Cách đây 40 năm, các nhà khoa học tại ĐH Yale chỉ mới nhận ra rằng: những đứa trẻ biết cách quản lý cảm xúc tốt thì giải quyết công việc tốt và được lòng người khác. Nhưng lúc bấy giờ ít ai hiểu về thứ gọi là trí tuệ cảm xúc EQ. Một nghiên cứu lớn tại Anh năm 2011 theo dõi dữ liệu của hơn 17.000 trẻ sơ sinh trong 50 năm đã tìm thấy: hơn hẳn sự thông minh IQ, 3 yếu tố quan trọng của EQ bao gồm biết tự kiềm chế, kiên trì và tự nhận thức cảm xúc liên quan chặt chẽ và quyết định đến sự thành công và hạnh phúc của những đứa trẻ này khi chúng lớn và quyết định cả hạnh phúc gia đình riêng của chúng.
Những năm gần đây, khoa học có thể vẽ được phần nào sơ đồ sơ khởi của EQ gồm 9 lớp, nhưng bạn biết không có đến 5 lớp quan trọng và phát triển từ rất sớm ở trẻ nhỏ trước 10 tuổi. Ngược lại, việc biểu hiện thấp của 5 lớp này được xem là dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ cần phải được giáo dục để trẻ phát triển tốt hơn. Một điều quan trọng mà cha mẹ chúng ta cần biết đó là: EQ là khả năng con người học được thông qua giáo dục bởi gia đình và xã hội và với trẻ nhỏ gia đình là quan trọng nhất. Do đó, hầu hết các lớp phát triển EQ lúc nhỏ trẻ có được là thông qua dạy dỗ và giáo dục bởi chính cha mẹ của chúng
5 DẤU HIỆU NÀO VÀ ĐIỀU GÌ CHÚNG TA CẦN QUAN TÂM GIÁO DỤC TRẺ?
1. Thường xuyên sử dụng các dạng phi ngôn ngữ để giao tiếp.
VD, khóc thét đòi cái gì, la hét hoặc đánh ai đó để đạt điều trẻ muốn
Trẻ nhỏ đang phát triển ngôn ngữ, việc dùng dạng phi ngôn ngữ là có thể hiểu. Tuy nhiên, việc lập lại và trở nên thường xuyên là dấu hiệu sớm của việc thiếu tự nhận thức cảm xúc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lớp thứ 1: khả năng phát triển tự nhận thức về cảm xúc của trẻ.
Cách sửa:
• Tránh dùng các từ hổ báo để đáp ứng trực tiếp lại các hành vi phi ngôn ngữ của trẻ. VD, quát mắng tay đôi với trẻ. Nó chỉ làm dạng phi ngôn ngữ của trẻ phát triển.
• Dùng các phương pháp được khuyên như distractions, 1,2,3 magic, và time-out (từ 18 tháng tuổi)- để giáo dục hành vi
• Dạy trẻ về các loại cảm xúc thông qua sticker và các câu ngắn để diễn đạt cảm xúc trẻ có.
2. Thường xuyên biểu hiệu thiếu giao tiếp bằng mắt hoặc lúc nào cũng sợ sệt khi phải rời cha mẹ.
Chúng ta nên tránh nhầm lẫn với hành vi bám mẹ của trẻ trước 3 tuổi. Hành vi bám mẹ là bình thường, và sẽ giảm dần khi trẻ sau 3 tuổi. Tuy nhiên, việc bám mẹ kéo dài và tần suất tăng dần, kết hợp các biểu hiện thiếu giao tiếp và sinh hoạt cộng đồng (VD, chơi cùng cha mẹ và các bạn nhỏ khác) thì đang là 1 dấu hiệu đáng quan tâm vì trẻ có thể đang giảm khả năng của lớp thứ 2: xây dựng kỹ năng xã hội như chơi, giao tiếp, và đánh giá với người khác.
Cách sửa:
• Đừng bắt ép trẻ phải giao tiếp hay phải chơi với ai. Thay vào đó, xây dựng niềm tin ở trẻ trước. Trẻ con phát triển kỹ năng xã hội khi trẻ cảm thấy thoải mái và tự tin. Do đó, tạo cơ hội để trẻ quan sát trước như dẫn trẻ đến các khu vui chơi, nhà sách để trẻ chơi hoặc quan sát cũng được, tạo 1 số cơ hội để trẻ tự làm 1 việc gì đó để trẻ tự tìm thấy sự an toàn (VD, hỏi cô nhân viên về 1 quyển sách hoặc tự chất đồ lên khay tính tiền), đừng bắt ép trẻ phải ạ/chào ai khi trẻ cảm thấy không muốn, có thể tạo không gian tốt để trẻ quan sát trước (VD, để trẻ ngồi bên cạnh cuộc trò chuyện của bạn với người đó và lâu lâu hỏi trẻ để trẻ nói, nó sẽ tốt hơn là bắt trẻ ạ)
3. Thiếu kiên nhẫn, tỏ ra bực tức thường xuyên khi gặp điều gì khó khăn.
Tất cả điều này có thể dễ dàng thấy ở 1 đứa trẻ, nó chỉ đáng quan tâm khi các biểu hiện này luôn trở thành “giải pháp” trẻ chọn khi gặp vấn đề, chứ không phải là 1 hoặc 2 trường hợp. Điều này đang ảnh hưởng đến lớp thứ 3: phát triển sự kiên trì.
Cách sửa: trẻ con vốn rất khó chấp nhận sự thất bại và tỏ ra thiếu kiên nhẫn khi biết mình sắp thua. Điều này là do trẻ chưa được dạy cảm giác của thất bại. Do đó, trẻ không biết chấp nhận là dễ hiểu. Cách cha mẹ chúng ta thường muốn làm dễ để tránh xung đột làm trẻ mất vui, hoặc nhường cho trẻ thắng hoặc cười cợt trẻ khi trẻ thua. Các cách này chỉ lấy mất cơ hội để trẻ hiểu về thất bại. Một người chỉ thắng lớn khi họ biết học cách đứng lên từ thất bại và bài học đầu tiên cần dạy là học cách thất bại. Nó quan trọng như học cách để chiến thắng. Do đó, cha mẹ nên công tâm phân xử thắng thua trong bất kì trò chơi nào trẻ chơi, khi trẻ thất bại bạn phải công nhận cái nào trẻ làm chưa đúng và cái nào trẻ làm tốt và hướng trẻ nhìn thấy nổ lực trẻ có, khuyến khích trẻ tìm giải pháp. VD, khi trẻ rút 1 khối gỗ làm rơi thì bạn nói “Bin, mẹ biết con đang tức giận, nhưng mẹ hài lòng khi con rút được 2 khối gỗ khó lúc nãy, bây giờ con nghĩ nếu rút bên này bị đỗ thì bên kia thì sao?
4. Hay đổ lỗi cho người khác.
Trẻ con có thể học được điều này do cách dạy chưa đúng của chúng ta như cách dạy đánh chừa (VD, cái ghế này làm Bi ngã đau phải không, bà đánh cái ghế này) vì trước 5 tuổi trẻ luôn tin mọi thứ là thật và việc đổ lỗi là 1 hành vi vô tình học không đáng có. Trẻ cũng có thể học từ các video trẻ xem trên mạng hoặc chính từ cha mẹ của trẻ. Luôn tìm cách đổ lỗi hay cho rằng người khác làm sai hoặc đổ thừa người khác làm bản thân không vui sẽ làm suy giảm lớp thứ 4: Khả năng tự điều chỉnh cảm xúc.
Cách sửa:
• Không nên tiếp tục dạy cách sai như đánh chừa. Trẻ chạy nhanh ngã thì phải nói điều thật cho trẻ biết dù trẻ buồn hay đang khóc. VD, Bin này, mẹ biết con đau, lại đây mẹ xem. Nhớ là nếu con đi chậm, đừng chạy, con sẽ không ngã đau vậy”
• Bản thân cha mẹ nên làm tấm gương tốt cho trẻ. Học cách nói thật, đừng đổ lỗi cho người khác, hãy nhận về mình khi làm lỗi.
5. Tỏ vẻ ác cảm, châm biến/ xét đoán với người khác, thiếu yêu thương động vật, người khác.
Đây là 1 hành vi trẻ học được từ quan sát và người xung quanh. Nếu nó không được quan tâm và giáo dục, trẻ sẽ dần mất lớp thứ 5 của EQ là: cảm thông.
Cách sửa:
• Đọc cho trẻ nghe các bài đọc về đạo đức, tình yêu con người, bài học nhân nghĩa
• Cho trẻ có cơ hội để sẽ chia như tham gia hoạt động gây quỹ, cho tiền nhà thờ, mở cửa cho cụ già hoặc nhìn các hành vi tốt từ bố mẹ và người thân như nhường ghế cho người già…
• Giúp trẻ có cơ hội để chăm sóc và yêu thương động vật, thú cưng.
• Khi trẻ có biểu hiệu tàn ác hay thiếu yêu thương động vật hoặc châm biếm ai đó, bạn cần dùng câu khẳng định và sự thật để nói với trẻ. VD, trẻ nói và chỉ vào 1 người tàn tật: ông này bị què nè mẹ. Bạn nên nói “Bin, con không được nói và chỉ vào bác ấy như vậy, bác bị tật vì 1 lí do nào đó và chúng ta không biết, nó không có gì đặc biệt để bàn luận. Chúng ta không nên nói về sự khiếm khuyết của ai đó, con à.”
