Trong hành trình nuôi con của mình, đã bao nhiêu lần bạn cảm thấy tức giận vì những hành vi ương bướng và khó hiểu của trẻ. Đã bao nhiêu lần bạn hét vào mặt trẻ: càng lớn thì càng hư, không ai thương nổi. Dù đã không còn bú đêm nhưng con vẫn thức dậy khóc và không chịu ngủ, hoặc dạo này con rất ương bướng, động tới là ăn vạ ngay hay thường xuyên ném đồ, giơ tay đánh cha mẹ hoặc người khác. Người lớn chúng ta thường cho rằng trẻ càng lớn càng ương bướng và hư quá! Có phải chúng ta đang đặt những tiêu chuẩn của người lớn vào đứa trẻ? Liệu thực sự đứa trẻ có đang cố làm khó cha mẹ của mình? Thật ra, nếu bạn hiểu hành vi của trẻ, bạn sẽ giúp trẻ vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn và trẻ cũng ngày một trưởng thành hơn
HÀNH VI: TRẺ THỨC DẬY NỮA ĐÊM KHÓC KHÔNG CHỊU NGỦ
Trẻ con sẽ hiểu định nghĩa “ngày” và “đêm” khác chúng ta. Với trẻ trước 5 tuổi, ngày đêm cũng chỉ là 1 thời gian để chơi, hơn là hiểu biết như chúng ta rằng: đêm là ngủ, ngày là chơi. Do đó, việc khuyên nhủ hay la mắng kiếu như “đêm rồi đi ngủ đi con” là không hiệu quả với trẻ. Một số trẻ sẽ phát triển hành vi trốn ngủ hoặc tìm cách không đi ngủ vì bắt đầu nhận ra là ngủ thì không được chơi, thậm chí lỡ ngủ và thức giấc nhận ra quyền lợi được chơi vừa bị mất do giấc ngủ thì thường tỏ ra khó chịu, khóc tức tưởi. Tất cả những hành vi này đều nằm ở việc trẻ đang không hiểu về khái niệm “đêm ngủ, ngày chơi”. Bạn sẽ thắc mắc làm sao giúp trẻ hiểu điều này khi nói trẻ không hiểu, la mắng trẻ không rút kinh nghiệm?
Thực ra, để giúp trẻ hiểu rất đơn giản, chỉ cần cha mẹ sớm bắt đầu 1 lịch trình ngủ sớm cho trẻ. Tốt nhất là từ 4 tháng tuổi. Tôi sẽ giải thích điều này sau. Nếu không sớm từ 4 tháng tuổi thì nên bắt đầu ở bất kì độ tuổi nào cũng được, miễn sớm nhất có thể. Lịch trình ngủ gồm:
• 1 thời gian chuyển tiếp: Trước thời điểm đi ngủ ít nhất 60-90 phút, bạn ngưng tất cả các hoạt động ăn uống vặt không lành mạnh (VD, bánh kẹo), các hoạt động vui chơi vận động mạnh (VD, chạy giỡn), các hoạt động trên màn hình điện tử (VD, học bài trên ipad, chơi điện thoại…)
• 1 thời điểm ngủ cố định: VD, 10 giờ là giờ ngủ thì khi bạn đưa trẻ về ngoại chơi cũng cố gắng giúp trẻ ngủ đúng thời điểm này.
• 1 hugging time chất lượng: Thực ra nó chỉ là 1 hoạt động trên giường với trẻ gồm đọc sách, chơi tưởng tượng, đố vui,… Tôi đã có 1 bài viết về hugging time trước đây bạn có thể tham khảo lại bài viết này.
• Và cách đáp ứng đúng khi trẻ khi thức giấc. Nếu trẻ tăng trưởng tốt và còn bú đêm thì sau 6 tháng tuổi nên bắt đầu giảm bú đêm và cắt cử bú đêm. Việc thức của trẻ về đêm đôi lúc không hẳn là trẻ thực sự thức. Do đó, bạn càng đáp ứng giảm các tác động đánh thức trẻ như bồng, dỗ, cho bú mà thay vào đó hướng trẻ tự ngủ lại càng sớm càng tốt. Khi trẻ thức được 1 lần thì trẻ hiểu thời gian ngày-đêm thay đổi và tiếp tục lập lại cho lần sau. Ngược lại, nếu trẻ có thể tự điều chỉnh ngủ lại thì giấc ngủ sẽ dài hơn và trẻ sẽ sớm học được ngủ xuyên đêm
Bạn càng làm sớm làm tốt 3 bước đầu tiên thì sẽ giúp trẻ nhận ra đúng về “giấc ngủ” và khái niệm “đêm để ngủ, ngày để chơi”, thì trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận đi ngủ. Bước 4 là bước quan trọng để bạn giúp trẻ hạn chế hành vi thức giấc. Đứa trẻ có thể thức giấc vì rất nhiều lí do, thậm chí 1 số yếu tố như mệt mỏi, gặp ác mộng, đái dầm,… Khi trẻ tự điều chỉnh giấc ngủ cho bản thân thì giấc ngủ sẽ sâu hơn và ít thức giấc hơn.
Để hiểu tại sao sớm thiết lập lịch trình ngủ cho trẻ từ 4 tháng tuổi. Chúng ta cũng nên nhớ rằng não bộ của trẻ đã nhận ra ngày và đêm từ rất sớm 4 tháng tuổi để giúp trẻ có giấc ngủ dài hơn. Tuy nhiên, song song đó não bộ cũng phát triển để trẻ hiểu thế giới xung quanh trẻ rộng ra. Hoạt động vui chơi là cách đứa trẻ dành toàn bộ thời gian để phát triển não bộ. Do đó, việc đứa trẻ không chịu đi ngủ và trở nên khó ngủ là dễ hiểu. Nếu lịch ngủ sớm được thiết lập ngay tại thời điểm não trẻ hiểu về ngày-đêm thì trẻ sẽ sớm thiết lập 1 giấc ngủ cho đêm và chơi cho ngày tốt hơn
HÀNH VI: TRẺ KHÓC ĂN VẠ, HAY THƯỜNG XUYÊN NÉM ĐỒ, GIƠ TAY ĐÁNH CHA MẸ/NGƯỜI KHÁC, THẬM CHÍ TỰ ĐÁNH BẢN THÂN TRẺ
Thực ra trẻ chưa ý thức được hành vi trẻ đang làm, đơn giản là bởi vì ngôn ngữ của trẻ vẫn đang phát triển nên không thể diễn tả được điều trẻ nghĩ và cảm xúc trẻ có. Do đó, các hành vi phi ngôn ngữ như la hét, đánh người khác (bao gồm luôn tự đánh bản thân) thường được trẻ sử dụng. Và việc khuyên nhủ hay la mắng không phải là cách hiệu quả để cải thiện hành vi này.
Có 2 điều đơn giản và hiệu quả để cải thiện các hành vi liên quan đến sử dụng dạng phi ngôn ngữ là:
• Cho trẻ nhận thức được hành vi phi ngôn ngữ không vui gì cả, cũng chẳng ai chào đón hành vi đó. Nên hiểu về khái niệm “chào đón” của trẻ 1 tí. Chào đón ở đây với trẻ là miễn là cha mẹ hay người chăm sóc trẻ chú ý cho dù là la mắng hay ôm trẻ khuyên nhủ thì trẻ đều cho là dạng chào đón “có chú ý” và trẻ vẫn sẽ thực hiện nó. Do đó, cách đáp ứng để trẻ hiểu không chào đón về hành vi tự đánh mình của trẻ khá đơn giản. Đó là bạn bỏ qua hoặc cứ tiếp tục làm điều bạn đang làm. Cách đáp ứng như trên sẽ tạo cho trẻ 1 cảm giác nhàm chán, không được chào đón và trẻ con rất thông minh sẽ tự bỏ hành vi này khi trẻ cảm thấy nó không được chào đón hoặc trẻ đủ thông minh để không tự làm đau mình.
• Song song đó, bạn nên bắt đầu dạy trẻ hiểu 1 số cảm xúc thông qua tranh ảnh, sticker, ngôn ngữ và câu ngắn để diễn đạt cảm xúc liên quan. Nên làm khi trẻ bắt đầu học nói, từ 18 tháng tuổi.
VD, “con buồn” và con buồn quá”, dùng sticker mặt buồn để trẻ hiểu và dùng 2 ngón tay để diễn tả trẻ hiểu mức độ “buồn” và “buồn quá” hoặc dùng hình vẽ có mặt buồn với mặt buồn có nước mắt cũng là cách diễn tả mức độ. Khi trẻ hiểu cảm xúc và câu từ diễn đạt. Và khi trẻ chuyển sang dùng dạng ngôn ngữ, bạn nên thể hiện thái độ quan tâm và lắng nghe. Điều này tạo cho trẻ cảm giác được chào đón và sẽ thường dùng nó và bỏ dạng phi ngôn ngữ ở trên.