BẠN CÓ PHẢI ĐANG LÀM GIỚI HẠN TRẺ?

Trong nuôi dạy con cái, cha mẹ nào cũng mong muốn con được yêu thương, được phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, chính sự yêu thương, sự bao bọc quá mức của cha mẹ có thể đã vô tình giới hạn sự phát triển của con mình? Và bạn có đang mắc phải những sai lầm này?

Giới hạn trẻ trong sự hiểu biết hạn hẹp của bạn

Điều này làm tôi nhớ đến một câu nói rất hay của Rabindranath Tagore, nhà hiền triết người Ấn Độ với giải Nobel Văn Học năm 1913 ông nói: “Đừng giới hạn đứa trẻ trong hiểu biết của bản thân bạn, bởi trẻ được sinh ra vào thời gian khác bạn”
Là cha mẹ, chúng ta thường suy nghĩ trẻ còn nhỏ, chưa biết chuyện nên thường bỏ qua suy nghĩ và cách mà trẻ hiểu, nên trả lời qua loa hay chỉ cho trẻ thứ bạn cho là đúng. Thực ra, nhóm nghiên cứu của TS. Nardini, ĐH UCL, London, Anh Quốc đã chứng bằng thực nghiệm và cho thấy trẻ con trước 12 tuổi có cách nhìn, đánh giá khác biệt lớn so người lớn chúng ta. Do đó, đôi khi việc chúng ta áp đặt cách mà chúng ta cho là tốt nhất cho trẻ, nhưng đôi lúc đó không phải là luôn đúng nhất với trẻ.
Để thực sự yêu thương trẻ, bạn cần học cách hiểu trẻ. Có một cách rất cơ bản và hiệu quả để hiểu trẻ là thật sự lắng nghe trẻ và học cách trò chuyện.
+ Khi lắng nghe, bạn cần hạ thấp người để trẻ có thể nhìn vào mắt bạn và dành thời gian để tâm đến điều trẻ đang nói. Hơn nữa, khi lắng nghe trẻ, bạn nên học cách kiềm chế cảm xúc và không để đan xen với cảm xúc giận dữ. Cảm xúc giận dữ là tảng đá lớn và rất lớn giữa bạn và trẻ. Dù trẻ có hét thật lớn ở phía bên kia của tảng đá, bạn cũng không thể nghe rõ. Khi giận dữ, tốt nhất là không nghe và không nói, cho đến khi bạn bình tĩnh hơn.
+Trò chuyện để hiểu cách trẻ hiểu.
Không chỉ nghe xong rồi để đó. Nó không hiệu quả cho giáo dục. Nghe thì phải đáp lại, trẻ cũng cần đáp lại hoặc hỏi thêm. Thay vì “ừ” liên tục cho qua hàng trăm câu hỏi, bạn chỉ cần trả lời 1 câu hỏi -mà nơi đó bạn dành tình yêu và thời gian cho trẻ là quá đủ để trẻ thông thái hơn.
Đôi lúc, bạn cũng cần phải tranh luận với trẻ. Tranh luận không phải là cách chúng ta dùng sự la hét, ép buộc trẻ phải đồng ý với ý kiến của bạn. Tranh luận là giúp trẻ có ý kiến phản biện. Tranh luận rất dễ làm bạn có suy nghĩ tiêu cực, do đó, nên chú ý bình tĩnh và lắng nghe con bằng trái tim.
Trẻ nhỏ có thể cho rằng: chiếc lá màu đỏ (khái niệm nghe có vẻ sai sai, nhưng thực tế vẫn có những chiếc lá màu này biết đâu bé đã nhìn thấy). Do đó, tranh luận là cách giúp trẻ nhận ra sự kết nối các sự thật để đưa vào nhận định riêng của trẻ. Một nhận định hay ý kiến, điều này có thể đúng hay sai, nhưng nhận định này sẽ có giá trị sử dụng nếu nó là sự kết nối các sự thật hay bằng chứng. Đó là nguyên lý cơ bản của tư duy.

Giành hết phần bất lợi cho bản thân mình.

Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái. Nhưng, cách yêu thương kiểu chiều chuộng, cái gì cũng ba mẹ làm hết hay đòi gì được nấy không phải là cách đúng đắn trong nuôi dạy trẻ. Thực ra, nó chỉ là cách làm trẻ mất đi khả năng đáp ứng linh hoạt với môi trường cũng như làm hư đi những nổ lực hay cố gắng mà trẻ vốn cần phát triển để thành công và hạnh phúc. Nói đúng hơn, yêu thương kiểu chiều chuộng chỉ là cách cha mẹ đẩy trẻ vào tình thế bất lợi khi trẻ lớn vì đứa trẻ lúc này không có tí nào kỹ năng để tự sống cho bản thân. Robert A Heinlein, nhà văn nổi tiếng người Mỹ từng nói: Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng.
Khi nghe cụm từ “chiều chuộng” chắc hẳn ai cũng thốt lên rằng: tôi đâu có chiều con. Nhưng, sự chiều chuộng ở đây đôi lúc không nằm ở thứ dễ nhận ra như làm thay, cho con cái con muốn, chiều hết mực… mà đôi lúc nằm ở những thứ bạn không hề hay biết, như:
+ Không hoặc chưa bao giờ cho con biết là con đang làm sai hay chưa làm đúng. Chúng ta thường tán dương sự làm đúng hay làm tốt, nhưng thường lấp liếm hay bỏ qua khi con làm chưa tốt. Đó cũng là 1 sự chiều chuộng. Bạn đang chiều chuộng để cho con thấy chỉ 1 mặt của kết quả, mà chưa bao giờ cho con nhận ra: cảm giác của sự thất bại, hay thua cuộc như thế nào. Không xấu khi bạn là người thua cuộc, nhưng sẽ tồi tệ khi bạn không nhận ra tôi không luôn là người chiến thắng và khi bạn thua cuộc bạn sẽ cảm thấy nó là thứ không thể chấp nhận được.
+Luôn giành quyền lợi cho con trong bất kì tình huống nào, kể cả con làm sai. Khi giải quyết xung động, công bằng là cái đầu tiên cần được cho trẻ hiểu vì đó là thứ giúp trẻ sẽ thành công trong tương lai. Không ai ngu ngốc mà không hiểu rằng bạn đang lợi dụng họ. Mọi sự xây dựng trên nền tảng không công bằng sẽ sụp đỗ ngay khi nó vừa hình thành. Khi con chơi hay làm bài, thì con phải nhận ra luôn cần có sự công bằng.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây