BÀI HỌC GIÁ TRỊ TÔI HỌC ĐƯỢC TỪ BÁC UNAR

Hôm nay tôi đi hớt tóc và được trò chuyện với bác Unar. Bác hớt tóc trong 1 tiệm nhỏ trên 1 con đường ít xe qua lại, gần phố cổ Edinburgh, Anh Quốc. Chúng tôi trò chuyện khá lâu và những điều bác chia sẽ thật sự ý nghĩa với tôi.
Và đây là 4 điều mà tôi đã được học từ bác ngày hôm nay:

Điều thứ 1: “đừng để quá trễ để cho trẻ giá trị gia đình”.

Chúng ta đều chạy theo 1 lý tưởng kiếm thật nhiều tiền để cho con sống thoải mái, để cho con vào trường tốt, để cho con học ngoại ngữ cho bằng bạn bằng bè… Đến khi bạn có đủ những điều này thì đã quá trễ vì mối bận tâm của trẻ lúc này không còn là bạn nữa. Thực ra, điều đứa trẻ cần lúc nhỏ là hiểu điều gì thế giới đang diễn ra nơi đó có bạn và trẻ. Nó rất đơn giản! Bạn cho trẻ thấy gia đình là như thế nào? Cha mẹ yêu thương nhau, ăn tối cùng nhau, đọc sách cùng nhau, đi dạo cùng nhau, bày trò chơi cùng nhau… Nó là chuỗi các sự kiện mà đang xảy ra mỗi ngày và nơi đó có trẻ và bạn. Điều này là quan trọng hơn tất cả vì đó là mối quan tâm của trẻ lúc này, không phải tiền, không phải đồ chơi, không phải những chuyến du lịch xa mà cha mẹ ai cũng bận với điện thoại, mà điều trẻ cần là thời gian thực của cha mẹ và trẻ.

Điều thứ 2: “đừng chỉ dạy trẻ tiêu tiền của bạn”.

Thực trạng rằng trẻ con ngày nay chỉ được dạy cách tiêu tiền của cha mẹ. Khi trẻ tiêu tiền của bạn, trẻ không cảm thấy rằng đó là của trẻ, cũng không cần có trách nhiệm với nó. Khi trẻ đòi hỏi mà không được đáp ứng, thay vì trẻ thông cảm và biết ơn, thì trẻ thể hiện sự trách cứ. Ngược lại, khi bạn dạy trẻ về tiền, cách sử dụng tiền đúng, dạy trẻ sử dụng tiền tiết kiệm, biết sử dụng tiền cho các việc cá nhân và học tập của trẻ, thậm chí tạo cơ hội để trẻ kiếm tiền từ việc dạy cách đầu tư. Thì khi đó trẻ mới trở nên có ý thức và trách nhiệm về số tiền trẻ sử dụng.

Điều thứ 3: Đừng để “thế giới bên ngoài” thay thế giá trị gia đình!

Thế giới bên ngoài đáng sợ nhất lúc này không gì khác là thế giới internet trên các mạng xã hội như Tik Tok. Trong độ tuổi nhỏ trẻ thường tìm kiếm 1 model tốt để học hỏi và trưởng thành. Tưởng tượng rằng mỗi ngày trẻ con học từ các model “ảo” truyền tải các nội dung và suy nghĩ vượt xa mức mà bạn có thể bảo vệ con bạn. Thay vì đó là khoảng thời gian mà não bộ của trẻ dùng để học cách cư xử, nói chuyện với thế giới thực thông qua những giá trị gia đình, những model thật. Thế giới ảo là ảo, nhưng sẽ thay thế “bạn” thật trong thế giới thật.

Điều thứ 4: “đừng dạy trẻ chạy theo số đông”

Có những thứ vô tình chúng ta dạy trẻ phải biết chấp nhận vì ai cũng nghĩ vậy, ai cũng làm vậy. Rất thường thấy các câu nói dạy con kiểu như “sao không tô màu đen hay màu vàng cho bộ lông con chó, mà con lại tô màu tím, có ai tô vậy đâu!” Điều đó là hoàn toàn không nên! Trẻ cần được dạy cách suy nghĩ và đưa ra quan điểm của bản thân. Nếu bạn nghĩ trẻ chưa đúng thì cùng trẻ tìm hiểu để trẻ nhận ra sự thật, hơn là cách nói dạng áp đặt như ai cũng làm vậy, có ai vẽ khác thường như vậy chứ. Tại sao điều này là quan trọng? Bởi vì khi trẻ tiếp cận 1 vấn đề lúc nhỏ, trẻ luôn tò mò và sáng tạo hơn người lớn rất nhiều. Tuy nhiên, cách chúng ta bắt trẻ phải rập khuôn, không cho suy nghĩ và đưa ý kiến cá nhân khi nhỏ là cách bạn bóp chết sự tự tin trong trẻ và lớn lên sẽ là 1 lớp người chỉ biết chạy theo số đông, 1 lớp trẻ không có sáng tạo ra đời.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây