Cuối cùng con đã ngủ sau 1 hồi khóc mệt, em nhẹ nhàng đóng cửa. Đằng sau cánh cửa, tim em nặng trĩu với sự dằn vặt. Lại 1 lần nữa em đã thiếu kiềm chế và giận dữ với con. Em cảm nhận được rằng, em luôn dễ dàng bỏ qua cho Ken -cậu bé hàng xóm chạy chơi va vào em và còn vui cười nói “cô xin lỗi, con có đau không, lần sau con cẩn thận hơn nhé”. Nhưng, cùng 1 tình huống, khi em đi làm về, con mãi mê chạy chơi và lỡ dẫm vào váy mẹ, thì em lại quát lên “Na, con dẫm vào chân mẹ kìa, đi đứng phải cẩn thận chứ, con gái mà vậy đó.” Và em bắt đầu lôi ra hàng tá những lỗi lầm khác của con. Con bé ngây thơ bỗng bị mắng và khóc tức tưởi cả buổi.
Đó là lời tâm sự của 1 người mẹ vào sáng nay sau khi tôi đọc xong kết quả gen của con chị. Khi nghe những lời chị nói tôi hiểu rằng: đây là 1 người mẹ dũng cảm thì cô ấy mới có thể thoát ra 1 “cái bẫy tâm lý” nguy hiểm trong nuôi dạy trẻ mà nhiều cha mẹ dễ dàng mắc phải
Cái bẫy tâm lý đó là gì? Thực tế có thể nhìn thấy: chúng ta dễ dàng bỏ qua cái sai, thất bại của những đứa trẻ khác, nhưng với con cái chúng ta, chúng ta lại dễ dàng tức giận, quát mắng những lỗi sai và thất bại, thậm chí là những điều rất nhỏ nhặt.
Thực ra, lí do đều xuất phát từ chữ “quá yêu”. TS. Stosny, ĐH Maryland, Mỹ từng chia sẻ: khi con cái phạm lỗi, dù lớn hay nhỏ, đều cho chúng ta cảm giác “chúng ta làm cha mẹ không đủ tốt”. Ông giải thích: cảm giác này là 1 con dao 2 lưỡi: 1 lưỡi có thể là động lực nhắm vào chính bản thân chúng ta để chúng ta rèn luyện sự bình tĩnh, đọc thêm sách, học hỏi để nuôi dạy trẻ tốt hơn. Trong khi đó, lưỡi còn lại có thể làm chúng ta nghĩ sai thành “thất bại hoặc không đủ hoàn hảo”, và điều này khiến chúng ta hướng mũi dao lên chính đứa trẻ như là 1 tấm bia để chúng ta trút giận và thể hiện sự khắc khe hơn.
LÀM SAO ĐỪNG BIẾN TRẺ THÀNH TẤM BIA CỦA CƠN GIẬN DỮ CỦA BẠN?
1. Chọn làm 1 người mẹ tốt, đừng làm 1 người mẹ hoàn hảo
Để 1 đứa trẻ hạnh phúc và thành công, hãy làm 1 người mẹ tốt. 1 người mẹ tốt là người mẹ biết chấp nhận những sai lầm để làm tốt hơn và giảm những sai lầm tương tự. Điều này cho bạn hiểu rằng trẻ con cũng sẽ mắc sai lầm và cần được dạy dỗ uốn nắn. Ngược lại, nếu bạn là người mẹ hoàn hảo, bạn theo đuổi sự không mắc sai lầm. Nếu sai lầm xảy ra, bạn không thể chấp nhận nó là của bạn mà cho là từ trẻ. Lúc này, không phải là dạy dỗ mà là sửa, là trách phạt.
2. Đừng bao giờ đưa quyết định khi bạn tức giận, hãy cho não bộ dừng 5 tiếng đếm thầm (1,2,3,4,5)
Khi bạn tức giận, IQ của não bộ chỉ còn 30% so với lúc bình thường. Nó chỉ đủ vận hành để não bộ ở trạng thái ở mức tối thiểu mà không đủ cho bất kì quyết định quan trọng nào. Nếu quyết định được làm thường sẽ là 1 sai lầm hối tiếc. Do đó, hành động la mắng, đánh trẻ lúc này chính là sự chỉ dẫn lúc não bộ đang “ngu ngốc” nhất. Hãy để nó có đủ 1 khoảng lặng để có thể nhìn vào tổng thể và để đưa ra quyết định. Như câu chuyện người mẹ đầu bài: nếu cô ấy dừng lại 1 lúc, cô ấy sẽ nhận ra khuôn mặt hạnh phúc của cô con gái 3 tuổi. Có lẽ khi đó, câu chuyện đã thay đổi và 1 khoảng khắc hạnh phúc của bé gái và mẹ đã được xuất hiện.
3. Học cách nói lời xin lỗi với con khi bạn đã thể hiện sự tức giận với trẻ
Bạn sẽ thắc mắc: khi trẻ làm sai, chúng ta vẫn phải xin lỗi trẻ sao? Đúng vậy, xin lỗi ở đây là bạn cho trẻ thấy bạn cảm thấy có lỗi với hành vi sai của bạn. Ở đây là thể hiện sự tức giận, thiếu kiềm chế. Nó độc lập với hành vi của trẻ. Chúng ta thường đánh đồng chung và điều này dễ làm “lưỡi dao thứ 2” xảy ra. Xin lỗi nên được làm trong 24 giờ từ khi hành vi đó xảy ra. Bài học xin lỗi này không chỉ quan trọng cho bạn mà còn cho trẻ. Đứa trẻ sẽ hiểu rằng: nhận ra hành vi sai và chấp nhận nó là 1 điều dũng cảm, đáng tự hào. Có được điều này thì đứa trẻ không bao giờ thiếu hạnh phúc và thành công.
4. Dũng cảm ghi nhận mỗi lần thể hiện sự thiếu kiềm chế.
Lúc đầu, tôi nói người mẹ ở trên là 1 người mẹ dũng cảm vì cô ấy đã thừa nhận sự thiếu kiềm chế cảm xúc với con. Đó là dấu hiệu tốt của thay đổi. Cũng giống như lời khuyên tôi dành chongười mẹ này, sau mỗi lần bạn la mắng, quát tháo trẻ thiếu kiềm chế, bạn hãy ghi nhận lại tình huống đó:
• Lúc đó con của tôi sẽ như thế nào nếu tôi không quát tháo con?
• Tình huống sẽ như thế nào nếu tôi bình tĩnh hơn?
• Tôi sẽ làm gì nếu lần sau xảy ra
Bạn hãy viết câu trả lời của 3 câu hỏi trên vào 1 tờ giấy hoặc nghĩ thầm trong đầu sau mỗi lần bạn thiếu kiềm chế với trẻ. Tôi tin rằng bạn đã là 1 người mẹ dũng cảm và cũng là một người mẹ tốt của con