9 BÀI HỌC QUAN TRỌNG DÀNH CHO CHA MẸ

9 BÀI HỌC QUAN TRỌNG DÀNH CHO CHA MẸ
9 BÀI HỌC QUAN TRỌNG DÀNH CHO CHA MẸ

Có 1 sai lầm mà chúng ta thường mắc phải khi làm cha mẹ là luôn xem mình là có quyền nói, bảo trẻ phải nghe, thay vì chính xác nên là vai trò của người quan sát và hướng dẫn.

LÀM SAO ĐỂ NÓI TRẺ HIỂU, BẢO TRẺ LÀM?

Để nói trẻ hiểu, bảo trẻ làm, điều quan trọng là chúng ta học cách hiểu điều trẻ hiểu và dạy trẻ những điều trẻ cần cho thế giới này. Đó mới thực sự là vai trò của người quan sát và hướng dẫn.

  1. Dạy trẻ hiểu rõ ràng 2 vế của quyền yêu cầu. Chúng ta thường mắc sai lầm đó là làm trẻ hiểu quyền yêu cầu chỉ có 1 vế. Như, trẻ khóc đòi thì cha mẹ thường đáp ứng ngay bằng cách dụ ngọt cái này cái kia. Đó là quyền yêu cầu chỉ từ trẻ. Nếu cha mẹ la mắng để trẻ im lặng, thì đó là quyền yêu cầu chỉ từ cha mẹ. Chúng ta phải cho trẻ hiểu rằng: Chúng ta đều có quyền yêu cầu những gì mình muốn, tuy nhiên trẻ cần hiểu rằng người khác cũng có quyền đồng ý hoặc không đồng ý với mong muốn của chúng ta.
  2. Dạy trẻ hiểu về giá trị của yêu thương: Chúng ta thường cảm thấy vui khi tặng hoặc mua cho trẻ 1 món đồ chơi mới. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh: Việc dành thời gian chơi với trẻ , với món đồ chơi hoặc trò chơi trẻ thích sẽ giúp trẻ hiểu sâu sắc hơn về giá trị của yêu thương hơn là việc tặng hay cho quà trẻ.
  3. Dạy trẻ hiểu về quyền được phạm sai lầm. Đừng cho trẻ thấy 1 thế giới chỉ có tán dương cũng như đừng sợ trẻ buồn, chán mà chọn làm thay trẻ, chỉ cho trẻ phần dễ. Điều quan trọng hơn là cho trẻ biết chúng ta ai cũng có thể phạm sai lầm. Mẹ có thể phạm sai lầm, bố có thể phạm sai lầm và con cũng sẽ phạm sai lầm. Hãy giúp trẻ hiểu rằng điều này là hoàn toàn bình thường. Cho trẻ biết về chiến lược vượt lên sai lầm. Đó là trung thực thừa nhận, đưa ra đánh giá và tìm giải pháp.
  4. Dạy trẻ hiểu quyền được thành công: Có thể bạn lo lắng vì con mình chưa chạy nhanh, nhảy giỏi hoặc đọc tốt, trong khi anh chị em hoặc hàng xóm của trẻ đã đạt được điều đó. Đừng bỏ qua hoặc xấu hổ vì những phẩm chất hay thành tích của con. Tất cả chúng ta đều có quyền được thành công. Những đứa trẻ khác cũng có điểm mạnh riêng. Nếu bạn không công nhận những thành tích của con mình, làm sao trẻ có thể tự nhận thức được chúng?
  5. Cho trẻ biết bạn cũng hiểu và cho phép trẻ được nghỉ ngơi và ở một mình: Cũng giống như bạn đôi khi cần một khoảng không gian ở một mình, một đứa trẻ cũng có thể cần không gian yên tĩnh hoặc thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt là khi chúng đã hoạt động quá nhiều và mệt mỏi. Trẻ sẽ coi việc này là bình thường, giống như uống nước khi khát. Hãy cho trẻ không gian và để trẻ được yên tĩnh. Sau một thời gian ngắn, có thể trẻ sẽ lại muốn tham gia cùng cha mẹ và bạn bè. Song song đó, hãy cho trẻ hiểu rằng cha mẹ luôn là nơi bình yên để trẻ đi về. Bài học này sẽ ảnh hưởng đến khi trẻ lớn. Dù sau này đứa trẻ đó là ai sẽ luôn tìm và cảm thấy cha mẹ mình là nơi bình an nhất. Đó có phải là điều mà cha mẹ chúng ta muốn?
  6. Trẻ cần được dạy về quyền được tôn trọng, đối xử tốt và yêu thương. Đừng nghĩ vì trẻ còn nhỏ, mà chúng ta có quyền coi trẻ không biết gì mà không tôn trọng trẻ , đối xử tệ, la mắng hổ báo với trẻ và cũng đừng để bất kỳ ai khác làm vậy với con của bạn. Vì nếu bị vậy, bộ não của trẻ lúc nhỏ như “miếng bông thấm” sẽ học được rằng: chúng không xứng đáng nhận được sự tôn trọng. Trẻ sẽ lớn lên thiếu tự tin và khó phát huy được tiềm năng tối đa của trẻ.
  7. Trẻ cần được dạy về quyền có và bày tỏ cảm xúc, ý kiến riêng của mình. Bạn nên lắng nghe ý kiến của trẻ với sự chú ý và quan tâm chân thành. Bạn không cần phải luôn làm theo ý trẻ, nhưng điều quan trọng là bạn luôn dành sự tôn trọng và cân nhắc những ý kiến của trẻ giống như cách bạn muốn con mình cảm nhận về bản thân là 1 phần của gia đình. Điều này quan trọng cho cuộc sống sau này của trẻ. Đứa trẻ không bao giờ được cho phép hoặc được tôn trọng thì đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ nghĩ mình có giá trị. Đứa trẻ đó lớn lên cũng mãi trách móc liệu mình sống và mang giá trị gì cho cuộc sống. Nhưng, thực ra, trẻ có rất nhiều giá trị nhưng từ nhỏ đã bị phớt lờ, và không cho thể hiện.
  8. Cho trẻ biết trách nhiệm và phần công việc chung của gia đình. Chúng ta thường làm thay trẻ hoặc bảo trẻ phải làm này, làm kia mà không nói cho trẻ hiểu rằng: tại sao phải làm nó. Chỉ cần cho trẻ biết: chúng ta là 1 gia đình, cần san sẻ giúp đỡ nhau các công việc nhà và con cũng là 1 phần của gia đình này. Điều này truyền tín hiệu lên não của trẻ rằng: thật tự hào để giúp mẹ và gia đình mình.
  9. Đừng tiếc những lời nói như cảm ơn, xin lỗi, tự hào,… bởi vì chúng là “liều thuốc hạnh phúc” cho trẻ mỗi ngày như “cảm ơn con đã giúp mẹ mang giỏ sách nhé”, “mẹ cảm thấy tự hào khi con biết giữ im lặng trong thang máy”, “mẹ xin lỗi đã quát con như vậy”…

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây