15 PHÚT THÊM VÀO ĐỂ HIỂU HƠN VỀ CON CÁI CHÚNG TA

NGUY CƠ CHẬM NÓI Ở TRẺ

Trẻ con đang ngày càng có nguy cơ chậm nói cao hơn

Tuần trước tôi gặp 1 case 1 bé 29 tháng tuổi. Bé phát triển mọi thứ khá tốt, đúng tiến độ, chỉ có điều là đang có thể bị chậm nói. Tôi đề xuất nên cho bé đến gặp 1 chuyên gia về trị liệu ngôn ngữ để đánh giá kỹ hơn. Lúc này người mẹ hỏi tôi rằng: Tại sao bé có nguy cơ bị chậm nói? Em có đọc nhiều thông tin về vấn đề này nhưng không nghĩ lại xảy ra với con mình. Em nên làm như thế nào?

Tôi đã gặp nhiều người mẹ đến từ những xuất phát điểm khác nhau nhưng với người mẹ này chị có 1 sức hút kì lạ. Chị quan tâm và biết rõ mọi vấn đề của con. Và chị yêu cầu phải hiểu tường tận 1 vấn đề trước khi áp dụng cho con của mình.
Để trả lời sự quan tâm của chị về chậm nói, tôi bắt đầu 1 số câu hỏi về lối sống của bé. Có lẽ lúc này, bạn sẽ cười rằng: đứa trẻ nhỏ mới 2.5 tuổi có gì đâu ngoài ăn ngủ mà nói chi đến lối sống? Tuy nhiên, bạn biết không! Nuôi con ngày nay không chỉ là cho ăn, lo cái ngủ, dạy dỗ là đủ. Bạn cần phải biết cách tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ. VD, trẻ có được giao tiếp, vui chơi? Trẻ có chơi điện thoại/ipad? Bao lâu trẻ chơi những thiết bị trên ngày?
Đến nay, chúng ta có đủ bằng chứng để nói rằng: Lối sống của 1 đứa trẻ lúc nhỏ sẽ quyết định nguy cơ bệnh trẻ có khi lớn dần? Điển hình như việc sử dụng các thiết bị điện tử sớm và nguy cơ chậm nói ở trẻ nhỏ.
Khi hỏi về thời gian sử dụng thiết bị màn hình điện tử, người mẹ đã nói rằng: Bé rất thích xem 1 số chương trình video trên Ipad. Thực ra bé chỉ xem khi mẹ làm việc hoặc khi bé cùng mẹ đi trên các phương tiện công cộng như bus, train để tránh bé làm ồn mọi người.
Có lẽ chúng ta ít nhiều cũng cảm thấy trẻ con ngày nay có nguy cơ chậm nói cao hơn!

Nguyên nhân nào có thể gây ra chậm nói ở trẻ?

Trở lại câu hỏi của người mẹ là “tại sao con chị có thể bị chậm nói?” Để trả lời câu hỏi của người mẹ, tôi dẫn chứng 1 nghiên cứu thú vị tôi đọc cho chị xem:
“Tôi không rõ, có lẽ bạn cần chờ kết quả bên chuyên gia trị liệu ngôn ngữ vào tuần tới. Tôi chỉ có thể chia sẻ với bạn về 1 nghiên cứu tôi đọc về ảnh hưởng của sử dụng thiết bị điện tử có màn hình quá sớm và gây ảnh hưởng đến chậm nói ở trẻ trước 5 tuổi.”
Tôi giải thích rằng: lúc trẻ bắt đầu học nói (thường giữa 12- 18 tháng tuổi), thì việc tạo các kết nối giữa 2 vùng Broca và Wernicke trong não bộ là rất quan trọng. Để tạo được kết nối 2 vùng này thì việc trẻ nghe những cuộc trò chuyện của cha mẹ với nhau, cha mẹ trò chuyện với bé là rất quan trọng. Khi đó, trẻ sẽ học được âm, từ, và khoảng dừng giữa 2 người khi giao tiếp với nhau mặc dù trẻ chưa nói được. Việc học này bắt 2 vùng này hoạt động mãnh mẽ. Khi chúng đủ mạnh mẽ thì sẽ giúp trẻ phát triển tiếng nói để diễn đạt suy nghĩ của trẻ. Đó là cách mà trẻ học nói. Do đó, cha mẹ được khuyên là trò chuyện 2 chiều với trẻ từ sớm. Trong gia đình, 2 vợ chồng cũng nên thường xuyên giao tiếp với nhau, cùng nhau chia sẻ nói chuyện với trẻ. Đó là cách để tạo kết nối myeline giữa 2 vùng quan trọng này. Trẻ sẽ tự nhiên nói khi đã đủ.
Ngược lại, trẻ dưới 3 tuổi không phân biệt được những thứ đang chiếu lên màn hình là thế giới thật. Nghĩa là trẻ có thể nhìn trái táo trên màn hình để đọc là apple (quả táo), nhưng đưa trái táo thật trẻ không thể lôi từ apple để nói. Điều đó có nghĩa nếu trẻ dành quá nhiều thời gian trên màn hình trong thời điểm học nói thì trẻ sẽ không phân biệt được âm, từ, cũng như hiểu khoảng dừng trong giao tiếp hội thoại. Tất cả có giá trị là con số 0 với trẻ. Khả năng để kết nối 2 vùng trên là ít ỏi và ngôn ngữ trẻ có thể bị ảnh hưởng.
Thực vậy, người mẹ đã chia sẽ rằng: em rất quan tâm đến bé, nhưng do công việc nên ít giao tiếp với bé và cũng ít trò chuyện với chồng em (vì chồng chị cũng đi làm). Thấy bé thích các chương trình trên ipad, em tưởng sẽ giúp bé đỡ chán.
Tôi trấn an chị rằng: đừng quá lo lắng! Đây chỉ là điểm để chúng ta cùng nhận ra. Chúng ta sẽ cần phải chờ kết quả vào tuần sau. Tuy nhiên, nó không phải là quá trễ để bắt đầu can thiệp. Bắt đầu với việc dành thời gian trò chuyện với bé hơn là điều quan trọng sau buổi này tư vấn này.
Thông thường buổi tư vấn của tôi tầm 45 phút, nhưng sự ham hiểu biết và quan tâm đến sức khỏe của con chị làm buổi nói chuyện kéo dài đến 60 phút nhưng tôi cảm thấy vui vì chị ấy đã hiểu rõ vấn đề và sẽ có hướng giải quyết tốt nhất. Tôi nghĩ mọi người chúng ta cũng cần 15 phút thêm vào này để hiểu hơn về con cái chúng ta khi các bé đang phát triển rất nhanh từng ngày.

