Sáng nay tôi nhận được 1 tin nhắn từ 1 người mẹ trẻ đang nuôi con nhỏ. Tin nhắn rất dài thể hiện 1 sự lo lắng và lúng túng của người mẹ này khi phải đối mặt với trẻ hay khóc đòi thứ này, nhưng khi đưa cho trẻ thì trẻ ném và tiếp tục khóc. Mỗi lần vậy dỗ rất lâu. Đôi lúc muốn bỏ mặc trẻ khóc, nhưng nhìn con khóc dài, ho nhiều mà em rất lo lắng. Thực ra, ở mỗi thời điểm trẻ sẽ phát triển nhận thức, hiểu về cảm xúc và hiểu về sự độc lập của bản thân trẻ khác nhau. Trong những lúc như vậy điều trẻ cần nhất chính là sự hiểu và cách đáp ứng đúng của cha mẹ để giúp trẻ vượt qua những giai đoạn này một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất. Dưới đây là những cột mốc quan trọng trẻ phát triển
1. TRẺ TỪ 2-6 THÁNG TUỔI
Bắt đầu hiểu thế giới qua nhiều giác quan
Trẻ có sự phát triển vượt bậc trong não bộ. Lúc này, trẻ bắt đầu khám phá mọi vật xung quanh bằng các giác quan của mình. Khởi đầu chính là các ngón tay, bàn tay của bé. Bé thích ngậm bàn tay. Qua độ tuổi này, bé sẽ tự mất thói quen này. Sau 6 tháng, bé vẫn thích ngậm các ngón tay cũng là bình thường vì bé chưa bỏ được thói quen này. Nhưng, sau 2 tuổi, nếu thói quen ngậm tay của trẻ vẫn còn thì cha mẹ cần giúp trẻ loại bỏ
Cách ứng xử của cha mẹ
Tôi nghĩ nhiều cha mẹ cảm thấy lạ và “mất vệ sinh” vì bé hay ngậm tay của bé. Nhiều bé còn ngậm đến lở cả da tay. Nhưng, tất cả đều bình thường, cha mẹ nên mừng hơn lo vì điều này thể hiện bé đang phát triển não bộ. Cha mẹ chỉ cần rửa tay sạch sẽ . Các bé ngậm lỡ da tay, bạn có thể hạn chế 1 số lần ngậm bằng cách mang bao tay cho bé. Sau 6 tháng, nếu bé còn ngậm tay, có thể giới thiệu ti giả. Nhưng, phải bỏ ti giả trước khi bé 1 tuổi. Sau 2 tuổi, cha mẹ có thể nói cho bé hiểu để bỏ thói quan ngậm tay vì lúc này bé có thể nhận thức được 1 phần điều cha mẹ nói.
Bắt đầu nhận biết ngày-đêm và đem vào giấc ngủ
Bé có sự hình thành các liên kết khi ngủ, và nhận thức tốt hơn về hình ảnh trong ngày, đặc biệt từ 2-4 tháng tuổi. Do đó, giấc ngủ của bé có thể bị xáo trộn và hay cựa quậy, khó ngủ, hay lăn lộn.
Cách ứng xử của cha mẹ
Cha mẹ đừng quá lo lắng về giấc ngủ của bé trong giai đoạn này vì Trẻ đã dần lớn khôn, không chỉ nằm yên mãi được. Bạn cố gắng vỗ bé vào giấc ngủ, đừng bế bé lên và đi lòng vòng vỗ bé vì nếu làm điều này bé sẽ tiếp tục hình thành liên kết hình ảnh khi ngủ, sẽ khó ngủ hơn. Bạn cứ để bé nằm trên giường và vỗ bé ngủ lại. Bạn có thể cho bé bú để bé dễ vào giấc ngủ hơn.
TRẺ TỪ 6-18 THÁNG TUỔI
Bắt đầu phát triển về cấu trúc thức ăn
Nỗi lo chia cắt
Trẻ có thể xuất hiện nỗi lo chia cắt trong khoảng 4 tháng -3 tuổi khi bắt đầu hiểu về sự vắng mặt của mẹ mình trong 1 khoảng thời gian. Trẻ biểu hiện bám mẹ, quấy khóc khi thấy mẹ lại. Đỉnh điểm là 4-18 tháng tuổi, sau 18 tháng nó dần giảm đến 3 tuổi. Nỗi lo chia cắt là một dạng kích thích tích cực giúp trẻ độc lập và phát triển kĩ năng ở một mình.
Cách ứng xử của cha mẹ
Bạn có thể thường xuyên chơi trò chơi trốn tìm với trẻ để trẻ quen sự vắng mặt và quay lại của bạn. Với trẻ < 13 tháng tuổi, trò chơi có thể đơn giản như việc dùng 1 tấm khăn che mắt, sau đó mở khăn không thấy bạn đâu. Bạn đếm đến 10 rồi xuất hiện trở lại. Trẻ tham gia trò này sẽ rất vui và dần quen việc vắng mặt và có quay lại của bạn. Trẻ có thể bị nỗi lo chia cắt nhiều khi trẻ đi học, đặc biệt dưới 18 tháng tuổi. Để giúp trẻ, bạn nên trò chuyện về đồ chơi trên lớp của trẻ khi đi học về hơn là hỏi con có vui không, cô có la con không, bạn bè sao?… Những vấn đề này chỉ nên hỏi khi trẻ đã đi lớp được trên 6 tháng vì nếu hỏi sớm nỗi lo chia cắt của trẻ sẽ làm trẻ cảm giác dễ chán khi nhắc đến và cứ bám lấy bạn, và thậm chí đòi nghĩ học.
TRẺ TỪ 18 THÁNG – 6 TUỔI
Trẻ xây dựng lòng tin bằng việc tin trước
Nếu lòng tin của trẻ bị phá vỡ thì hậu quả của nó lan tỏa như vỡ kính, khó làm trẻ tin bạn được. Độ tuổi này là giai đoạn xây dựng lòng tin. Nghĩa là trẻ xây dựng lòng tin dựa trên tin bạn trước, và trẻ cũng sẽ giữ lời hứa với bạn vì trẻ dựa trên niềm tin là bạn sẽ tin trẻ. Do đó, bạn càng giữ đúng lời hứa với trẻ đặc biệt trong độ tuổi này, trẻ sẽ luôn giữ lời với bạn và sau này khi lớn hơn trẻ sẽ luôn như vậy với bạn và với những người khác.
Cách ứng xử của cha mẹ
Cha mẹ nên giữ lời hứa với trẻ. Trẻ con có thể cho bạn dời lời hứa, nhưng không thể chấp nhận sự thất hứa. Việc không hứa, hay dời lời hứa vẫn luôn tốt hơn là hứa hẹn qua loa và không giữ lời. Việc dời lời hứa chỉ nên làm 1 -2 lần. Làm càng nhiều lần trẻ có thể không còn tin bạn nữa.