì khi bé hát, hãy cổ vũ bé, hát theo bé nếu có thể. Hát xong bé có thể muốn hát một bài nữa thì cha mẹ nên cổ vũ bé hát thêm. Đừng bao giờ so sánh bé trước đám đông, hoặc phán xét khả năng của bé khi bé đã chấp nhận tham gia. Dù bé làm không tốt, nhưng bé đã mạnh dạn làm, đáng cổ vũ hơn là phán xét. Nhiều phán xét chỉ vô ý hoặc chỉ cho vui, nhưng đối với trẻ từ 3-12 tuổi là rào cản để trẻ tiếp tục làm điều đó trong tương lai. Trẻ sẽ thiếu tự tin để làm bất cứ việc gì.
Bottom line
- Đừng nghĩ hình phạt/sự răn đe của bạn là phải có hiệu quả ngay với trẻ. Trẻ con cần được lập lại 1 hình thức răn dạy để có thể hiểu và ngoan hơn.
- Nhiều cha mẹ cảm thấy hình phạt của mình có hiệu quả. VD con nó không dám làm gì khi nhìn thấy cây roi. Đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng, tâm lý trẻ con trước 5 tuổi rất yếu ớt, có một phần của sự thu mình, thiếu tự tin – một nhân tố cơ bản cho sự sinh tồn. Nếu trẻ phải đối mặt với nhiều stress, trẻ rất dễ thu mình lại, trở nên ít hoạt bát, ít nói, dễ sơ chấn tâm lý và tự kỉ.
- Khen trẻ là khuyến khích khi trẻ chịu làm một điều gì, hoặc làm điều gì đó tốt. Khen trước đám đông là được khuyên, nhưng phải khen đúng. Không nên phán xét bất kì điều gì trong lúc bé đang làm điều đó. Cổ vũ bé là điều khuyên làm. Hãy cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác, và đó là những cơ hội tốt bạn cổ vũ bé để bé tự tin vào bản thân hơn.