Chào các bạn, có một mô hình được nhiều chuyên gia khuyên cha mẹ ứng dụng trong giáo dục và nuôi dạy trẻ đó là mô hình MARS. Mô hình này nhằm giúp cha mẹ hiểu cách tương tác với trẻ để giúp trẻ phát triển năng lực EQ, cụ thể như sau:
• Motivation (M): Điều đầu tiên là cha mẹ nên xây dựng và tạo động lực bên trong mỗi đứa trẻ. Nếu làm được điều này nó sẽ giúp trẻ kiên trì không bỏ cuộc khi gặp khó khăn cũng như phát triển tiềm năng bên trong mỗi đứa trẻ. Nó không như cách tạo động lực “giả” từ bên ngoài như dụ dỗ hứa hẹn cho trẻ điều gì đó. Vd: Con ăn ngoan lát mẹ dẫn đi ăn kem. Để tạo động lực tự bên trong trẻ, cha mẹ nên thay đổi cách khích lệ để thúc đẩy tư duy phát triển của trẻ. Một cách dễ dàng khi làm điều này đó là khen ngợi nổ lực và các chiến lược khác nhau mà con đang sử dụng để giải quyết vấn đề thay vì khả năng có sẵn của con VD, “mẹ rất ấn tượng là con quá khéo léo rút khối gỗ ở góc nhỏ này” sẽ thúc đẩy tư duy phát triển trong trẻ hơn là chỉ khen “con mẹ giỏi quá!”. Bằng cách này, trẻ luôn trong trạng thái tự tin và có động lực.
• Awareness (A): Trong nuôi dạy trẻ, một điều quan trọng thứ 2 là trao quyền tự chủ cho trẻ. Nghĩa là bạn luôn cho trẻ thấy bạn là người lắng nghe và hướng dẫn, nhưng chính trẻ mới là người thực hiện. Trong mọi hoạt động vui chơi và trò chuyện, bạn luôn cho trẻ cơ hội quan sát, có cơ hội cho ý kiến, có cơ hội tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ sớm phát triển nhận thức và cảm nhận về vai trò của bản thân trong mọi tình huống và hoạt động.
• Regulation (R): Trong các hoạt động vui chơi, bạn luôn tạo sự công bằng, có thưởng phạt rõ ràng. Đừng vì trẻ nhỏ mà thiên vị hay để trẻ vui vẻ mà chỉ cho trẻ có cảm giác của “người chiến thắng”. Nếu bạn luôn làm vậy trẻ không bao giờ biết chấp nhận cảm giác khi thất bại. Trong bất kì việc gì luôn có 2 mặt: chiến thắng và thất bại. Ai cũng quen với chiến thắng, nhưng đối mặt với sự thua hay thất bại là không dễ dàng. Do đó, ngay từ nhỏ bạn nên cho trẻ có cơ hội phạm sai lầm, có cơ hội có cảm giác của kẻ thất bại. Để làm được điều này, bạn luôn công tâm xử thua nếu trẻ thua hay chưa hoàn thành thử thách. Lúc này, thay vì trách mắng, bạn nên an ủi và cho trẻ hiểu rằng: ai cũng có lúc sẽ thất bại con à, và đó là cách để trẻ học cách điều chỉnh cảm xúc và học cách kích hoạt các chức năng trong não bộ cũng như tìm kiếm sự kiểm soát một cách tự nhiên. Có như vậy, trẻ xem sự thất bại là một phần của tự nhiên. Khi làm tốt điều này, não bộ của trẻ sẽ thường xuyên tiết Serotinin nhằm giúp trẻ thích ứng và quen dần với cách điều chỉnh tâm trạng. Khi đó, trẻ sẽ không có nhiều cảm giác chán nản và trở nên có động lực hơn khi gặp thử thách.
• Social Intelligence (S): Trẻ cũng cần cho cơ hội khám phá thế giới quan bằng các hoạt động giao tiếp xã hội như đi chơi công viên, nhà sách, tham quan viện bảo tàng hoặc tham gia các hoạt động tập thể. Điều này giúp trẻ hiểu hơn về nhận thức xã hội, xây dựng khả năng đáp ứng các sắc thái xã hội. Đây cũng là dạng thức cao nhất của EQ vì lúc này trẻ học được cách quản lý các mối quan hệ, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm và hỗ trợ người khác. Chúc các bé vui khỏe
Bác cho em hỏi một vấn đề không liên quan lắm. Bé nhà em 26 tháng. Bé nói được nhiều, diễn đạt câu ngắn ổn, cũng thuộc và hát được nhiều bài không nói lắp. Bé đã đi học. Tầm 10 ngày gần đây tự nhiên nói lắp, trong nhà không có ai nói lắp. Bác cho em hỏi cách để cải thiện tình trạng nói lắp với ạ. Em cảm ơn!
Chào bạn, nói lắp thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi- giai đoạn mà từ và âm được kết hợp để hình thành cụm từ/câu diễn tả suy nghĩ của trẻ. Hầu hết trẻ sẽ tự hết mà không cần can thiệp. Và bạn đừng tạo quá nhiều áp lực bắt trẻ sửa vì nó có thể làm trẻ có hành vi sợ nói sai. Bạn có thể lập lại câu trẻ nói lắp hoặc để ý tình huống nào trẻ hay nói lắp thì cho trẻ thời gian chậm rãi để nói, tạo dấu hiệu tạm nghĩ kiểu như “Bin, từ từ nè, đợi mẹ ngồi xuống rồi nói” hoặc “Bin ơi, mẹ nghe không rõ, con lại ngồi với mẹ và nói lại cho mẹ nghe”. Chúc bé vui khỏe