Nhiều cha mẹ hay chia sẻ rằng: “Con hay dỗi hoặc tức giận khi không được điều gì đó, và bé hay ném đồ vật mặc dù bé không dỗi ai. Vào lúc này, em luôn nghiêm khắc nói bé không được làm vậy, có lúc bắt bé úp mặt vào tường hoặc đánh 1 cái thật đau vào tay con và nói sẽ đánh đau như vậy nếu con tái phạm. Nhưng đâu lại vào đấy, bé cũng lại ném, nói trước quên sau. Đôi lúc em thấy bất lực quá, đành kệ cho con muốn làm gì thì làm, mẹ cứ cặm cụi đi nhặt về.” Liệu trẻ còn nhỏ nên áp dụng phương pháp dạy nào cho phù hợp với độ tuổi của con, phương pháp nào nói con để con có thể nghe, hiểu và ngoan hơn?
SỰ THẬT VỀ TRẺ CON
Tình huống này thường gặp ở các bé từ 15 tháng tuổi – 6 tuổi, khi mà trẻ bắt đầu nhận ra sức mạnh của “thương lượng”, nghĩa là nếu như trước đó trẻ không ý thức được việc trẻ đòi thì được đáp ứng từ cha mẹ, thì nay trẻ có thể hiểu khái niệm này và học cách sử dụng nó. Nói dễ hiểu hơn, khi trẻ khóc đòi món đồ nào đó, trẻ nhận được món đồ đó thì trẻ ghi nhận nó là một thương lượng thành công, và cứ thế mà trẻ sử dụng công cụ này để đạt nó khi đòi hỏi. Nếu cha mẹ không đáp ứng ngay hoặc tỏ vẻ không đồng ý, thì trẻ sẽ biết cách tăng cường độ để đạt được thương lượng thành công. Nếu phần lớn trẻ nhận được các thương lượng thành công, trẻ có thể đánh giá các điều kiện để đạt thương lượng thành công như khóc đòi khi có đối tượng ủng hộ trẻ ; VD, khi có ông bà vì ông bà thường chiều trẻ, hét lớn hơn khi mẹ không đồng ý,…
Thực ra, khi ấy, việc bạn có la mắng, nhắc nhở, thậm chí đánh đau vào tay trẻ, cũng không hiệu quả kết thúc thương lượng của trẻ. Hơn nữa, dù bạn có nhắc nhở, đánh đau thì trẻ cũng không thể nhớ được và trẻ vẫn có thể tiếp diễn ở lần sau vì sự tập trung của trẻ rất ngắn. Cách đáp ứng với thương lượng là bạn cho trẻ thấy sự thương lượng luôn có quy tắc vận hành của nó. Và kiên trì thực hiện nguyên tắc đó để các cuộc thương lượng diễn ra đúng nguyên tắc. Kết quả của thương lượng mới là chìa khóa chấm dứt hành vi của trẻ tiếp diễn sau này.
LÀM SAO NÓI TRẺ HIỂU, NHỚ VÀ NGOAN?
Nguyên tắc của thương lượng rất đơn giản. Đó là:
+ Rõ ràng được phép hay không được phép, không có ngoại lệ
+Lập lại cùng 1 thái độ cho mọi tình huống. VD, trong 1 tình huống không được phép dù nó xảy ra hôm nay, ngày mai hay 1 tháng tới thì thái độ kiên quyết và kết quả chỉ có 1 là “không được phép”, không vì trẻ năn nỉ 1 lúc thì sang 1 chế độ “ừa lần này ngoại lệ mẹ cho nha!”
Đơn giản, khi bé làm một hành động nào đó.
1. Nếu hành động đó là chưa đúng hoặc không được phép, bạn chỉ dùng 1 cách xử lý và thái độ duy nhất và lập lại nó cho mọi lần bé lập lại. Đừng thay đổi cách xử lý.
Ví dụ, trong tình huống ban đầu khi trẻ thường xuyên tức giận điều gì mà ném đồ, thực ra trẻ không ý thức được hành vi trẻ ném là sai. Điều bạn nên làm là giúp trẻ nhận ra hành vi đó không được phép. Bạn có thể dùng cách đáp ứng như: bạn bế bé đến món đồ mà bé ném, nói nghiêm với bé là không được làm vậy, mẹ không thích và nói bé nhặt món đồ đó lên. Nếu bé không chịu nhặt thì bạn nhặt lên đưa bé cầm, khuyến khích bé đưa lại mẹ. Nếu trẻ không đưa cho bạn và tiếp tục ném thì lần này bạn không nên nhặt nữa mà đơn giản nói với giọng nghiêm là “Bin, điều này không được phép, mẹ không thích con làm vậy” và sau đó bạn ngưng tương tác với bé trong 5 tiếng đếm. Nếu hành vi diễn biến ương bướng hơn, như trẻ tiếp tục ném hay la khóc, bạn có thể xem xét áp dụng time-out. Điều quan trọng là bạn không được tự đi nhặt hoặc tranh cãi lại trẻ. Khi dùng time-out, chỉ áp dụng mà không nói dạng răn đe như “được rồi, chắc con muốn bị time-out” hay tranh cãi đôi co với trẻ.
Điều quan trọng ở đây là giúp trẻ liên kết giữa hành vi và kết quả. Nó sẽ sớm giúp trẻ nhận ra hành vi nào chưa tốt để trẻ tự thay đổi.
Tuy nhiên, khi bé đưa lại mẹ thì mẹ khen bé “con của mẹ rất ngoan, biết đưa đồ cho mẹ, vỗ tay ra tiếng cho bé nghe hoặc hứa với bé chiều dẫn bé ra ngoài chơi – và nhớ giữ lời hứa nếu đã hứa”. Sau này, bé có lập lại hành động ném đồ đó, bạn đừng ngạc nhiên là “tại sao mẹ bảo con hôm trước nay lại làm nữa”, đó chính là trẻ con. Trong lần này, bạn chỉ đơn giản lập lại đúng quy trình như lần trước. Đừng thay đổi quy trình. Ví dụ lần đầu là nói nghiêm với bé, nhưng lần 2 là quát bé, hoặc đánh bé, hoặc bỏ qua. Như đã nói ở trên, trẻ con cần sự lập lại kiên nhẫn một quy trình đến lúc trẻ hiểu được quy trình đó của bố mẹ. Bạn cứ làm đúng 1 quy trình răn đe, kiên nhẫn lập lại. Sau một thời gian bạn sẽ nhận ra rằng: bé của mẹ ngoan quá, đã không còn hành động đó nữa, mà sẽ mang món đồ đó đưa cho mẹ khi thấy nó rớt xuống đất. Trẻ con là phải dạy chúng như vậy!
2. Nếu hành động đó là đúng, đáng khen, bạn nên khen bé. Khen bé trước một người khác, một đám đông (nếu được) là khuyên làm. Nhưng lời khen đưa ra là phải đáng khen và tập trung vào nổ lực của trẻ. Không nên khen xáo rỗng. Khen đúng và trước đám đông sẽ giúp bé tự tin vào bản thân bé, và bé sẽ thể hiện sự mạnh dạn. Ví dụ, khi bé chịu đứng trước đám đông hát thì khi bé hát, hãy cổ vũ bé, hát theo bé nếu có thể. Hát xong bé có thể muốn hát một bài nữa thì cha mẹ nên cổ vũ bé hát thêm. Đừng bao giờ, so sánh bé trước đám đông, hoặc phán xét khả năng của bé khi bé chịu làm 1 việc gì. Dù bé làm không tốt, nhưng bé đã mạnh dạn làm, đáng cổ vũ hơn là phán xét. Nhiều phán xét chỉ vô ý hoặc chỉ cho vui, nhưng đối với trẻ từ 3-12 tuổi là rào cản để bé tiếp tục làm điều đó trong tương lai. Bé sẽ thiếu tự tin để làm bất cứ việc gì.
LỜI KHUYÊN DÀNH CHO CHA MẸ:
* Đừng nghĩ hình phạt/sự răn đe của bạn là có hiệu lực ngay đối với trẻ con sau đó. Trẻ con cần sự lập lại 1 hình thức răn đe để có thể hiểu và ngoan hơn.
*Nhiều cha mẹ cảm thấy hình phạt của mình có hiệu quả. VD con nó không dám làm gì khi nhìn thấy cây roi. Đó là điều đáng lo hơn là đáng mừng, tâm lý trẻ con trước 5 tuổi rất yếu ớt, có một phần của sự thu mình/thiếu tự tin – một nhân tố cơ bản của sự tồn tại. Nếu bé phải đối mặt với nhiều stress, bé rất dễ thu mình lại, trở nên ít hoạt bát, ít nói, gây ảnh hưởng tâm lý và tự kỉ
*Khen trẻ là khuyến khích khi trẻ chịu làm một điều gì, hoặc làm điều gì đó tốt. Khen trước đám đông là được khuyên, nhưng phải khen đúng. Không nên phán xét bất kì gì khi bé đang làm việc gì. Cổ vũ bé là điều khuyên làm. Hãy cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác, và đó là những cơ hội tốt bạn cổ vũ bé để bé tự tin vào bản thân.
Notes:
Noel Swanson (2004) The good child guide, Aurum, London