4 DẤU HIỆU SỚM NHẬN BIẾT TRẺ CÓ ĐANG TIẾP XÚC VỚI MÀN HÌNH ĐIỆN TỬ QUÁ NHIỀU?

Trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều
Trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều
Gần đây, tổ chức toàn cầu lớn nhất về sức khỏe trẻ em UNICEF đã đưa ra 1 tuyên bố rằng: Để phát triển, trẻ con rất cần cha mẹ, không phải là chiếc điện thoại của họ. Lời tuyên bố này nhằm thức tỉnh những người cha mẹ về vai trò của chúng ta mới là quan trọng với sự phát triển của trẻ. Thực tế, việc chăm sóc con cái họ cũng đang dần thay thế bởi chiếc điện thoại/ipad hơn là cha mẹ của chúng, thậm chí bản thân những người cha mẹ này cũng đang dành quá nhiều thời gian trên điện thoại.
Sự cảnh báo này đến từ 1 nghiên cứu lớn trên 4000 đứa trẻ và khả năng học của não bộ của những đứa trẻ này của nhóm GS. Kuhl, ĐH Washington, Mỹ – nhà khoa học não bộ hàng đầu thế giới. bà đã nhấn mạnh:
“Việc học hỏi của não bộ của trẻ được tiếp xúc với màn hình là gần như Zero (0), so với não bộ của những đứa trẻ được giao tiếp, vui chơi cùng bố mẹ chúng là học rất nhiều.”
Đó sẽ là 1 sự đáng tiếc lớn vì 5 năm đầu đời của trẻ là thời điểm não bộ phát triển và học hỏi nhanh nhất. Quá nhiều thời gian với màn hình là trực tiếp làm sự học hỏi của não bộ của trẻ bị ảnh hưởng.

NHỮNG ẢNH HƯỞNG KHÁC KHI TRẺ TIẾP XÚC QUÁ NHIỀU VỚI MÀN HÌNH

Có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc quá nhiều với màn hình gây ảnh hưỡng đến trẻ như sau:
• Gia tăng vấn đề hành vi và tâm lý. VD, gia tăng bạo lực, cũng như các hành vi như la hét, đánh mắng người khác
• Phát triển các nỗi sợ. VD, trẻ xem các clip ma, dọa ma, phim ma có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm lý sợ hãi của trẻ vì trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không phân biệt được thật và không thật
• Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng phân tích và nhận thức của trẻ
• Ảnh hưởng giấc ngủ
• Sợ và giảm giao tiếp với người khác, đặc biệt là giao tiếp mắt.

DẤU HIỆU NÀO CHO THẤY TRẺ TIẾP XÚC QUÁ NHIỀU VỚI MÀN HÌNH?

Có 4 dấu hiệu sớm để nhận ra trẻ đang dành quá nhiều thời gian trên màn hình gồm:
1. Bắt đầu có 1 trong những dấu hiệu chống đối thái quá trong cuộc sống hàng ngày với mọi tình huống, không chỉ riêng tình huống với điện thoại như:
• Thường xuyên tức giận
• Tăng dần các cơn khóc đòi
• Thể hiện mất cảm xúc nhanh, mạnh khi ai đó nói không
• Có thái độ thách thức
• Hay cáu gắt kèm hoặc không kèm theo các tác động vật lý (VD, đập bàn, đá cửa)
2. Có những vấn đề về thiếu nhận thức và tập trung trong giao tiếp. VD, giao tiếp mắt kém hoặc trò chuyện thường hay loay hoay tìm hoặc vòi điện thoại của mẹ/bố. Khi có điện thoại, trẻ nhanh chóng kết thúc nói chuyện và tìm 1 chỗ để chơi 1 mình.
3. Trẻ có khuynh hướng đòi hỏi điện thoại/ipad hơn bất kì ai. VD. Chờ mẹ sơ hở là lén lấy điện thoại hoặc cứ bắt, năn nỉ mẹ quét mã để vào. Trẻ rất theo đuổi để có được điện thoại/ipad/TV để chơi, xem.
4. Trẻ phản ứng thái quá với việc cha mẹ nói không với màn hình. VD. Trẻ nhanh chóng khóc thét, càng dỗ càng la lớn, hoặc thể hiện cảm xúc tiêu cực, giơ tay đánh khi cha mẹ cố lấy điện thoại/ipad lại.
Nếu trẻ có 1 trong 4 dấu hiệu này, trẻ có thể đang trở nên “nghiện” vào màn hình. Bạn cần giúp trẻ “cai nghiện” sớm nhất có thể để giúp não bộ trẻ sớm được thoát ra và học hỏi phát triển.

CÁCH GIÚP TRẺ QUẢN LÝ MÀN HÌNH HIỆU QUẢ

Thời đại ngày nay chúng ta không thể cấm đoán hoàn toàn 1 đứa trẻ khỏi dùng màn hình. Các chuyên gia khuyên rằng: đừng cấm đoán mà hãy tạo 1 môi trường sử dụng màn hình khoa học và giúp trẻ phát triển. Đây là những điều được khuyên:
1. Giới hạn trẻ sử dụng màn hình trong lượng thời gian hướng dẫn
Trẻ dưới 18 tháng tuổi: không giới thiệu và không sử dụng
Trẻ 18 tháng tuổi – 5 tuổi: Dưới 60 phút/ngày
2. Quy định các khu vực trong nhà không có màn hình như phòng ăn, phòng ngủ, khu vực đọc sách, vui chơi cả nhà. Quy định này dán ở những nơi này để trẻ nhìn thấy và cả cha mẹ cũng phải tuân thủ quy tắc khi vào nơi này.
3. Không bao giờ vừa ăn vừa xem điện thoại/TV. Thiết lập quy tắc này sớm khi trẻ vừa sang tuổi ăn dặm (từ 6 tháng tuổi), và bản thân cha mẹ cũng tuân thủ nó.
4. Biết cái gì trẻ đang xem. Bạn cần quản lý nội dung trẻ xem. Khi cần, bạn cần phải khóa các trang web, tài khoản mà có nội dung không đúng, bạo lực hoặc không phù hợp
5. Nên cùng trẻ chơi/xem. Đây là lời khuyên từ các chuyên gia nhi ở BV Mayo, Mỹ. Họ nhấn mạnh: khi bạn xem/chơi cùng trẻ, bạn không chỉ quản lý được thời gian của trẻ trên màn hình mà còn tăng tương tác thực với trẻ thông qua trò chuyện về nhân vật, xem xét suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Nó mang lợi ích kép cho cả hai.

3 HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

  1. Chào cá bạn, các nhà khoa học tại ĐH Yale và ĐH Nam California, Mỹ đã cho chúng ta biết được 2 điều đặc biệt và quan trọng trong cách đầu tư của người giàu lên con cái họ không phải là vật chất mà là:
    • Thời gian của họ
    • Sự quan tâm của họ đến sự hạnh phúc của đứa trẻ thông qua môi trường sống, học tập.
    Còn bạn, bạn đang đầu tư cho con bạn điều gì? Thỉnh thoảng khi lướt internet chúng ta vẫn thường bắt gặp những câu như : “Không tiền thì phải kiếm, nhưng kiếm tiền thì lại không có thời gian cho con. Làm bố mẹ khó nhất là vừa phải kiếm tiền vừa dành được thời gian cho con”.
    Thực ra, dành thời gian cho con cái không phải là bạn phải dành 100% thời gian của bạn, mà là bạn luôn ưu tiên dành ra một khoảng thời gian chất lượng, nơi đó có sự quan tâm và tình yêu của bạn lên trẻ. Khoảng thời gian đó trẻ được cảm thấy thoải mái, và vui vẻ.
    Đây là 4 bước đơn giản để bạn luôn có 1 thời gian chất lượng mỗi tối bên trẻ
    1. Tạo không gian không công nghệ ít nhất 2 tiếng trước giờ ngủ, đó cũng là cách mở ra thời gian và không gian cho gia đình. VD. Quy định thời gian tắt TV sau khi hết phim hoạt hình chẳn hạn.
    2. Hoạt động tái năng lượng cho gia đình khoảng 15-20 phút sau giờ cơm tối 1-2 tiếng. Hoạt động nên bao gồm vai trò của trẻ và cả bố và mẹ. Nó có thể là những trò chơi nhẹ như đánh cờ, ghép ô chữ hoặc đơn giản là ngồi đố vui và kể chuyện hoạt động trên trường lớp của các con. Sau thời gian này là thời gian tự do của trẻ và cha mẹ. Trẻ có thể đi học, làm bài tập. Cha mẹ có thể làm công việc của bản thân.
    3. Đừng quên Hugging time. Nó thực ra là 1 hoạt động diễn ra trên giường với trẻ không nên thiếu bởi vì nó mang lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ và sự phát triển của trẻ, có thể chỉ có một người (bố hoặc mẹ) đều được. Hugging time chỉ cần 20 phút trước giờ đi ngủ và nó gồm đa dạng hoạt động như đọc sách, kể chuyện vui, ca hát…
    4. Và kết thúc thời gian hugging time bằng cách ôm hôn và chúc con ngủ ngon.
    Để kết, tôi muốn chia sẽ lại một câu nói tôi rất thích của Mẹ Teresa “Khi nào tình yêu được tính, nó không phải bao nhiêu lần bạn làm, mà là bao nhiêu tình yêu bạn đặt vào để làm nó!” Với trẻ, dành thời gian nuôi dạy trẻ không phải bao nhiêu lần bạn dành thời gian chơi với trẻ, hoặc bao lâu bạn bên trẻ mà là bao nhiêu tình yêu, sự sáng tạo và công sức bạn thực sự đem vào với trẻ khi đó. Nếu làm được như vậy, hạt giống sẽ nảy mầm!

