TRẺ BÁM MẸ LÀ HÀNH VI RẤT BÌNH THƯỜNG
Sáng nay tôi nhận được một câu hỏi từ một người mẹ là: “bé thường rất bám em, hở 1 tí bé khóc đòi em bế, đòi em chơi, đọc sách cho bé… dù em nói là mẹ bận và nhờ bố đọc giúp nhưng bé không chịu. Em cũng cố gắng dành phần lớn thời gian bên bé, nhưng em đôi lúc phải làm việc ban đêm nên gặp 1 số khó khăn ạ. Hơn nữa, em cũng muốn bé độc lập hơn, không lúc nào cũng đòi mẹ. Vậy em nên làm sao?”
Đây là câu hỏi có lẽ nhiều cha mẹ cũng trải qua. Đôi lúc cũng cảm thấy mâu thuẫn giữa việc dành thời gian nhiều nhất có thể để bên bé nhưng cũng muốn bé tự chơi, tự lập với bản thân. Hơn nữa, 1 điều chúng ta không thể tránh khỏi là đôi lúc bản thân không sắp xếp được thời gian do công việc, do đó, đôi lúc sẽ cáu giận vô cớ với trẻ khi trẻ đòi hỏi quá nhiều. Điều này đôi lúc làm người mẹ cảm thấy khó khăn và bất lực. Và bây giờ, tôi sẽ kể bạn nghe 2 điều trong bài viết, có lẽ nó sẽ giúp bạn hiểu hơn về sự bám mẹ của trẻ và làm như thế nào cho đúng ở tình huống này.
Trong các bài viết trước đây, tôi thường nói về hành vi bám mẹ ở trẻ vì đó là 1 hành vi thông thường khi trẻ bắt đầu hiểu ra “sự kết dính” giữa người với người. Tôi lấy 1 ví dụ để bạn hiểu khi trẻ hiểu ra được điều này thì nó thú vị như thế nào với trẻ.
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao trẻ hay ngậm ngón tay từ khoảng 3-4 tháng tuổi hoặc sớm hơn, thậm chí là ngón chân, bàn chân. Đó không phải tật xấu gì! Đó chỉ là cách mà não bộ trẻ hiểu ra rằng: ồ, cảm giác này thật dễ chịu và thoải mái. Cách mà trẻ học về khái niệm kiểm soát cảm xúc bản thân đầu tiên và rất trực quan đúng không. Người lớn chúng ta cũng vậy lúc bối rối thì cắn bút, cắn móng tay là vậy. Khi xuất hiện trên thế giới này, trẻ con hiểu về thế giới là con số 0, mọi thứ đều mới, đều lạ, nhưng cũng có cái làm trẻ sợ, chán, mệt mỏi. Việc học cách điều hòa và quản lý cảm xúc là cách mà trẻ chọn để phát triển. Và kết dính là 1 phát triển của quá trình này và nó là tiền đề cho phát triển xã hội lớn hơn, gọi là kết bạn. Vì thế giới là xã hội, không ai sống 1 mình mà không có kết nối. Đó là bài học đầu tiên mà tạo hóa dạy trẻ. Đầu tiên, trẻ sẽ kết dính với đồ vật hoặc người trẻ yêu thương nhất trước. Bạn có thể thấy trẻ đi đâu cũng mang theo cái gối cũ vì trẻ bắt đầu kết dính với cái gối đó như 1 “người bạn”. Và bạn, người trẻ chọn bám dính, là 1 “người bạn” trẻ đặt tình yêu thương nhất vào.
BÁM MẸ CÓ LÀM TRẺ LỆ THUỘC, KHÔNG ĐỘC LẬP
Bám mẹ bản chất là 1 hành vi phát triển bình thường của 1 đứa trẻ. Thực ra trẻ chỉ bám mẹ 1 thời gian thôi. Nghiên cứu cho thấy trẻ bám mẹ nhiều nhất là 2-3 tuổi, sau độ tuổi này trẻ giảm dần và không cần đợi quá lâu bạn sẽ thấy trẻ không còn bám mẹ nữa. Đến lúc đó, bạn lại thắc mắc lo lắng: sao con không còn chơi với em nữa? Thời gian mà con thực sự muốn mẹ bên mình không quá nhiều, đừng để lãng phí nó khi bạn có thể.
Tôi cũng muốn làm rõ 1 điều: bám mẹ và mẹ đáp ứng yêu thương không làm trẻ lệ thuộc. Tuy nhiên, việc mẹ tự chiếm thời gian độc lập của trẻ mới thực sự là điều làm trẻ lệ thuộc. Như thế nào là mẹ tự chiếm thời gian độc lập của trẻ? Tôi sẽ cho 1 ví dụ về đòi ẵm ở 2 tình huống khác nhau.
- Trẻ thấy mẹ đi làm về, mếu máo khóc đòi mẹ bế
Hành vi này của trẻ là đúng vì xa mẹ làm trẻ phải chịu đựng cảm giác 1 mình khá lâu. Nó là 1 đòi hỏi chính đáng. Lúc này, bạn nên dành thời gian với bé. Nó không hề dạy hư gì trẻ đâu.
2. Trẻ đang đi vui vẻ, thấy vũng nước mưa, sợ dơ giày, bạn ẵm bé qua. Trẻ được ẵm thích cảm giác đó vì mới lạ, thì lần sau trẻ lúc nào cũng đòi ẵm dù chưa hẳn là cần thiết.
Hành vi này của trẻ là học được cảm giác được chiều chuộng và mong muốn cảm giác này. Thực ra việc cha mẹ ẵm trẻ qua 1 vũng nước không có gì sai. Chỉ là chúng ta đang tạo 1 tình huống đặc biệt mà không thực sự nói trẻ hiểu tại sao nó xảy ra. Lúc này, thay vì bạn bế trẻ qua vũng nước thì bạn có thể dạy trẻ theo cách khác, nó sẽ tốt hơn. Như, nói trẻ hiểu về tình huống đặc biệt và bạn cho trẻ 1 sự giúp đỡ. VD, Bin, đường này lầy lội quá, mẹ bế con qua nhé hay con muốn tự đi. Nếu trẻ chọn tự đi, với các bé nhỏ, đôi lúc cho trẻ 1 trải nghiệm cũng là 1 việc tốt. Nếu bạn cảm thấy nó đủ an toàn, thì hãy cho bé bước đi trên đôi chân của mình. Nếu bạn cảm thấy nó không đủ an toàn, thì hãy cho trẻ 1 lời cảnh báo như “Bin, mẹ thấy nước khá sâu, thôi mẹ cõng con qua nhé!”.
Cha mẹ đôi lúc thương trẻ hoặc sợ trẻ làm sai, sợ trẻ khóc, sợ trẻ mệt mà tác động vào cách mà đứa trẻ đáng lẽ cần được phát triển tự lập, thì điều này mới làm trẻ mất đi tự tin làm chủ bản thân. Nó mới làm trẻ kém độc lập.
KỶ LUẬT HIỆN DIỆN LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Nó cần được dạy trẻ không phải là để răn đe sự bám mẹ ở trẻ. Như tôi đã nói, bám mẹ không có gì xấu để răn đe. Tuy nhiên, kỷ luật hiện diện là cách bạn dạy trẻ về thời gian riêng và thời gian chung. Đứa trẻ cần hiểu khi nào là thời gian riêng của mẹ, thời gian chung của mẹ và bé. Đây cũng là 1 kỹ thuật tốt dành cho những người mẹ bận rộn, nhưng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu bám mẹ của trẻ. Kỹ luật này khá đơn giản, có thể làm với trẻ nhỏ từ 10 tháng tuổi.
Trẻ nhỏ hơn 2 tuổi
Thiết lập các hoạt động hằng ngày như đi tắm, đi ngủ với sự tham gia của 1 người khác thay vì chỉ 1 mình bạn. VD, bố của bé sẽ tham gia vào xen kẽ hoạt động với bạn. Khi bố tham gia với bạn, thì bạn nên rút ra ngay, làm công việc bạn làm. Khi trẻ đến bên bạn, thì bạn đơn giản nói “bố sẽ giúp con nhé, mẹ đang bận!”, bạn không cần giải thích gì thêm, cũng không cần la mắng trẻ, đơn giản làm việc cần làm. Trẻ có thể phản kháng, khóc đòi, nhưng sẽ sớm nhận ra thời gian có thể được chia sẻ. Kỹ luật hiện diện đã thiết lập thành công.
Trẻ từ 2 tuổi
Bạn nên nói không khi bạn chưa có thời gian bên trẻ. VD, trẻ muốn bạn ẵm khi bạn nấu ăn. Bạn nói với trẻ “Bin, chưa được, mẹ đang nấu canh. Khi nào xong mẹ sẽ ẵm con”. Khi xong, nhớ lời đã hứa với trẻ. Sự kiên quyết khi nói không, và giữ lời hứa là chìa khóa để trẻ hiểu về thời gian riêng và chung. Trẻ từ 3 tuổi, bạn có thể thiết lập luật chơi, luật nói như dán sticker vùng mà trẻ không làm phiền khi có tín hiệu (VD, đèn làm việc của mẹ mở), dán sticker bàn ăn để trẻ hiểu dưới 2 câu hỏi khi ăn dành cho trẻ luôn hỏi quá nhiều khi ăn mà không tập trung ăn…
Hiểu về giới hạn đơn giản cho trẻ biết về 1 luật giới hạn nào đó do bạn quy định. VD, luật chơi 1 mình, luật chơi cùng mẹ, thời gian mẹ vắng mặt. Để làm dễ cho trẻ hiểu, bạn nên bắt đầu cho trẻ hiểu cảm giác “vắng mặt mẹ”. Tận dụng những lúc bên trẻ để trẻ hiểu sự vắng mặt của mẹ đôi lúc là cần thiết và dĩ nhiên mẹ sẽ lại xuất hiện trở lại. Điều này sẽ giúp trẻ học cách nhận thức rằng sự biến mất của mẹ là tạm thời. VD, một số trò chơi như trốn tìm là cách để trẻ hiểu. Hoặc nói với trẻ rằng mẹ cần đi vệ sinh, con đứng chờ mẹ ở cửa toilet nhé. Thực ra, trẻ sẽ học được điều này, chỉ là bạn cứ tạo cơ hội để trẻ hiểu và khi trẻ hiểu thì cách đáp ứng hành vi của trẻ sẽ tốt hơn. Sau đó, bắt đầu giới thiệu các luật giới hạn, nói rõ điều gì bao gồm trong đó cho trẻ hiểu. VD, luật chơi 1 mình khi nào xảy ra? liệt kê càng chi tiết càng tốt (VD, khi mẹ làm việc, khi mẹ nấu ăn…), điều gì được phép, điều gì không, hậu quả khi vi phạm… Trẻ sẽ hiểu và làm tốt khi được cho giới hạn và hiểu nó.
Nhờ bác cho lời khuyên, nên nói với bé những gì, tập bé như thế nào trước khi bé đi mầm non ạ. Vợ chồng em dự định cho con đi học tháng sau nhưng sao em thấy lo quá.
Chào bạn, tuần đầu tiên đi mẫu giáo có lẽ gây ra cho bé rất nhiều áp lực vì bé phải làm quen với nhiều cái mới và nhiều người lạ. Cha mẹ có thể giảm áp lực cho bé bằng các cách sau:
*Hãy giành 2 tuần trước ngày đi nhà trẻ để nói về các hoạt động trong lớp mẫu giáo sẽ có. VD như có cô giáo, có bạn học, có đồ chơi, con phải xin phép đi vệ sinh khi con mắc tiểu. Nếu được, bạn hãy dẫn bé đến lớp mẫu giáo mà bạn định cho bé học để xem và chơi cùng khoảng 10-15 phút để các bé quen dần không khí trước ngày đi mẫu giáo chính thức.
*Luôn hỏi bé về việc liêu con có chia sẻ đồ chơi với mẹ không khi chơi cùng bé ở nhà.
*Buổi sáng ngày đến trường thì khuyến khích bé tự mặc đồ, tự lấy balo, tự đánh răng và lấy món đồ chơi mà bé yêu thích muốn mang theo. Bạn đừng làm giúp bé.
*Đừng đến trường quá sớm, đợi có cô giáo và các bạn khác đã đến, nói với bé là bạn sẽ đến đón bé và tạm biệt bé nhẹ nhàng và bước đi nhanh, đừng nhìn lại. Bé sẽ sớm hòa nhập vào lớp. Theo những nghiên cứu, Gs. Anna nói: nếu bạn nhìn lại làm bé khó hòa nhập với lớp hơn, bé sẽ ngồi 1 góc chỉ ôm đồ chơi và chờ bạn đến đón. Chúc bé vui khoẻ
Chào bác, nhờ bác cho em lời khuyên, bé gái gần 8 tháng, dạo này bé rất hay ngang khóc, đòi gì k cho hay lấy k được là khóc dữ dội, đập ngửa đầu ra phía sau liên tục, mọi người nói nên làm lơ bé, để bé khóc rồi tự nín, nhưng e sợ bé cứ đập đầu vô tội vạ khắp nơi sợ ảnh hưởng tới đầu. Mà cứ vậy sợ bé lại ỷ lại.
Chào bạn, độ tuổi của trẻ quá nhỏ để hiểu 1 hành vi nào đó là đúng sai. Chỉ đơn giản là trẻ cảm thấy cái gì đó vui, thú vị và đòi hỏi. Việc khuyên nhủ hay bỏ mặt, thậm chí khẽ tay không phải là cách hiệu quả để giúp trẻ thay đổi hành vi vì trẻ không hiểu về hành vi trẻ đang có. Cách đơn giản và hữu hiệu được khuyên là chuyển hướng chú ý của trẻ vì thời gian chú ý của trẻ ở độ tuổi này khá ngắn. Khi trẻ đòi điều gì mà bạn không muốn cho, bạn có thể chuyển hướng chú ý của trẻ đến 1 cái khác hoặc 1 hoạt động khác thú vị hơn. Kỹ thuật này không làm trẻ hư như một số bạn nghĩ, nó là 1 kỹ thuật được khuyên để giúp trẻ hiểu về sự đòi hỏi và ngắn hạn. Đứa trẻ hiểu tốt về điều này thì có hành vi tốt hơn. Chúc bé vui khỏe.
thưa bác, em có thể xin ý kiến của bác về việc khi nào nên cho bé đi lớp k ạ ?
Chào bạn, thời gian đi mẫu giáo được khuyên ở nhiều quốc gia là 3 tuổi vì đó là độ tuổi trẻ bắt đầu hiểu về giao tiếp xã hội. Điều này có nghĩa là trẻ bắt đầu hiểu về sự hiện diện của người khác ngoài cha mẹ như bạn của trẻ, cô, thầy giáo của trẻ. Trẻ bắt đầu học các kỹ năng giao tiếp trong mối quan hệ mới dễ dàng hơn. Nếu bạn muốn cho trẻ đi lớp sớm thì không nên sớm trước 18 tháng tuổi vì trước thời điểm này trẻ có nỗi lo chia cắt là rất lớn và sự kết dính với cha mẹ là lớn nhất, trẻ sẽ khó khăn để hòa nhập vào môi trường mới hơn. Chúc bé vui khỏe.
Chào bác , nhờ bác cho lời khuyên với ạ, khu e sống thì có nhiều chó thả rông trên đường, bé nhỏ trước kia thấy chó thì bình thường nhưng 1 lần ba dắt đi chòi chân bằng xe đạp thì bạn ý bị con chó sủa làm giật mình và sợ khóc, từ hôm đó trở đi khi thấy con chó nào ở xa là bạn thấy sợ k dám đi tiếp , đôi lúc sẽ khóc rồi bỏ xe đạp lại nên k biết làm sao để bạn đỡ sợ, vì khu nhà e sống chó thả rông ngoài đường rất nhiều , bạn đi chơi vào chiều tối thì k tránh khỏi , không biết có ảnh hưởng tâm lí đến bạn nhỏ k ạ, mong bác cho lời khuyên , e cảm ơn ạên cho bé đi lớp k ạ ?
Chào bạn, trẻ nhỏ thường phát triển các nỗi sợ khác nhau. Như bạn cũng đã nói về nguyên nhân nỗi sợ trẻ hình thành. Có thể hiểu trẻ có trải nghiệm không an toàn trước đó và việc sợ chó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nó là tạm thời, không ảnh hưởng đến tâm lí của trẻ. Bạn không cần quá ép trẻ phải hết sợ ngay vì trẻ cần thời gian để củng cố sự bảo đảm trước khi vượt qua nỗi sợ trẻ có. Để làm điều này, bạn có thể giúp trẻ vượt qua nỗi sợ đó bằng cách đi cùng trẻ qua con chó khi có thể và dạy trẻ cách đi qua an toàn. Cảm giác đi qua an toàn sẽ giúp trẻ củng cố niềm tin là nó vô hại, thậm chí con chó có sủa. Nếu trẻ không đồng ý thì cũng không cần ép bởi vì khi trẻ không thiết lập được thoải mái thì dù có đi qua trẻ cũng không thể vượt qua nỗi sợ. Bạn có thể thiết lập sự thoải mái và an toàn bằng các cách khác như quan sát các chú chó chơi đùa dễ thương (chỉ ngồi quan sát và nói chuyện với trẻ), hoặc tạo cơ hội cho trẻ vuốt ve 1 con chó nào đó (dĩ nhiên con chó đó bạn phải biết rõ nó an toàn và không gây hại đến trẻ). Đừng quá lo lắng, nỗi sợ của trẻ nhỏ sẽ dần biến mất khi trẻ cảm thấy bản thân được thoải mái và kiểm soát tình huống tốt hơn. Chúc bé vui khỏe