Nhiều lúc cha mẹ rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười với những cách ứng xử khó hiểu của trẻ mỗi ngày. Như, khi có một đứa trẻ đến nhà chơi nhưng mỗi khi thấy bé kia cầm cái gì lên chơi, con mình cũng chạy đến giật ôm hết vào người và hét “của mình”, thậm chí còn đánh bạn hoặc khóc ăn vạ. Một tình huống khác là trẻ luôn khăng khăng đòi làm điều trẻ muốn cho bằng được, ai đụng vào đều khóc thét và ăn vạ. Không ít lần tôi gặp đứa trẻ đòi tự mặc quần, cha hay mẹ của cậu bé muốn giúp thì cậu lại “làm trận làm thượng” dù cậu ta xỏ 2 chân vào 1 ống quần và không đi được. Lúc này cậu cũng khóc la, nhưng nhất quyết không cho cha mẹ đụng vào hay làm gì cả…
Đó chỉ là 1 vài ví dụ về sự “khó hiểu” của trẻ mỗi ngày. Liệu trong cái đầu nhỏ xíu ấy nghĩ gì cơ chứ? TS. Kennedy-Moore, New York, Mỹ đã cho chúng ta hiểu rằng “những điều trẻ nghĩ rất thú vị và vô cùng đáng yêu trong thế giới dễ thương của trẻ, và nó không giống như cách người lớn chúng ta nghĩ”. Nên nhớ rằng trẻ không hề có trải nghiệm sống như chúng ta, trẻ không có đủ ngôn ngữ để diễn đạt như chúng ta, nhưng cách nghĩ của trẻ là chân thật và tập trung hơn chúng ta.
ĐÂY LÀ NHỮNG ĐIỀU TRẺ HIỂU
Tôi sẽ không cố gắng “dịch” tất cả những điều trẻ hiểu trong nội dung bài này vì nó là không thể. Tuy nhiên, sau đây là 1 vài ví dụ để cha mẹ có thể đọc và dịch được những điều trong đầu đứa trẻ đang nghĩ. Khi đó, việc nuôi dạy trẻ sẽ trở nên dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều.
“Của mình!”
Nó đơn thuần chỉ cho mọi người biết về thứ sở hữu của trẻ, không mang ý nghĩa nào như cách người lớn hiểu là ích kỉ hay không biết chia sẻ. Với người lớn do suy nghĩ của họ mà tự làm họ cảm thấy ngại hay lo lắng con ích kỷ, thậm chí họ đã la mắng, đánh, ép 1 đứa trẻ phải chia sẻ. Thực ra nó không cần thiết, thậm chí làm ảnh hưởng đến phát triển của trẻ. Khi đứa trẻ chưa sẵn sàng chia sẻ, chúng ta không nên ép trẻ làm điều này vì trẻ chưa hiểu về tính sở hữu và hiện diện bản thân. Ép buộc 1 đứa trẻ phải chia sẻ chỉ làm trẻ hiểu sai về nó. Đây là cách trẻ hiểu sai “tại sao mẹ lại bắt mình chia sẻ cái của mình”
Thực ra, hiểu biết về tính sở hữu là 1 phần phát triển quan trọng và đầu tiên của sự chia sẻ sau này. Đầu tiên trẻ phải nhận ra bản thân là trung tâm và những thứ trẻ có (tính sở hữu bắt đầu). Khi đó, trẻ nhận ra sự tồn tại của người khác và dần biết chia sẻ cái trẻ có. Vậy, bạn đã hiểu tại sao trẻ cần hiểu cái mình có trước tiên rồi đó.
Cách đáp ứng với trẻ: đơn giản bỏ qua các lời nói đó. Đừng dùng các lời nói như “kệ nó đi, nó giữ của lắm”. Mà hãy giúp trẻ nhận ra chia sẻ thông qua trò chơi chuyền bóng hay đồ chơi với cả nhà. Khi đó, trẻ nhận ra sự mất đi của món đồ rồi lại có lại nó như 1 cách trẻ nhận ra sự tồn tại của mọi người và mọi thứ xung quanh trẻ.
“Con tự làm được!”
Trở lại tình huống tự mặc quần ở đầu bài. Trẻ có thể không nói rõ là “con tự làm được”, nhưng sẽ để lại dấu hiệu để bạn có thể nhận ra như bạn cố làm gì cho trẻ khi trẻ đang làm trẻ sẽ phản ứng bực tức hay khó chịu ngay. Đó là thông điệp rõ ràng “con tự làm được”. Lúc này bạn có thể nghĩ “sao không để mẹ giúp thì có nhanh hơn không?” Nhưng trẻ không nghĩ như vậy, cái trẻ muốn không phải là kết quả nhanh hay chậm, mà là nổ lực của trẻ. Điều mà trẻ đang nghĩ thực sự là “con nhìn thấy mẹ làm rồi con có thể làm được”. Suy nghĩ này của trẻ rất quan trọng vì nó giúp trẻ phát triển khả năng bắt chước và nổ lực đạt được mục tiêu. Việc xen vào của bạn chỉ đang “cướp” lấy mục tiêu của trẻ và lại tiếp tục cho trẻ thấy “bạn làm được” chứ không phải trẻ và trẻ phản ứng lại bạn là điều dễ hiểu.
Cách đáp ứng khá đơn giản: Biết là bạn nôn nóng làm giúp trẻ cho nhanh, nhưng đừng vội cướp nổ lực của trẻ. Vì khi bạn vội giúp ngay trẻ sẽ phản ứng mạnh và sẽ biến thành hành vi “đổ thừa” và trẻ không học được gì. Bạn nên cho trẻ thời gian để tự làm và hướng dẫn trẻ những bước nhỏ mà trẻ có thể dễ dàng theo và làm được. Khi trẻ làm được, khích lệ trẻ bằng lời khen và đánh tay chuc mừng với nhau như cách công nhận thành quả của trẻ.
“không, không chịu”
Nó có thể là tình huống thường gặp nhất khi trẻ đang chơi cái gì, hay đang lựa đòi mua cái gì. Đỉnh điểm là nằm lăn ra đất ăn vạ và khóc thét. Có lẽ lúc này bạn nghĩ “nó làm gì vậy, lăn khóc ra đường”. Nhưng, thực ra trẻ cho bạn thông điệp rõ ràng “con không muốn đi, con muốn ở đây chơi nữa” hoặc “con không muốn cái đó, con muốn cái kia hoặc tất cả.
Cách đáp ứng: Nếu tình huống rơi vào đỉnh điểm (lăn ra khóc ăn vạ), thì đầu tiên hãy cho trẻ có thời gian giải tỏa hết cảm xúc đang có bằng cách dẫn hay bế trẻ sang 1 nơi mà trẻ không bị đau hoặc không làm phiền người khác (VD, dẫn ra ngoài nếu đang trong nhà thờ, hoặc bế ra ngoài nếu đang xếp hàng siêu thị) và nói với trẻ “con ở đây khóc và mẹ sẽ ngồi đây đợi con, khi khóc xong và nín hẳn thì nói mẹ nghe!” Thực ra việc đợi là cách để trẻ nhận ra tình huống của bản thân và sẽ sớm giúp trẻ thoát khỏi tình huống khó khăn hiện tại. Do đó, trẻ sẽ sớm nín khóc bằng việc cho trẻ biết bạn sẽ đợi để nghe trẻ nói hơn là bằng lời nói mắng chửi hay đánh đau – cách mà chỉ làm trẻ khóc lớn hơn hay nín khóc trong ấm ức. Nếu tình huống chưa xảy ra đỉnh điểm, thì ngay từ sớm trước khi tình huống diễn ra bạn nên cho trẻ tự lựa chọn quyết định của mình. VD, như “con có 3 phút kết thúc chơi và đi về, mẹ bấm giờ nhé!” hoặc “con có 2 phút để quyết định mua 1 món, mẹ bấm giờ. Nếu sau đó con không quyết định chúng ta sẽ ra về không có món nào được mua”. Cách trao quyền tự chủ cho trẻ là cách khôn ngoan vì trẻ con là rất giỏi trong việc đánh giá và lựa chọn điều tốt nhất cho bản thân trẻ.
Note
Kennedy-Moore, E & Carey T. 2019. What’s My Child Thinking?: Practical Child Psychology for Modern Parents. Dorling Kindersley