  2. Chào các bạn, nếu trẻ đã có thói quen xem tivi hoặc chơi ipad khi ăn thì chúng ta nên làm gì?
    Thực ra việc xem TV/ipad khi ăn sẽ hình thành hành vi ăn vô thức ở trẻ nhỏ. Điều quan trọng trước 6 tuổi, không chỉ là dinh dưỡng-tăng trưởng, mà còn là hàng loạt các hành vi sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe ở những giai đoạn sau. Hành vi ăn uống lúc này như sự phát triển bộ rễ của cây, đoạn rễ càng chắc, càng dài ở giai đoạn này thì càng bé sẽ hình thành và có được thói quen ăn uống tốt và vững chắc cho giai đoạn sau. Ăn uống là trải nghiệm trẻ phải trải qua mỗi ngày nó cũng là nơi xuất phát nhiều kỹ năng như phát triển vị giác, nhận thức việc ăn lành mạnh, học nhai…Do đó, việc trẻ nghiện thiết bị màn hình khi ăn là có thể giúp trẻ thay đổi nếu chúng ta biết cách đáp ứng tốt và vững tâm cao để giúp con thay đổi.
    Những điều bạn cần làm để giúp trẻ thay đổi:
    *Giảm dần đến cắt hẳn các tác nhân gây mất tập trung trong lúc ăn của trẻ. TV hoặc điện thoại là các tác nhân khó giải quyết nhất. Tốt nhất tránh bật TV trước giờ ăn 1 giờ. Hẹn giờ TV tắt và nói với trẻ là hết chương trình rồi. Nếu trẻ lớn, có thể khuyến khích trẻ cùng mẹ nhặt rau hoặc xếp chén lên bàn. Tắt TV hoặc điện thoại trong lúc ăn là bước quan trọng đầu tiên, nhưng khó làm nhất vì bé sẽ khóc nhiều trong vài hôm, và đây cũng là bước quyết định sự thành công trong hành trình cải thiện thói quen ăn sai này.
    *Hãy cho trẻ ngồi trên ghế ăn của trẻ hoặc ngồi ăn cùng gia đình. Tại sao? Vì lúc này trẻ hiểu việc ăn là phải ngồi vào bàn. Bên cạnh đó trẻ có thể học cách ăn và thái độ khi ăn của những thành viên khác trong gia đình. Nếu trẻ chưa chịu ngồi trên ghế, mẹ có thể ngồi ghế bế bé vào lòng.
    *Hãy thay thế những hình ảnh vui tươi trên TV bằng những màu sắc và hình ảnh sáng tạo từ những món ăn mẹ dành cho bé . Hãy cho trẻ quyết định lượng ăn. Việc trẻ chịu ăn hoặc có hứng thú với thức ăn trở lại đã là thành công. Trẻ sẽ sớm quên sự có mặt của TV, mà thay vào đó là những phút giây vui vẻ của bữa ăn gia đình.
    * Mẹ cần kiên nhẫn duy trì, tập cho bé những thói quen ăn đúng dù giai đoạn đầu tiên thường gặp nhiều những phản ứng từ bé. Đặc biệt là việc chọn lựa đầy đủ và đa dạng những thực phẩm phù hợp từng độ tuổi cho bé

  3. Kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học Canada cho thấy tiếp xúc quá nhiều với màn hình thiết bị điện tử có nguy cơ gia tăng 5 lần các vấn đề hành vi ở trẻ nhỏ và gia tăng 7 lần các vấn đề liên quan đến rối loạn Tăng động giảm chú ý ở trẻ.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây