Bạn biết không! Sau khi sinh não bộ trẻ sẽ tăng trung bình khoảng 2 gram mỗi ngày, đến khi 5 tuổi não trẻ sẽ đạt khoảng 90% kích thước của não người lớn. Tốc độ phát triển này được xem là nhanh hơn bất kì giai đoạn phát triển nào của não bộ sau đó vì trong 5 năm tiếp theo não bộ trẻ chỉ tăng thêm khoảng 10% nữa. Tại sao tốc độ trước 5 tuổi lại “khủng khiếp” vậy? Và chúng ta thường mắc những sai lầm gì khi phát triển trí thông minh cho con? Làm cách nào để giúp não bộ trẻ phát triển tốt nhất?
LIỆU CHA MẸ CÓ ĐẦU TƯ SAI THỜI ĐIỂM?
Một khảo sát thú vị trên 2000 cha mẹ ở Mỹ được thực hiện bởi tổ chức Zero to Three cho thấy gần 50% cha mẹ đã đánh giá thời điểm quan trọng cho sự phát triển của con trễ hơn thời điểm thật mà trẻ phát triển.
Chính việc đánh giá sai thời điểm trẻ phát triển đã khiến cha mẹ đầu tư trễ hơn và có thể lỡ mất 5 năm đầu đời quan trọng của con mà không biết.
VD. Khi hỏi độ tuổi nào cách nuôi dưỡng của cha mẹ bắt đầu ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ, thì 50% cha mẹ nói rằng ít nhất cũng từ 6 tháng tuổi, nhưng thực ra là ngay từ lúc mới sinh.
• Một số cha mẹ có thể nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ, biết gì đâu mà đầu tư hay dạy dỗ, cứ để nó lớn thêm rồi tính. VD, họ thường quan tâm con ở giai đoạn sau 5 tuổi như vào cấp tiểu học nên chọn trường như thế nào, trường quốc tế gì? rồi nên vào học đại học danh tiếng nào nhưng lại ít để ý đến ngôi trường mẫu giáo trẻ học nên cần những gì. Thậm chí có một số lớp mẫu giáo chủ yếu có TV để giết thời gian của trẻ hơn là các hoạt động giáo dục hay tương tác
• Một số cha mẹ có thể đặt năng về phát triển thành tích sớm của trẻ như biết tính nhẩm nhanh, làm toán, nói tiếng Anh…, nhưng thực ra việc đầu tư dinh dưỡng đúng và thời gian tương tác trực tiếp với trẻ là rất cần thiết cho giai đoạn dưới 5 tuổi của trẻ.
TRẺ PHÁT TRIỂN NHỮNG GÌ TRONG 5 NĂM ĐẦU ĐỜI
Trong 5 năm đầu đời, não bộ của trẻ phát triển với tốc độ khủng khiếp không chỉ về cấu trúc kích thước bên ngoài mà cả về nội dung bên trong bằng việc gia tăng các kết nối thần kinh.
• Về cấu trúc: não trẻ cần dinh dưỡng đầy đủ để xây dựng đủ và đúng các vùng chức năng, có thể ví von như là các phòng ốc.
• Về nội dung: trẻ cần sự tương tác của cha mẹ. Theo tổ chức First Things First, Mỹ- tổ chức chuyên nghiên cứu và giáo dục về phát triển não bộ trẻ nhỏ, trẻ sẽ trải qua 4 cụm xây dựng quan trọng cho “nội thất”- tiền đề phát triển bền vững của trẻ về sau:
Ngôn ngữ-giao tiếp
Thể chất- vận động
Tư duy-nhận thức
Cảm xúc
Vậy bạn đã hiểu rằng: chỉ 5 năm mà quá nhiều việc cần để làm! Và, nếu chọn đầu tư vào trẻ thì có lẽ không lúc nào tốt bằng lúc này!
NÃO BỘ TRẺ CẦN GÌ?
Đến nay, có nhiều bằng chứng rõ ràng về 2 yếu tố liên quan đến sự phát triển của não bộ trẻ. Đó là dinh dưỡng và sự tương tác quan tâm của cha mẹ.
1. DINH DƯỠNG
Đây là một số bằng chứng liên quan giữa dinh dưỡng và não bộ
1.1. Sữa mẹ luôn là lựa chọn hoàn hảo cho trẻ nhỏ. Bú mẹ sớm và duy trì lâu nhất có thể là quan trọng cho phát triển não bộ.
1.2. Đa dạng nguồn đạm khi trẻ bắt đầu ăn dặm để đảm bảo cung cấp đầy đủ các axit amin thiết yếu và sắt cho phát triển não bộ.
1.3. Chất béo trong giai đoạn này là rất quan trọng vì việc hình thành cấu trúc của não bộ có vai trò lớn của chất béo. Tuy nhiên, tránh các chất béo bảo hòa và trans-fat từ thức ăn nhanh làm sẵn, mà ưu tiên lựa chọn các chất béo chưa bảo hòa như chuỗi dài omega-3 hay omega-6 từ các loại hạt, dầu thực vật, cá, …
2. TƯƠNG TÁC NÊN CÓ CỦA CHA MẸ
Đến nay chúng ta có đủ bằng chứng khoa học để có thể hiểu rằng vai trò quan trọng của cha mẹ với sự phát triển của trẻ, đặc biệt là trong những giai đoạn nhỏ của trẻ. Do đó, trò chuyện, tương tác, chơi và đọc sách là những hoạt động nên làm từ trước 5 tuổi. Cụ thể cha mẹ có thể tham khảo những cách bên dưới:
2.1 Hãy tương tác nói chuyện với trẻ.
• Trẻ < 3 tháng tuổi: Nói chuyện làm trẻ chú ý đến bạn, trẻ sẽ nhìn vào khẩu hình miệng của bạn để biết là bạn đang “trò chuyện” với trẻ. Tận dụng vài dịp trong ngày cho trẻ nằm sấp để vui chơi cùng bạn để giúp trẻ sử dụng các cơ lớn trong hoạt động cơ thể.
• Trẻ từ 4-8 tháng: Cười là biểu lộ cảm xúc mà trẻ sẽ đáp ứng bạn ở độ tuổi này. Đừng đơn giản chỉ chọc bé cười. Những hoạt động làm bé ngạc nhiên, hứng thú vào 1 trò chơi nào đó cùng bé thì nụ cười đó càng mang lại lợi ích học hỏi.
• Từ 9 tháng tuổi – hết 23 tháng tuổi: Từ độ tuổi này bạn có thể đọc sách cùng bé ít nhất 5-10 phút/ngày, chơi cùng bé và cố lôi kéo sự chú ý của bé trong từng hoạt động
• 2-5 tuổi: Tương tác không gói gọn ở cha mẹ, mà từ những người xung quanh. Không gian không nên chỉ nằm ở trong phòng bé, mà ở những phòng khác quanh nhà, khuôn viên ngoài sân, và những môi trường lớn hơn như ở nhà sách, trường học.
2.2 Ngay từ lúc trẻ sinh ra, trẻ có xu hướng thích chạm vào mẹ, việc giao tiếp qua xúc giác này là điều kì diệu vì giúp trẻ đọc được suy nghĩ của mẹ, nghe được nhịp tim của mẹ, cảm nhận được sự sợ hãi, sự mệt mỏi, và hơi thở của mẹ. Mẹ nên dành thời gian với trẻ nhiều hơn, hôn lên ngực trẻ lúc thay quần áo cho trẻ, chạm nhẹ vào lòng bàn tay và bàn chân trẻ khi chơi đùa cùng trẻ…
2.3 Khi trẻ lớn hơn và biết vận động, nên dành thời gian làm những trò chơi và chơi với trẻ để giúp trẻ tăng tương tác như đọc sách, chơi xếp gỗ, chơi vận động ngoài trời,… Khi đọc sách, bạn nên tăng tương tác trong câu chuyện, mở rộng vấn đề và đặt câu hỏi để trẻ trả lời.
2.4 Các hoạt động khác như học tiếng Anh, chơi thể thao, chơi nhạc có thể cho trẻ làm quen từ 3 tuổi.
Notes:
Osendarp SJM (2011) The role of omega-3 fatty acids in child development. OCL; 18(6) : 307-313.
Johnson M, et al. 2017. Omega 3/6 fatty acids for reading in children: a randomized, double-blind, placebo-controlled trial in 9-year-old mainstream schoolchildren in Sweden. J Child Psychol Psychiatry;58(1):83-93.
Thưa bác sĩ em có 1 bé gái lên 6 tuổi bắt đầu đòi hỏi bố mẹ đáp ứng nhiều thứ như mua đồ chơi, đưa đi chơi. Trước đây bé ko đòi hỏi nhiều như vậy, nếu có thì sẽ rất dễ thuyết phục khi mẹ đưa ra lý do. Nhưng kể từ khi 5-6 t bé hay đòi hỏi hơn, và khi nói lý do ko mua bé hay thở dài hoặc than rằng lúc nào bố mẹ cũng ko mua cho con khiến em bối rối ko biết nên giải thích tn để bé hiểu triệt để vấn đề và ít đòi hỏi đi. Bác sĩ có thể cho em xin ý kiến ko ạ
chào bạn, điều bạn cần làm với trẻ là cho trẻ hiểu điều gì là được phép và điều gì không được phép. Để làm được điều này, thái độ của bạn là quan trọng. Nó cần rõ ràng 1 là 1, 2 là 2. VD, nếu bạn hứa đưa trẻ đi nhà sách cuối tuần thì nên làm đúng lời hứa. Và nếu trẻ cố đòi đi 1 ngày trong tuần thì bạn phải nói không. Khi trẻ cố gắng đòi hỏi thì bạn có thể áp dụng nguyên tắc “không lè nhè” (những nguyên tắc này là do bạn tự đặt ra, nó càng chi tiết về điều gì được, điều gì không, hậu quả nếu vi phạm và phần thưởng, và các nguyên tắc phải nói rõ với trẻ trước). VD ở nguyên tắc không lè nhè: năn nĩ là không được phép, khi nói là không khóc lóc, nếu vi phạm sẽ kết thúc nói chuyện hoặc hủy buổi đi cuối tuần… Trẻ con vốn rất thông minh và biết cách làm tốt nhất để tránh các rắc rối khi chúng được trao quyền quyết định trên cách hành xử của chúng. Chúc bé vui khỏe