Tham khảo

Hutton JS, et al. Associations Between Screen-Based Media Use and Brain White Matter Integrity in Preschool-Aged Children [published correction appears in JAMA Pediatr. 2020 May 1;174(5):509]. JAMA Pediatr. 2020;174(1):e193869.

8 HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

  1. Dạ bác cho em hỏi bé em gần 4t bé nói sõi hát hò tử 2 tuổi. Em có đọc rất nhiều sách và truyện cho bé nghe. Bây giờ bé 4 tuổi nhưng nói rất nhiều, nói cả ngày, mở mắt ra là nói đến khi đi ngủ, không phải bé nói 1 mình mà bé nói chuyện với hết người này đến người kia như ông bà, bố mẹ, anh chị em họ đến chơi thì chỉ nghe thấy tiếng bé nói chuyện suốt. Bé còn hay nói xuyên tạc trong các tác phẩm truyện. Ví dụ em kể bé nghe truyện “ nàng bạch tuyết” có câu thơ “ gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta”, thì bé lại hát xuyên tạc là “ ngày xưa bố đẹp nhất Trần, giờ đây mẹ muôn phần đẹp hơn” …. Hay có những bài thơ ca dao là bé xuyên tạc hết và nói suốt ngày. Điều này cần khuyên bảo và chẩn chỉnh bé thế nào ạ. Em cám ơn bác! Chậm nói cũng sợ mà nói nhiều quá em cũng lo bác ạ.

    • Chào bạn, thực ra bạn không cần làm gì hết. Đó chỉ là giai đoạn trẻ bắt đầu hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Mục đích của trẻ lúc này là hiểu ngôn ngữ theo những cách khác nhau, đó chỉ là 1 phép thử được trẻ “lập lại” từ việc có nghĩa đến vô nghĩa (với người lớn chúng ta vô nghĩa, nhưng với trẻ là 1 phép thử). Lúc này bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ hỏi, và nói của trẻ, nhưng khi lớn dần, trẻ sẽ bắt đầu chọn lọc, sử dụng ngôn ngữ đúng hơn, và dần ít nói hơn. Việc bạn cần làm là dành thời gian trò chuyện qua lại kiểu đố vui, khơi tò mò và khơi trẻ đưa ra ý kiến, suy nghĩ,… không cần tập trung vào sửa hay la mắng trẻ. Chúc bé vui khỏe

  2. Bác cho em hỏi bé nhà em 18m chưa nói đc nhiều. Dạy bé thì có khi nhại lại có khi không. Mà nhại lại thì không rõ âm nhưng gđ vẫn dịch được (vđ: có thì bé nói ó, nước thì bé nói ước) Ngoài ra thì ng nhà nói gì bé cũng hiểu,nói đi lấy giày tự lấy giày, lấy khăn lau sàn là bé tự lấy khăn tự lau, lấy mũ tự lấy mũ…bé biết chỉ và yêu cầu sự giúp đỡ từ ng lớn, muốn uống sữa sẽ chỉ khu vực pha sữa…. Bé nhà e ko xem tv, ko xem đt, lâu lâu e cho nghe nhạc hoặc xem cocomelon 1 tí xíu cũng k thường xuyên. Em thấy nhiều bé tầm này còn hát, đọc thơ được rồi. Không biết bé nhà em có pải chậm nói hay ko

    • Chào bạn, mỗi trẻ có thể khác nhau. Như tôi cũng đề cập trong bài, sự phát triển ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc lớn vào sự giao tiếp 2 chiều từ 2 nguồn chính: (1) cha mẹ giao tiếp/chơi với trẻ và (2) cha mẹ, mọi người trong gia đình giao tiếp cùng nhau và cùng chơi/giao tiếp với trẻ. Khi có đủ các điều này trẻ mới có thể phát triển các kết nối về giao tiếp trong các vùng não bộ- giúp biến suy nghĩ trong trẻ thành lời nói. Do đó, khi bạn làm tốt 2 điều trên thì trẻ sẽ nói 1 cách tự nhiên. Bạn cũng có thể tham khảo hình đính kèm, nếu trẻ duy trì bất kì những dấu hiệu trì hoãn ngôn ngữ sau hơn 2 tháng, thì nên ghi nhận và tư vấn thêm chuyên gia về trị liệu ngôn ngữ để được hỗ trợ. Chúc bé vui khỏe

  3. Em có 2 bé sinh đôi hiện 22m. 1 bé thì nói được một số từ đơn, em nghĩ không đến nỗi. Bé còn lại thì nghe hiểu tốt, làm được nhiều việc nhưng chậm nói. Bé gần như chưa nói được mấy. Và rất lười nói.
    Bé em sinh sống ở TPHCM.
    Bác sĩ và mọi người cho em hỏi bé như vậy đã cần can thiệp gì chưa, nếu có thì khám ở đâu ạ?

    • chào bạn, câu hỏi của bạn rất hay. Thực ra một số bằng chứng cho thấy rằng các bé sinh đôi có thể phát triển ngôn ngữ chậm hơn 1 tí so với các bé sinh bình thường khác. Có nhiều nguyên nhân, có thể là sinh non, sinh nhỏ kí (nếu có). Tuy nhiên, việc bắt nhịp tốt sau 2 tuổi sẽ giúp trẻ phát triển bình thường sau đó. Ngoài ra, 1 lí do khác đó là không đủ dạng thức giao tiếp. Khi giao tiếp với các bé sinh đôi cần 4 dạng giao tiếp 2 chiều. Nói chung gấp đôi dạng giao tiếp của bé bình thường. 4 dạng gồm: (1) giao tiếp cha mẹ – từng bé; (2) giao tiếp cha mẹ với 2 bé cùng lúc; (3) giao tiếp cha mẹ, các thành viên khác và cùng từng bé; (4) giao tiếp cha mẹ, các thành viên khác và cùng cùng 2 bé 1 lúc. Trong các dạng thức này, có trẻ sẽ chủ động hơn trẻ khác (như bạn cũng nhận ra 1 bé nói tốt hơn) thì bạn nên dẫn cuộc trò chuyện dạng số 2 và số 4 về cân bằng, cho trẻ nói nhiều hơn các khoảng dừng, trẻ nói ít hơn có cơ hội nói, kiểu như phải điều tiết như người điều phối trong cuộc họp vậy. Khi làm tốt cả 4 điều trên thì mỗi trẻ sẽ nói 1 cách tự nhiên. Chúc bé vui khỏe.

  4. Cảm ơn bác đã chia sẻ những thông tin hữu ích ạ. Mong bác cho lời khuyên về việc tập nói cho trẻ trong môi trường đa ngôn ngữ ạ. Bé nhà em hiện 19 tháng, gia đình đang sống tại Nhật. Bé đã đi lớp được 3 tháng, trên lớp giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Ở nhà, bố mẹ giao tiếp với bé chủ yếu bằng tiếng Việt, chỉ có lúc đọc ehon và hát vài bài hát tiếng Nhật. Hiện tại, em thấy bé có vẻ hiểu tiếng Việt nhiều hơn, ví dụ như hỏi bé con vật này kêu thế nào thì bé sẽ trả lời được hết. Bé có thể chỉ tranh và nói được: cá, chim, voi, bò… bé hay bắt chước theo mẹ nói các từ đơn khó hơn (có khi hợp tác, có khi không). Còn tiếng Nhật thì bé chỉ nói được 1 tên nhân vật hoạt hình bé thích, và hát theo bài hát cô dạy, còn lại thì khi cô làm thế này hay thế kia thì bé vẫn chưa hiểu được. Dạo gần đây, em hay thấy các chị có con lớn hơn chia sẻ bé bị chậm nói do loạn ngôn ngữ nên khá hoang mang. Bản thân em thì mong muốn bé có thể nói được cả 3 thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, nhưng tiếng Anh có lẽ sẽ để khi nào bé thành thục 2 tiếng kia trước rồi mới cho bé tiếp xúc. Mong bác cho lời khuyên ạ.

    • Chào bạn, trẻ phát triển ngôn ngữ trong môi trường đa ngôn ngữ là khác nhau từng độ tuổi. Đây là 1 tài liệu hay bạn có thể kham khảo. Tài liệu này hướng dẫn chi tiết theo từng độ tuổi và từng tình huống cụ thể (VD, bố mẹ cùng nói 1 ngôn ngữ sống ở nước ngoài, hoặc 1 trong 2 bố mẹ là người nước ngoài…)
      Bạn có thể tải về và tham khảo tài liệu này tại đây: https://biblio.ugent.be/publication/8680793 . Chúc bé vui khỏe

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây