Cúm gà H5N1 là một bệnh dịch nguy hiểm và khó lường, khi nhiễm bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm với sức khỏe và tính mạng của con người. Chúng ta hãy đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân và cách thức lây truyền của căn bệnh này để chủ động phòng tránh và cứu chữa kịp thời.
Tác nhân gây bệnh cúm A H5N1
Thủ phạm chính gây nên bệnh cúm A H5N1 là virus cúm, thuộc họ orthomyxoviridae, subtype A. Vỏ của virus có chứa hai protein hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Hiện có 15 phó type của H (ký hiệu H1-H15) và 9 phó type N (N1-N9). Ở đây chúng ta đang nhắc đến virus H5N1 – một chủng loại virus có độc lực rất cao.
Nguồn truyền nhiễm bệnh cúm A H5N1
Các loài chim nước di trú, hầu hết là vịt, đều mang virus cúm gia cầm nhưng không bị bệnh nhờ sức đề kháng của chúng. Còn các loại gia cầm được nuôi lại đặc biệt cảm thụ với loại virus này.
Nguyên nhân phổ biến của dịch chính là thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các loài chim nước di cư.
Bệnh cúm A H5N1 ở người thường xảy ra đồng thời với dịch cúm trên gia cầm. Môi trường đông đúc, không đảm bảo vệ sinh như các chợ gia cầm, chợ chim sống là hang ổ thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của virus cúm A H5N1.
Cách thức lây lan vào người
Virus cúm A H5N1 ẩn náu trong không khí, bụi và đất, chất thải của gia cầm nhiễm bệnh.
- Virus cúm A H5N1 lây từ người với người qua đường hô hấp, do nước bọt của người nhiễm virus khi ho, hắt hơi.
- Do tiếp xúc với nước bọt của người bệnh hoặc với gia cầm bị bệnh rồi đưa vào mũi, miệng người lành.
- Do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính.
- Chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ các chế phẩm có nguồn gốc từ gia cầm bị bệnh mà không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân chính trong rất nhiều ca mắc bệnh.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng virus đã lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người. Virus cúm A H5N1 thường trải qua 2 thời kỳ để ẩn náu và phát tán ra môi trường xung quanh. Đó là:
Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ ủ bệnh của cúm A H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm theo mùa, từ 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày. Tổ chức Y tế Thế giới đề nghị đến thời kỳ ủ bệnh là 7 ngày áp dụng cho điều tra và theo dõi những người tiếp xúc với bệnh nhân.
Thời kỳ lây bệnh
Như cúm theo mùa, người bệnh đào thải virus khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên có thể dài hơn, từ 7-10 ngày.
Cách phòng tránh bệnh cúm A H5N1
Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, con đường lây nhiễm và mức độ nguy hiểm do chủng virus cúm có độc lực cao như H5N1 gây ra, chúng ta nên biết cách phòng tránh và bảo vệ cho bản thân và gia đình, xã hội.
Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm
- Hạn chế tiếp xúc với gia cầm, kể cả khi chúng chưa có dấu hiệu nhiễm bệnh
- Đối với gia cầm đã chết hoặc nghi có dấu hiệu nhiễm bệnh, không nên tiếc rẻ mà phải đem đi tiêu hủy, không nên giết mổ và ăn các loại gia cầm đó.
- Trang bị đầy đủ găng tay, khẩu trang khi bắt buộc phải trực tiếp giết mổ gia cầm.
- Trước và sau khi chế biến thức ăn cần phải rửa tay thật kỹ với xà phòng diệt khuẩn và nước sạch, và cũng áp dụng vào thời điểm trước khi ngồi vào bàn ăn.
- Nên có hai thớt riêng dành cho chế biến thịt sống và thịt chín. Sau khi sử dụng cần tráng rửa cẩn thận bằng nước sôi.
- Chỉ nên sử dụng các chế phẩm từ gia cầm như: thịt, trứng… đã được nấu chín hoàn toàn.
- Chỉ mua các sản phẩm có đóng dấu xác nhận đã được kiểm dịch của cơ quan chức năng.
- Nói không với các món ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như tiết canh vịt, tiết canh gà, húp trứng sống…
Chăm sóc sức khỏe
- Nâng cao sức đề kháng bằng việc ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi và làm việc khoa học, đúng giờ.
- Giữ gìn sức khỏe bằng cách tập luyện thể dục thể thao, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân như thường xuyên thay, giặt các vật dụng tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài như quần áo, giầy dép…
- Trẻ em vốn chưa có sức đề kháng tốt như người lớn. Do vậy cần quan tâm chú ý đến con em mình, không để bé tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi đùa gần chuồng trại chăn nuôi.
- Khi có người có biểu hiện như sốt cao đột ngột, ho khan, đau cơ…cần đưa ngay đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
- Cần phải tuân thủ đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc, tránh các biến chứng khó lường xảy ra, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.
Đảm bảo vệ sinh chuồng trại chăn nuôi
- Cần thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt khuẩn khu vực chăn nuôi gia cầm.
- Không sử dụng phân gia cầm làm phân bón.
- Khi có gia cầm, thủy cầm mắc bệnh và bị chết, cần phải báo với chính quyền địa phương và có kế hoạch tiêu hủy cẩn thận, tránh để dịch bệnh lây lan diện rộng.
- Tiêm vắc xin cúm A/H5N1 cho gia cầm ở vùng có nguy cơ cao.
Trên đây là các nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp phòng ngừa bệnh cúm gia cầm H5N1 ở người. Hãy áp dụng một cách tích cực nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội trước sự tấn công của căn bệnh này.