1) KỸ NĂNG SỐ 1: Bạn của con thường xuyên chơi xấu
Tình huống: Một người bạn của con thường xuyên chơi xấu, làm tổn thương hoặc gây khó khăn cho con.
Cách dạy con:
1. Nhận diện hành vi: Con cần nhận ra liệu hành vi đó là chơi xấu, thiếu tôn trọng con. Hãy phân biệt nó với trò đùa vô ý của bạn. Tuy nhiên, trò đùa lập lại thường xuyên thì nó không phải trò đùa vô ý thông thường.
2. Giao tiếp thẳng thắn: Dù người đó là bạn thân của con hay chỉ là bạn bình thường trong lớp, thì con nói rõ với bạn về cảm giác của mình và yêu cầu dừng hành vi không đúng đó.
3. Giữ khoảng cách: Nếu bạn đó không thay đổi, con nên tìm 1 người bạn khác để chơi, giữ khoảng cách với bạn đó, hãy tìm và chơi với những người bạn tích cực, công bằng hơn.
4. Chia sẻ với cha mẹ: Nếu hành vi đó làm con đau như chảy máu, bầm tím,… hoặc tổn thương như con cảm giác rất buồn, xấu hổ… thì hãy chia sẻ với cha mẹ. Con cần biết rằng: chia sẻ với cha mẹ không phải mách lẻo mà là tìm kiếm sự hỗ trợ và an ủi.
2) KỸ NĂNG SỐ 2: Bạn bè mượn tiền con
Tình huống: Bạn bè hỏi mượn tiền con và con phải quyết định có nên cho mượn hay không.
Cách dạy con:
1. Xem xét mối quan hệ: Con chỉ cho mượn tiền với người con biết và là bạn thân con tin cậy. Tuy nhiên, con không cho mượn qua lời giới thiệu hoặc ai đó mượn dùm.
2. Cân nhắc khả năng tài chính: Con cân nhắc việc cho mượn 1 lượng tiền mà con không bị ảnh hưởng đến nhu cầu thiết yếu của con và con vẫn cảm thấy vui vẻ bỏ qua với 1 nguyên tắc (bên dưới) nếu bạn không có khả năng trả.
3. Lưu giữ các khoản nợ: Con cần ghi lại các khoản tiền cho mượn và thời gian thoả thuận trả nợ.
4. Giữ nguyên tắc khi bạn không trả: nguyên tắc là “chấp nhận không cần số tiền đó, không cần đòi và không cho mượn lần 2”. Với 2 trường hợp xảy ra, con có cách đáp ứng khác nhau:
- Nếu họ xin khất lại, thì con nên nói: “bạn khó khăn, khi nào có bạn trả cho mình.” Và giữ đúng nguyên tắc ở trên.
- Nếu họ không nói gì, thì con không cần đòi và giữ nguyên tắc ở trên.
Tại sao? Họ không trả thường có 2 nguyên nhân: (1) họ chưa có khả năng , (2) họ không muốn trả. Dù nguyên nhân nào, mình cũng không thể ép và mình có nguyên tắc sống của mình. Chỉ cần con giữ nó thật tốt là được, mọi thứ tốt đẹp sẽ tự đến sau đó.
5. Học cách từ chối: Con có thể từ chối nếu không thể cho mượn hoặc không muốn. Nhưng con cần học một cách từ chối lịch sự.
3) KỸ NĂNG SỐ 3: người lạ tiếp cận
Tình huống: Con bị tiếp cận bởi người lạ ở nơi công cộng
Cách dạy con:
1. Không nói chuyện với người lạ: Khi ai đó con không biết, con không cần thiết phải nói chuyện và tuyệt đối không đi theo người lạ, không nhận quà từ họ, không ăn uống gì từ họ cho.
2. Giữ khoảng cách: Con cần giữ khoảng cách an toàn với người lạ.
3. La lớn khi họ chạm vào con và làm con đau: con hãy la thật lớn “con không biết chú” và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người xung quanh.
4. Nếu con bị lạc, thì hãy đứng 1 chỗ: khi con đứng 1 chỗ thì cha mẹ sẽ dễ tìm thấy con. Con có thể nhờ giúp đỡ từ những người sau: chị thu ngân, bác bảo vệ, cảnh sát.