NHỮNG SAI LẦM THƯỜNG GẶP CỦA CHA MẸ KHI GẶP TÌNH HUỐNG TRẺ ƯƠNG BƯỚNG
Trẻ thường giơ tay đánh cha mẹ, ông bà, hoặc hét lớn mỗi khi không hài lòng điều gì? Điều này có ý nghĩa như thế nào? Và cách đáp ứng của cha mẹ là nên như thế nào?
Tại sao trẻ lại có hành vi như vậy?
Thực ra trẻ con không có ý gì khi nói những điều này, càng không phải là trẻ “vô phép” như người lớn chúng ta vẫn nghĩ. Chỉ đơn giản là trẻ còn nhỏ (thường dưới 6 tuổi) vẫn còn đang phát triển ngôn ngữ nên gặp nhiều hạn chế trong cách diễn đạt cảm xúc của trẻ. Các hành vi trên thường được sử dụng như 1 cách để trẻ thể hiện cảm xúc. VD, việc đánh của trẻ chỉ đơn giản là “con không muốn vậy” và việc đuổi cha mẹ chỉ có nghĩa “con muốn tự làm/tự chơi hay muốn 1 mình”.
Thực ra trẻ không thực sự hiểu hành vi trẻ làm. Do đó, việc la mắng, đánh đau hay cố giải thích và khuyên nhủ là không hiệu quả.
Cách đáp ứng với điều này khá đơn giản:
Với các hành vi đánh: chia làm 2 trường hợp
Trường hợp 1: việc đánh của trẻ không gây phiền phức gì, thì cha mẹ đơn giản bỏ qua, vẫn làm những việc đang làm với trẻ. Nó giúp trẻ cảm thấy hành động trẻ làm chẳng làm hứng thú mẹ mình, thì trẻ sẽ dần bỏ.
Trường hợp 2: việc đánh của trẻ gây phiền phức (VD, đánh lên mặt mẹ đau, hoặc đánh vào mặt ông bà), bạn đơn giản nói với trẻ với thái độ nghiêm: “Bin, mẹ đau, mẹ không thích vậy!”. Sau đó ngưng tương tác tạm thời với trẻ trong 5 tiếng đếm thầm và sau đó tương tác bình thường. Việc này cũng tạo cho trẻ khoảng ngưng đủ để hiểu hành vi này không hứng thú mẹ và sẽ dần tự bỏ.
Bạn sẽ hỏi: liệu có cần giáo dục hay khuyên nhủ trẻ sau đó?
Điều này là cần. Nhưng, không phải làm lúc hành vi diễn ra vì thực ra trẻ chưa thể liên kết được các hành vi trẻ làm lại với nhau. Giáo dục và khuyên nhủ chỉ làm khi hành vi đã diễn ra và trong 24 tiếng đồng hồ là hiệu quả nhất. Giáo dục và khuyên nhủ ở đây không phải là lôi trẻ ra phạt hay giáo dục, mà đơn giản đọc sách, trò chuyện về những nhân vật trong câu chuyện nào đó để nói là “con có thể gọi mẹ, mẹ trả lời chứ không cần đánh mẹ”. Song song đó, bạn nên dạy trẻ những câu nói như “con không thích” và “con thích” để trẻ biết sử dụng ngôn ngữ thay vì dùng dạng phi ngôn ngữ như đánh, hét lớn
Với tình huống “đuổi mẹ” ra ngoài
Cách đáp ứng của bạn khá đơn giản là nói với bé rằng: “mẹ ra nhé, khi nào con cần hãy gọi mẹ”. Cách nói này sẽ cho trẻ không gian tự làm mà vẫn cho trẻ cách tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn khi trẻ cần. Nếu bạn có thể quan sát tìm dấu hiệu và nói trước khi trẻ dùng các từ trên thì sẽ càng hiệu quả hơn. Song song đó, nên day trẻ các câu ngắn để diễn đạt như “con không thích” hoặc “để con tự làm ạ”. Riêng các hoạt động liên quan đến màn hình điện tử thì bạn nên thiết lập giới hạn như “con có 5 phút để kết thúc, sau đó con phải trả lại điện thoại cho mẹ. Nếu không thì đến ngày mai con mới có thể sử dụng lại”.
Với trẻ trên 6 tuổi có các hành vi trên thì cha mẹ nên đáp ứng như thế nào?
Thực ra lúc này trẻ đã có thể học cách sử dụng ngôn ngữ và nhận thức được hành vi trẻ đang có. Cha mẹ chỉ cần cho trẻ thấy thái độ cho hay không cho trong cách giải quyết và thiết lập giới hạn cho trẻ là được. VD, trẻ tỏ thái độ khóc la đòi cái gì đó hoặc không vừa lòng điều gì, thì bạn nói với trẻ “nếu con không nói cho mẹ nghe con cần gì, thì mẹ cho rằng con không muốn trò chuyện và chúng ta không nói đến việc này nữa cho đến ngày mai!” Cách này sẽ cho trẻ nhận thức việc mẹ mình rất kiên quyết cần trò chuyện hơn là la hét, trẻ con vốn rất thông minh và trẻ sẽ tự biết mình cần nói với mẹ thì mới đạt được điều mình muốn. Chìa khóa thành công ở đây là thái độ của cha mẹ, càng kiên quyết càng tốt. Dù trẻ chọn gì, bạn vẫn giữ đúng lập trường. Đó mới là cách giúp trẻ trưởng thành.
Khi trẻ bướng một điều gì đó
La mắng hay khuyên nhủ đủ cách nhưng trẻ vẫn không nghe, khi cha mẹ cầm cái roi để hù hay đánh trẻ, thì lúc này trẻ có vẻ sợ và nghe theo. Liệu hành vi này trẻ có thực sự sợ và không tái phạm cho lần sau?
Việc cầm roi dọa hoặc đánh trẻ có thực sự làm trẻ sợ?
Đúng là trẻ sợ, nhưng là sợ bạn. Nhưng, trẻ không nhận thức được trẻ sợ cái gì hay nói đúng hơn là trẻ không liên kết được hành vi trẻ đang bướng với việc sợ này. Điều này gây cho trẻ cảm giác lo lắng, hoang mang. Việc dừng khóc chỉ là tạm thời lúc đó, vì cảm thấy lo lắng hoang mang, nhưng trẻ không nhớ để học để có hành vi tốt hơn. Do đó, trẻ sẽ vẫn lập lại sự ương bướng này sau đó
Việc làm trẻ sợ như vậy đôi lúc làm cha mẹ cảm thấy hiệu quả, nhưng thực ra nó đang ảnh hưởng đến trẻ và trẻ dễ mất lòng tin vào bạn khi lớn. Điều mà chúng ta không hề muốn đúng không.
Cách đáp ứng của cha mẹ nên như sau:
Thực tế việc khuyên nhủ hay la mắng cũng không hiệu quả với trẻ vì trẻ còn quá nhỏ để hiểu về hành vi trẻ đang có. Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ và Tổ chức CDC của Mỹ khuyên cha mẹ nên sử dụng các phương pháp quản lý hành vi vì các phương pháp này giúp trẻ liên kết nguyên nhân và hệ quả trong hành vi trẻ có. Trẻ rất thông minh và luôn biết cách chọn hệ quả tốt nhất khi nhận ra các nguyên nhân có thể dẫn đến. Đó là cách làm mà cha mẹ hiện đại và tích cực nên lựa chọn. Có 3 phương pháp hành vi được khuyên:
+Chuyển hướng (distraction): dùng hiệu quả với trẻ dưới 15 tháng tuổi.
+ Thiết lập giới hạn 1,2,3 magic: dùng hiệu quả với trẻ từ 15 tháng tuổi trở lên
+ Tạo không gian nhàm chán để suy nghĩ (Time-out) dùng hiệu quả cho trẻ từ 18 tháng trở lên. [chỉ dùng với 1 hành vi ương bướng cường độ tăng, hay lập lại hoặc các cách trên không hiệu quả]