CÂU CHUYỆN DẠY CON TỪ NHỮNG NGƯỜI VĨ ĐẠI

Có 3 câu chuyện về dạy con tôi đã từng đọc ở đâu đó mà trong đó ẩn chứa những bài học giá trị mà những người làm cha mẹ như chúng ta cần suy ngẫm:

CÂU CHUYỆN THỨ 1: Lời động viên đúng lúc

Cậu bé George Washington, sau này là vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ cũng là người lãnh đạo vĩ đại của thế giới, khi mới 6 tuổi vẫn còn nghịch ngợm và ham chơi. Trong 1 lần muốn giúp mẹ chặt các nhánh cây, nhưng vì mong muốn tìm nhánh cây to hơn, cứng hơn để thử sức với chiếc rìu sắt nhỏ cậu đang có. Thì lúc này, cậu George đã phạm lỗi chặt cây anh đào yêu quý của cha mình. Khi biết tin, cha cậu dù rất tức giận vẫn giữ bình tĩnh để hỏi “ai đã chặt cây anh đào yêu quý của bố”. Dù cảm thấy lo lắng, cậu bé George đã nói với bố mình “dạ, con không thể nói dối bố được, chính con đã làm”.
Thay vì la mắng hay “dạy dỗ” con ra trò, người bố từ tốn nhìn đứa con và nói rằng: “lại đây nào con trai, bố cảm thấy rất vui vì sự trung thực của con, nó đáng giá hơn hàng ngàn cây anh đào của ta”.
Điều gì chúng ta nên suy ngẫm: Thực ra, đứa trẻ nào cũng tinh nghịch và ham chơi, việc con trẻ làm lỗi là điều thường thấy. Khi trẻ làm lỗi, thái độ của cha mẹ chúng ta với hành vi trẻ là rất quan trọng. Bài học chúng ta nên dạy trẻ lúc này là giúp trẻ dũng cảm chia sẻ lại điều trẻ làm sai vì khi đó chúng ta mới giúp trẻ nhận ra và thay đổi. Quát tháo hay la mắng khi tức giận chỉ làm đứa trẻ sợ hãi, thậm chí phát triển hành vi che giấu và ngày càng xa rời tình yêu của chúng ta.

CÂU CHUYỆN THỨ 2: ĐỪNG PHÍ THỜI GIAN SO SÁNH TRẺ, MÀ HÃY TÌM ĐIỂM LỢI THẾ CỦA TRẺ ĐỂ GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN

Tôi muốn kể câu chuyện của vị đạo diễn nổi tiếng Hollywood Steven Spielberg là một người Mỹ gốc Do Thái. Lúc nhỏ ông bị chứng khó đọc. Do vậy, ông luôn là tâm điểm chú ý trong cả lớp vì luôn bị chê cười là không làm được bài, đọc kém. Thay vì la mắng các điểm số thấp trên lớp của ông, mẹ ông đã động viên và hướng ông tìm hiểu thế giới qua hình ảnh, thông qua chiếc máy ảnh nhỏ. Chính sự động viên này mà đã có hàng loạt các bộ phim bom tấn của ông ra đời như: Công viên kỷ Jura, Hàm cá mập…
Điều gì chúng ta nên ngẫm: Điều quan trọng cho 1 đứa trẻ là có một người cha, người mẹ như mẹ của Steven Spielberg – luôn nhận ra và tin rằng con mình là phiên bản duy nhất, có những tiềm năng, thế mạnh riêng. Đây là món quà mà tạo hóa đã tặng riêng cho mỗi người cha người mẹ. Đừng đem con đi so đo, so sánh tại sao con cái chúng ta không giỏi giang, không hoạt bát như con người ta. Mỗi đứa trẻ sẽ cần có không gian phát triển, hoàn thiện khác nhau. Mục tiêu của cha mẹ là làm sao để hiểu con và tạo điều kiện thuận lợi để con được phát triển tốt nhất.

CÂU CHUYỆN THỨ 3: GIÚP TRẺ XÂY DỰNG NIỀM TIN KHI CHÍNH CHA MẸ TIN VÀO TRẺ

Chắc hẳn chúng ta khá quen thuộc với câu chuyện về bức thư mà người mẹ đã đọc cho cậu bé Thomas Edison. Bức thư được gửi từ hiệu trưởng trường của ông, nhưng người mẹ vĩ đại của ông đã “biến tấu” làm nó trở thành 1 động lực tạo nên con người vĩ đại cho nhân loại Thomas Edison. Thực ra, ngoài bức thư trên, người mẹ vĩ đại này đã luôn đặt 1 niềm tin mãnh liệt vào đứa con của bà. Câu chuyện con gà mái ấp trứng cũng là 1 bài học sâu sắc mà chúng ta nên suy ngẫm.
Edison đam mê khám phá – đó là do mẹ ông đã không cười nhạo ông khi ông làm điều gì đó “bất thường”. Lúc nhỏ cậu bé Edison đã từng ngồi vào ổ ấp của gà mái để mong trứng nở ra gà con khi ông nhìn thấy đàn gà nở ra và đã tự hỏi “gà nằm trên đống trứng lại có thể ấp ra gà con, người mà ngồi trên đống trứng thì sao nhỉ?” Dù ai cũng cười cậu bé là ngốc nghếch, còn người mẹ chỉ nói với cậu rằng: “con đã làm điều rất thông minh dù đã không ấp được quả trứng nào. Nếu không ai từng thử bất cứ điều gì, ngay cả những gì mọi người nói là không thể, sẽ không ai học được bất cứ điều gì mới”.
Điều gì chúng ta nên ngẫm: trẻ con vốn đam mê sáng tạo và khám phá. Chính lúc này là lúc trẻ học hỏi tốt nhất chứ không phải ngồi bàn ghế chỉnh tề để đọc i a cái chữ, con số. Cách đáp ứng của cha mẹ chúng ta rất quan trọng, bạn có thể tắt đi cảm hứng sáng tạo của đứa trẻ hay mở ra 1 trí tuệ tuyệt vời cho trẻ chính là ở thái độ này. Cha mẹ muốn giúp trẻ xây dựng niềm tin vào bản thân thì trước tiên chính cha mẹ cũng phải tin vào trẻ.

HỎI ĐÁP CHUYÊN GIA

Vui lòng nhập câu hỏi của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây