Thậm chí nhiều người lớn trong chúng ta vẫn còn loay hoay với việc diễn đạt cảm xúc, kiểm soát cơn giận hay đối diện với sự thất vọng. Vậy tại sao ta lại mong đợi một đứa trẻ có thể làm được những điều đó?
Não bộ của trẻ hoạt động như thế nào?
Thực tế là não bộ và hệ thần kinh của trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển – và quá trình này được định hình từng ngày qua những tương tác với người lớn xung quanh. Khi bị quá tải cảm xúc, trẻ không biết cách diễn đạt hay tự điều chỉnh. Lúc ấy, trẻ sẽ nhìn vào người lớn để tìm câu trả lời. Thẳm sâu trong ánh mắt hay hành vi bốc đồng của trẻ là những lời gọi thầm:
“Con đang rối lắm, giúp con hiểu chuyện gì đang xảy ra được không?”
“Ở đây con có an toàn không?”
Vậy cha mẹ cần làm gì để kiểm soát cảm xúc của trẻ?
Một người cha người mẹ bình tĩnh và điều tiết cảm xúc tốt sẽ hiểu rằng khả năng chịu đựng và kiểm soát của trẻ khác với người lớn. Họ không coi tiếng khóc hay cơn giận của trẻ là sự hỗn láo, thách thức hay xúc phạm. Họ hiểu rằng sự ổn định cảm xúc của chính bản thân họ sẽ mang lại cảm giác an toàn và giúp trẻ có thể dự đoán được. Và từ đó, đứa trẻ hiểu được là:
“Mình có thể tin tưởng mẹ mình. Mình biết mẹ sẽ phản ứng thế nào.”
Thay vì quát mắng hay làm trẻ xấu hổ, cha mẹ hãy đồng hành cùng con vượt qua những cảm xúc lớn, dạy con cách gọi tên và làm dịu cơn sóng trong lòng. Sau mỗi lần như vậy, sợi dây gắn kết giữa cha mẹ và con cái sẽ bền chặt hơn.
Ngược lại, một người cha/mẹ thường xuyên mất kiểm soát sẽ dễ xem cảm xúc của con là “phiền phức”. Họ có xu hướng dùng hình phạt để “dập tắt nhanh” cơn giận của trẻ – cách này có thể hiệu quả tạm thời, nhưng cái giá phải trả là sự sợ hãi và rạn nứt niềm tin trong lòng đứa trẻ.
Là người lớn, có lẽ điều đầu tiên chúng ta nên làm… là tự hỏi:
Mình đã thực sự biết điều tiết cảm xúc của bản thân chưa?
Nếu chưa, hãy cho phép bản thân học cùng con. Bởi những đứa trẻ đang vấp ngã trong cơn giận hay nước mắt hôm nay… chính là những người lớn biết yêu thương, kiên cường và thấu cảm ngày mai – nếu chúng ta đủ kiên nhẫn để đồng hành.
Bởi khi người cha người mẹ có thể giữ bình tĩnh, ổn định và cảm thông thì chúng ta mới nuôi dưỡng được một thế hệ tương lai biết yêu thương, kiên cường và thấu hiểu hơn.