Đây là 3 câu chuyện rất hay tôi nhớ mình đã từng đọc ở đâu đó. Hi vọng những câu chuyện này cũng ý nghĩa với các bạn.
1. Sự công bằng và trách nhiệm
Đứa trẻ 5 tuổi thích nghịch bấm ngón tay vào trái cây khi đi cùng mẹ trong siêu thị. Khi về nhà, cậu bé ngạc nhiên nhìn số trái cây mẹ vừa mua về sao có dấu móng tay bị thâm đen và hỏi mẹ: sao mẹ lựa những trái này bị thâm đen vậy mẹ? Người mẹ trả lời: Đó là những trái cây con bấm móng tay vào và nó không còn tốt và công bằng cho người khác nữa. Chúng ta cần phải mua nó con ạ. Đó là công bằng và có trách nhiệm.
Bài học: Trẻ đôi lúc không nhận ra điều mình đang làm là đang thiếu công bằng hay tổn thương người khác. Không sớm thì muộn trẻ phải học để sống công bằng trong xã hội, nhưng thay vì để xã hội dạy trẻ bài học này, cha mẹ có thể sớm dạy trẻ.
Độ tuổi có thể áp dụng từ 4 – 12 tuổi
2. Lựa chọn hay mất tất cả
Đứa trẻ đứng vòi vĩnh mẹ mình mua hết gói bánh này đến thanh kẹo khác. Cuối cùng người mẹ cho cô bé lựa chọn 1 loại để mua và phải hoàn thành lựa chọn trong 2 phút. Người mẹ bắt đầu bấm giờ trên điện thoại. Khi chuông reo lên là hết giờ, cô bé cầm lấy cả 2 và nằn nặt đòi mua. Người mẹ liền cầm cả 2 món và để lại trên kệ: Cơ hội để con lựa chọn chỉ đến 1 lần, đừng bỏ lỡ nó. Nếu bỏ lỡ nó con phải chấp nhận không có gì khi về nhà. Dù cô bé rất tức và phản kháng lại mẹ mình, nhưng với sự cương quyết người mẹ vẫn dẫn cô ra về mà không có viên kẹo nào được mua.
Bài học: khi trẻ được cho lựa chọn và biết giá trị của lựa chọn, trẻ sẽ làm rất tốt.
Độ tuổi áp dụng: 3-10 tuổi
3. Bài học thứ 3: “5 phút nữa thôi nhé bố!”.
Một người bố cùng đứa con gái nhỏ ra công viên gần nhà chơi. Người bố ngồi đợi cô bé ở 1 băng ghế có thể quan sát cô bé chơi đùa. Cùng ngồi với ông có 1 người phụ nữ khác. Khi trời gần tối, người bố gọi cô bé ra về thì từ xa cô bé vọng lại: “5 phút nữa thôi nhé bố!”. Người bố vui vẻ đáp: “Uhm, 5 phút nữa nhé con gái!”. Một lúc sau, người bố lại gọi cô bé, nhưng cô gái nhỏ đáp từ xa với bố rằng: “5 phút nữa, chỉ 5 phút nữa nhé bố!”. Người bố vẫn vui vẻ đáp “Uhm, 5 phút nữa nhé!”. Người phụ nữ có vẻ hết kiên nhẫn và nói với ông bố rằng “ông thật kiên nhẫn với con bé”. Người đàn ông đáp: chỉ vài tháng trước, anh trai con bé cũng đạp xe gần đây và đã bị tai nạn qua đời. Tôi tiếc rằng mình đã có quá ít những 5 phút như vậy để tận hưởng những giây phút hạnh phúc cùng con và tôi tự hứa với mình: với Melissa, em của nó tôi sẽ cố gắng tận hưởng thật nhiều thời gian bên con bé.
Khi cô bé vui vẻ nghĩ rằng được cha mình cho thêm 5 phút để chơi cùng bạn, thì thật ra đó lại là 5 phút hạnh phúc mà người cha đang tự cho bản thân mình để tận hưởng bên cô bé.
Câu chuyện cuối này không dành cho trẻ, mà dành cho chính cha mẹ chúng ta. Ý nghĩa của nó không nằm ở được hay mất, mà là tiếng chuông để nhắc nhở chúng ta: Cuộc sống luôn có những ưu tiên, hãy biết đâu là ưu tiên nhất của bạn và hãy tận hưởng những giây phút hạnh phúc mỗi ngày bên trẻ.
Note
Five More Minutes. KindspringORG.
Chào các bạn, mỗi khi bạn tức giận vì một điều gì đó ở trẻ hãy nhớ đến những điều này:
1. Chúng ta luôn nhớ rằng: Cơn giận là lửa – lửa chỉ làm cháy tất cả. Bình tĩnh là Nước –Nước có thể tắm mát tâm hồn, nhưng chọn làm Nước không có nghĩa là chọn yếu thế hơn, mà bạn chọn cách giải quyết vấn đề vì “Nước làm tắt ngọn lửa”.
Khi trẻ bướng bĩnh, là lửa. Khi trẻ vòi vĩnh khóc la, là lửa. Khi trẻ không chịu ăn, là lửa. Khi trẻ đánh bạn, là lửa.
Đừng tức giận vì đó là lửa. Hãy đợi cơn tức giận giảm về 0, là nước. Trong lúc chờ đợi có thể giải quyết trẻ bằng im lặng, im lặng như là bức tường làm ngọn lửa của trẻ không lan ra xa hơn.
2. Chúng ta không nên mắng chửi hoặc đôi co với trẻ vì đó là dầu. Dầu sẽ làm lửa bùng cháy.
3. Chúng ta không nên so sánh trẻ với ai đó vì đó là củi. Củi không bùng cháy như dầu, nhưng giữ lửa lâu hơn. Ngọn lửa cháy âm ỉ sẽ làm yếu kém tâm hồn con trẻ.
4. Im lặng là cách tốt nhất để hạn chế ngọn lửa lan xa. Áp dụng các nguyên tắc răn đe như Time-out, 1-2-3 magic là cách cắt nguồn oxy của ngọn lửa của trẻ. Khi trẻ mất lửa, các vùng chức năng học hỏi và hối cải sẽ phát huy.
Hiện giờ em đang có 2 bé, bé gái lớn 3,5 tuổi, bé trai nhỏ hơn 1 tuổi. Em ở xa bố mẹ và họ hàng, nên tất cả mọi việc của các con đều do 2 vk ck cáng đáng. Nhưng dạo này em thật sự rất stress, em ko kiên nhẫn đc với con, con cứ làm gì ko đúng là em sẵn sàng la hét chúng, có cả những lúc đánh con nữa. Em ko biết phải làm tnao để giảm bớt cơn nóng giận. Thật sự rất giận, ví dụ cho con ăn mãi mới được 1 ít cơm, hoặc cháo ( bé nhỏ). Nhưng tối đến con ho là trớ hết, em lại vất vả dọn đống ấy, nên em thật sự ko còn kiên nhẪn. Cảm giác mệt mỏi nhiều hơn cảm giác hạnh phúc ấy ạ!
Chào bạn, tôi đồng cảm với những khó khăn bạn đang chịu đựng. Điều bạn cần làm là nhận ra những nguồn cơn của “lửa” và tìm cách giải quyết nó từng bước 1, tránh để nó dẫn dắt các cảm xúc tiêu cực ở bạn. Tôi lấy ví dụ như cho trẻ ăn. Bạn cần nhận ra bé gái lớn 3.5 tuổi có thể đã có thể tự ăn và bắt đầu hiểu về luật ăn và nguyên tắc ăn vì trẻ lúc này phát triển sự độc lập. Lúc này bạn nên bắt đầu thiết lập và nói rõ luật lệ và nguyên tắc ở những hoạt động hằng ngày với trẻ, bao gồm việc ăn của trẻ. Luật ăn là nên rõ ràng như ăn bao nhiêu và gồm thứ gì, lúc ăn thì không TV/điện thoại, ăn bao lâu, hậu quả của vi phạm, khích lệ khi làm tốt. Thiết lập luật lệ là cách bạn bắt đầu trao cho trẻ tự đánh giá, quyết định và chấp nhận hậu quả liên quan. Đứa trẻ rất thông minh để biết tự đưa ra quyết định và đánh giá để làm điều tốt nhất cho trẻ. Đó cũng là cách tốt để trẻ hiểu về giới hạn. Với bé nhỏ, bạn có thể chia sẻ công việc chăm sóc trẻ với chồng bạn khi cảm thấy mệt mỏi. Những lúc cần khoảng lặng như vậy là cần thiết cho cơ thể có thời gian suy nghĩ và tái lập năng lượng. Những nguồn cơn làm bạn lo lắng mệt mỏi cần được viết ra và tìm hướng giải quyết, thay vì chỉ là suy nghĩ. Như, việc trớ thức ăn/sữa ở trẻ nhỏ, bạn nên xem xét tư thế cho bé ăn hoặc cấu trúc thức ăn của trẻ theo độ tuổi của trẻ. Bạn có thể xem lại bài viết trước đây của tôi về cấu trúc thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi. Mỗi ngày chúng ta đều sẽ gặp nhiều nguồn cơn gây ra stress, tuy nhiên, nếu chúng ta bình tâm trong hơi thở (trước 1 vấn đề nào đó khó chịu, hãy hít thở sâu ít nhất 5 lần trước khi đưa ra quyết định) để giúp bạn có đủ thời gian viết xuống các khó khăn và tìm hướng giải quyết. Khi đó, mỗi cơn lửa sẽ dần mất đi, 1 thế giới bình an sẽ lại đến và khi đó sẽ luôn có niềm hi vọng, sự sáng suốt và yêu thương ở quanh bạn. Chúc bé vui khỏe