Người lớn chúng ta thường hay kêu trẻ nhường em đi, hoặc có khi lại lấy món đồ trẻ đang cầm rồi nói “ạ đi bác cho” và nếu trẻ làm theo thì sẽ được khen là ngoan; hoặc những hình thức đổ thừa cho cái ghế cái bàn khi trẻ ngã…
Tôi không hiểu rằng: Liệu bài học bạn muốn dạy bé ở đây là gì? Có phải là sự yêu thương chia sẻ hay sự kính trọng.
Tiếc rằng, những điều này thật sự không mang bất kì ý nghĩa nào như trên, mà có thể đang làm trẻ hiểu lầm về sự công bằng- Một bài học lớn mà trẻ cần học khi bước vào đời
KHÁC NHAU GIỮA BÌNH ĐẲNG VÀ CÔNG BẰNG
Khi nói đến giáo dục trẻ nhỏ, 2 khái niệm này rất quan trọng, nhưng không thể lẫn lộn và cần có thứ tự phát triển. Mục đích chung là dẫn đến sự công bằng-điều mà làm đứa trẻ trở nên khác biệt và luôn được quý trọng.
Theo những nghiên cứu của nhóm TS. Smith, ĐH Chicago cho biết: Trẻ con từ độ tuổi nhỏ cần được hiểu về sự bình đẳng, trước khi nhận ra giá trị của công bằng.
Để hiểu về công bằng, trẻ phải nhận biết và được đối xử bình đẳng. Khi đã bình đẳng thì bản thân trẻ sẽ tự nhận thức về nhu cầu bản thân khác nhu cầu của những trẻ khác. Khi đó, tự bản thân trẻ sẽ nhận thức cho đi để có sự công bằng. Do đó, việc bạn kêu trẻ nhường em đi là do bạn muốn, nhưng bản thân của trẻ không hiểu điều này là gì. Thậm chí, đôi lúc làm trẻ chán ghét bé được nhường.
Thực ra, nổ lực tạo ra bình đẳng sẽ dẫn đến công bằng khi có sự xem xét nhu cầu. Do đó, trước tiên hãy dạy trẻ về sự bình đẳng.
ĐỘ TUỔI NÀO TRẺ BẮT ĐẦU NHẬN THỨC VỀ BÌNH ĐẲNG
Trẻ từ 2 tuổi sẽ bắt đầu hiểu về khái niệm chia đều, nhưng sự chia sẻ hay lớn phải nhường, ai được ưu tiên… là những khái niệm sai lầm mà chúng ta cố ép trẻ vào, và cho là trẻ bướng bỉnh hoặc không nghe lời vì không làm theo. Nên nhớ rằng, những khái niệm ấy không bao giờ hình thành khi trẻ chưa phát triển tính công bằng. Do đó, điều quan trọng là nuôi dưỡng sự bình đẳng trong cách giao tiếp, trong các hoạt động ở nhà, trong lớp hay nơi công cộng. Khi trẻ hiểu về bình đẳng thì sẽ tự phát triển sự công bằng. Khi đó, trẻ hiểu rằng khi nào cần nhường, cần chia sẻ.
Nhận thức về sự công bằng là nhận thức cao và xây dựng dựa trên nền tảng của bình đẳng. Nếu nó thuộc về nhận thức thì chỉ có bản thân trẻ mới tự nhận ra. Việc yêu cầu hay tác động của cha mẹ chỉ làm trẻ suy nghĩ lệch lạc, thậm chí trẻ có thể tự hỏi “tại sao phải nhường? tại sao phải chia sẻ?
Khi nào trẻ phát triển sự công bằng? Đây là 1 câu hỏi khó, nhưng đa dạng câu trả lời bởi vì nó tùy thuộc vào nhận thức của trẻ và trẻ được đối xử bình đẳng như thế nào trong môi trường sống. Thông thường từ 14 tuổi, trẻ có thể nhận thức về hành vi của bản thân. Nhưng, cũng có trẻ khi trưởng thành nhưng vẫn chưa phát triển được điều này.
DẠY TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Những viên gạch được đặt đúng chỗ sẽ tạo nên 1 bức tường vững chắc. Duy trì tính bình đẳng là nền tảng xây dựng sự công bằng. Nghe có vẻ quá trừu tượng, nhưng rất dễ thực hiện. Trẻ có thể hiểu và thậm chí thích sự bình đẳng hơn cha mẹ nghĩ, theo TS. Warneken, ĐH Harvard. Đây là một số cách cha mẹ có thể thực hiện để duy trì sự bình đẳng trong nuôi dạy trẻ
1. Khi gặp bài toán phải chia, bạn nên chia đều, không lớn nhỏ và không ưu tiên.
2. Với nhà có 2 trẻ, khi cả hai trẻ cùng nhau làm một việc gì, kết quả là của cả hai, bất kì trẻ nào làm sai, thì đều phạt cả hai. Khi nào bạn chỉ phạt bé sai, khi bạn giao công việc riêng lẻ và họ không phải là 1 đội. Khi đó, nó là trường hợp của chơi theo lượt. Lượt ai nấy chơi, lượt ai nấy phạt.
3. Khi hai trẻ dưới 6 tuổi đánh nhau mà bạn không rõ bé nào sai, thì bạn cho hai trẻ đều sai và kết quả là từng bé phải xin lỗi nhau và giảng hòa. Không thiên vị dựa trên tình thân, cảm tính hay tuổi tác. Nếu bạn thực sự biết rõ bé nào làm sai, thì hãy bảo bé đó xin lỗi bé còn lại. Trẻ trên 6 tuổi nếu cùng sinh hoạt dưới 1 hoạt động thì được tính như cách làm số 2 ở trên. Cả hai cùng sai dù ai đó làm sai, cả hai cùng chịu phạt.
4. Các hoạt động khuyến khích để giúp trẻ học về chia sẻ. Trẻ dưới 5 tuổi không có khái niệm chia sẻ, mà chỉ có khái niệm sở hữu dài hạn và sở hữu ngắn hạn. Nghĩa là, khi bạn nói cho trẻ cái gì, thì trẻ tự nhận định nó là sở hữu dài hạn của trẻ, việc trẻ có quyền chia sẻ hay không là do trẻ quyết định. Bạn chỉ cần giúp trẻ hiểu thêm 1 khái niệm là sở hữu ngắn hạn, có nghĩa là trẻ đưa bạn khác món của trẻ thì bạn đó cầm 1 lát và sẽ trả về. Điều này cũng sẽ hiểu khi món đồ là dùng chơi chung giữa hai trẻ, mỗi bên chỉ có sở hữu ngắn hạn. Khái niệm này trẻ từ 2 tuổi có thể bắt đầu hiểu, nhưng cần dạy thông qua các hoạt động chia sẻ như chuyền món đồ chơi sang tay qua lại.
5. Khi nhà có 2 trẻ thì cha mẹ cũng nên hiểu rõ ràng 2 khái niệm sở hữu này khi cho trẻ những món quà. VD, khi cho quà thì nên nói rõ là cho bé nào, đừng ngập ngừng hay để trống như thể ai chơi cũng được. Không nhất thiết mỗi bé đều cần có quà 1 lúc để công bằng. Thực ra, trẻ con không có khái niệm ganh tị như chúng ta nghĩ. Trẻ con rất đơn giản, và hiểu rằng món nào cho trẻ là của trẻ là sở hữu lâu dài mà thôi. Khi đó, chắc chắn trẻ không dễ dàng cho ai đụng vào. Do đó, chỉ cần rõ ràng cho bé nào là được, thậm chí bạn cho bé này dịp này, bé kia dịp khác đều được. Nếu muốn cả hai cùng chơi chung thì hãy gọi 2 đứa ra và nói cho cả hai, khi đó, cả hai sẽ hiểu rằng chỉ có sở hữu ngắn hạn trên món đó. Nếu bạn để ý thì trẻ không cố giữ riêng nó. Trẻ con là đơn giản vậy, không quá phức tạp như suy nghĩ người lớn chúng ta.
Bottom line
Sự bình đẳng nên xảy ra trong mọi hoạt động, giao tiếp và giáo dục để trẻ tự nhận thức về công bằng. Chỉ khi trẻ có sự nhận thức công bằng thì trẻ mới thật sự trưởng thành và được mọi người kính trọng.
Notes:
Smith CE, Blake PR, Harris PL (2013) Correction: I Should but I Won’t: Why Young Children Endorse Norms of Fair Sharing but Do Not Follow Them. PLOS ONE 8(8): 10.1371.
Warneken, F. et al. (2016). Children’s reasoning about distributive and retributive justice across development. Developmental psychology, 52(4), 613–628.
Chào các bạn, mỗi đứa trẻ đều sinh ra có 1 con hổ nhỏ gọi là “ích kỷ”. Điều này chỉ để chúng đảm bảo có được sự yêu thương, chăm sóc để phát triển. Bằng chứng khoa học đã đồng ý rằng: cách đáp ứng của cha mẹ trong gia đình là rất quan trọng và quyết định liệu “con hổ nhỏ” này thức dậy hay sẽ ngủ yên.
Dẫu rằng đứa nào chúng ta cũng đều yêu thương bằng nhau, nhưng đôi lúc cách dạy, cách ứng xử của chúng ta lại tạo sự chia rẻ giữa chúng. Đặc biệt nó thường đến từ các vấn đề cơ bản của cuộc sống như ngủ, chơi, ăn, yêu thương
Đây là một số vì dụ về cách ứng xử “tạo sự chia rẻ”
1. Ăn:
Bạn có thể nói gì đó tương tự như: “Tin ăn ngoan không, chả khóc gì, Chị Na ăn hư quá”
2. Ngủ
“ngủ đi chứ, lăn lộn hoài để em ngủ nữa chứ”
Người mẹ vô tình lấy đứa em làm lí do để bắt đứa lớn hơn ngủ. Vô tình đưa lợi ích của đứa này làm điều kiện cho bất lợi của đứa khác.
3. Chơi
Người bà vỗ về đứa nhỏ “Ngoan ngoan nào!” và quát đứa lớn “Na đưa con gấu cho em!” dù đó là đến lượt chơi của chị Na.
4. Yêu thương
Những câu nói đùa vô hại, nhưng là chia rẻ lớn tình yêu thương.
Ví dụ, “ngoan ngoan mẹ thương mẹ thương hơn chị Na nhé”
Hoặc người bà thường hay nói đùa “mẹ mày đâu? thế nó bỏ rơi mày rồi, lại với bà nè!”.
Các câu nói đùa trên không hề có ác ý gì cả, nhưng tâm hồn trẻ con nó nghĩ nhiều hơn chúng ta nghĩ. Có 1 lần tôi về VN chơi, mẹ tôi cho trái mít chưa chín và bảo để nó dưới nắng để nhanh chín. Không biết đứng ở đâu mà đứa cháu nhỏ tôi nghe được câu chuyện. Thế là đứa cháu gái nhỏ 5 tuổi của tôi hì hục buổi trưa di chuyển trái mít theo ánh nắng chiếu trên sân. Trẻ con trong tuổi học và hiểu, nó hiểu nhiều chiều hơn cách hiểu chúng ta. Hãy thận trọng đưa ra sự so sánh, điều kiện lợi ích, bên nặng bên khinh,… Đến lúc bạn nhận ra hậu quả có thể đã muộn màng.
Chúc các bé vui khỏe
Chào các bạn, đôi lúc cách nhận thức của cha mẹ chưa thật đúng về sự ưu tiên có thể vô tình tạo nên mâu thuẩn giữa các con. Cho rằng trẻ nhỏ nên được ưu tiên, trẻ lớn phải có trách nhiệm nhường em, hoặc bé trai (đặc biệt em trai) được ưu tiên hơn bé gái. Điều này không đúng và rất dễ tạo ra mâu thuẫn. Thực tế, các bé nên được đối xử công bằng cho dù độ tuổi hay giới tính nào. Tại sao? Sự ưu tiên cần được nhận thức từ chính các bé chứ không phải do cha mẹ áp đặt. Các bé dưới 10 tuổi chưa đủ nhận thức để hiểu khái niệm này. Sự ưu tiên do áp đặt hay chủ quan chỉ làm gia tăng mâu thuẫn, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi ương bướng phức tạp hơn. Cách đối xử công bằng là cần thiết để các bé được tự do phát triển. Chúc cá bé vui khỏe
Bác ơi. Con trai em 39m hay có thói quen cắn móng tay. Em và mọi người sửa mãi nhưng không được ạ. Nhờ bác tư vấn giúp em
Chào bạn, việc cắn móng tay của trẻ thường xảy ra phần lớn do 3 nguyên nhân sau
• Do trẻ nhìn thấy ai đó trong nhà có thói quen này, trẻ học theo và cảm thấy vui tai khi cắn, dần thành 1 thói quen.
• Do móng tay trẻ ít được cắt và trẻ thường cắn và dần hình thành thói quen này
• Do khi trẻ cảm thấy lo lắng và cắn móng tay sẽ cho trẻ cảm giác “kích thích giả” lên não để trẻ bớt lo lắng, kiểu trấn an giả rồi dần thành 1 thói quen kích thích.
Thông thường bạn chỉ cần thay đổi các nguyên nhân trên thì hành vi này tự bỏ. Như,
• Người trong nhà thường xuyên cắn móng tay nên bỏ thói quen này (nếu có) và trở thành người nhắc trẻ mỗi lần trẻ cắn, chỉ nhắc như “Bin, không cắn móng tay nữa” là được, đừng tranh cãi, hay la mắng. Trẻ chỉ cần nhìn thấy yếu tố bắt chước không còn thì trẻ sẽ dần tự bỏ.
• Cắt móng tay thường xuyên cho trẻ
• Trẻ nhỏ thường có hành vi cắn móng tay khi bắt đầu lo lắng điều gì như khi chơi hay ngồi chán cũng có thể cắn vì tìm sự kích thích. Lúc này, bạn nên tìm 1 việc gì đó để tay của trẻ bận với việc đó và não bộ lúc này cũng bận với điều đó, lâu dần sẽ khắc phục được tình trạng này. VD, bạn có thể mua 1 bóng mềm cao su cho trẻ bóp mỗi khi trẻ cắn móng tay, có thể nói trẻ bóp bóng cao su trong túi quần khi đi ra ngoài. Song song đó, bạn cũng tìm hiểu 1 số lí do làm trẻ lo lắng khác đi kèm với cắn móng tay như khi trẻ làm bài tập, khi trẻ suy nghĩ trả lời cái gì. Lúc này bạn quan tâm điều trẻ lo lắng và hướng trẻ vào tìm giải pháp. Khi đó, não bộ không cần dạng kích thích giả của việc cắn móng tay vì bận tìm giải pháp thì trẻ sẽ tự bỏ nó 1 cách tự nhiên.
Chúc bé vui khỏe